“Ăn sáng ở Tiffany” không còn là chuyện trong phim, giờ đây bạn còn có thể ăn trưa tại Louis Vuitton nữa.

Từ khi mở cửa vào mùa xuân năm nay, tiệm cà phê Thomas nằm trên con phố Regent ở Luân Đôn đã trở thành điểm đến mới để thưởng thức những món ngon cổ điển của Anh hay thư giãn với buổi trà chiều nhẹ nhàng. Tuy nhiên, Thomas không phải quán cà phê đơn thuần, mà trực thuộc thương hiệu Burberry, nằm trong cửa hiệu lớn nhất của hãng ở Luân Đôn, được đặt theo tên của người sáng lập thương hiệu thời trang xa xỉ này.

Không riêng gì Burberry, hàng loạt tập đoàn thời trang hàng đầu thế giới đang có xu hướng tích hợp dịch vụ ẩm thực cao cấp vào hệ thống cửa hiệu trên toàn cầu nhằm gia tăng trải nghiệm xa xỉ cho khách hàng. Louis Vuitton vừa khai trương Le Cafe V tại Osaka, Nhật Bản; Prada sở hữu chuỗi tiệm bánh ngọt Pasticceria Marchesi ở Ý và Anh; Ralph Lauren mở Ralph’s Coffee trong cửa hiệu Polo lớn nhất New York; Gucci ra mắt Gucci Café trong khuôn viên cửa hàng tại IAPM – Thượng Hải; còn ở quận Ginza thuộc Tokyo, khách hàng có thể trải nghiệm ẩm thực tại các cửa hiệu của Bulgari, Chanel và Dunhill; trong khi Tiffany đi tiên phong với loạt quán cà phê từ 2017.

Khách có thể thưởng thức ẩm thực theo phong cách Audrey Hepburn tại quán cà phê Blue Box Cafe của Tiffany

Quán cà phê Blue Box Cafe đầu tiên của Tiffany khai trương tại New York vào 2017, từ đó mở rộng ra các “tiền đồn” ở Hồng Kông và Thượng Hải. Trong năm 2020, quán cà phê Tiffany đầu tiên ở châu Âu sẽ mở tại khu mua sắm Harrods, Luân Đôn. Khách có thể thưởng thức bữa sáng, trà chiều, bữa tối theo phong cách Audrey Hepburn, được bao quanh bởi nội thất mang màu xanh biểu tượng của Tiffany.

Câu hỏi đặt ra là: các hãng thời trang bán áo quần chưa đủ hay sao, mà còn ra sức mời gọi chúng ta tận hưởng đồ ăn, thức uống của họ?

Vào năm 2013, Hackett London, nhà bán lẻ thời trang nam cao cấp của Anh, đã tân trang lại cửa hiệu của mình trên phố Regent để biến nơi đây thành một không gian mới bao gồm một quầy bar rượu gin theo phong cách quý ông. Giám đốc điều hành Vicente Castellano chia sẻ: “Hãng muốn thiết lập nên một trải nghiệm mua sắm xa xỉ trọn vẹn cho khách hàng, qua đó tăng thời gian dừng chân của khách tại cửa hiệu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh số”. George Graham, đồng sáng lập thương hiệu thiết kế Wolf & Badger, cho biết lượng khách hàng đã tăng từ 20% đến 30% trong hai cơ sở của hãng từ khi ông mở thêm quầy bán các dòng thực phẩm có lợi cho sức khỏe mang tên Raw Press.

Lorna Hall, Trưởng ban Phân tích Thị trường của công ty WGSN cho biết, động lực chính khiến các nhà bán lẻ mở thêm không gian F&B là nhằm tạo hứng thú và cho khách hàng một lý do khác để ghé thăm cửa hiệu trong bối cảnh khách ngày càng bị lệ thuộc vào dịch vụ mua sắm trực tuyến.

Trên toàn cầu, có tổng cộng 13 nhà hàng và quán cà phê Armani. Giorgio Armani cho hay: “Tôi tin rằng các quán cà phê và nhà hàng là điểm dừng chân phù hợp cho khách hàng sau một ngày mua sắm, là không gian thoải mái mà bạn muốn tận hưởng. Tôi muốn tạo ra một phong cách sống Armani hoàn chỉnh, phản ánh tư tưởng của tôi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng về thời trang. Nhà hàng và quán cà phê là chọn lựa mở rộng phù hợp”.

Nhà hàng Gucci Osteria da Massimo Bottura tại Firenze – Ý vừa dành được một ngôi sao danh giá của Michelin Guide 2020

Người tiêu dùng đang tìm kiếm trải nghiệm mua sắm hấp dẫn và đáng nhớ hơn. Nếu các nhà bán lẻ cao cấp có thể quyến rũ họ bằng những yếu tố như nhà hàng và quán cà phê, làm tăng thời gian dừng chân, thì chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng. “Doanh thu được tạo ra từ nhà hàng & quán cà phê sẽ rất nhỏ, nhưng đó là cách xây dựng lòng trung thành cùng thói quen của khách, đưa họ vào cửa hàng, tạo cơ hội để họ mua sắm”, Honor Westnedge, nhà phân tích bán lẻ của công ty Verdict Research, khẳng định.