Là một doanh nhân trẻ sở hữu tư duy thị trường nhạy bén, luôn trăn trở về kỹ thuật chế tác những đôi giày hoàn hảo, Lê Thanh vừa tạo nên dấu ấn độc đáo khi kết hợp thời trang và công nghệ vào ứng dụng “đo ni đóng giày” ScanFit và mô hình kinh doanh trực tuyến nhằm giúp sản phẩm Việt tiếp cận với khách hàng trên thế giới.
Anh có thể chia sẻ về hành trình đến với giày tây? Vì sao anh chọn sản phẩm này để khởi nghiệp?
Trong thời gian du học, bạn tôi, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực giày da, đã chia sẻ mong muốn tạo nên những đôi giày tùy biến tuyệt đẹp mà rút ngắn được quy trình sản xuất giày thửa, bởi phương pháp truyền thống đòi hỏi chi phí và thời gian đáng kể. Vì vậy, sau khi khám phá ra công nghệ quét chân 3D và hướng tiếp cận bằng ứng dụng di động, tôi nhận thấy giá thành của một đôi giày thửa có thể hạ xuống đáng kể và khách hàng cũng không cần phải đến gặp chuyên gia đóng giày. Đó là một ý tưởng tuyệt vời để khởi nghiệp.
Ý tưởng tạo ra ứng dụng Scan Fit của anh đến từ đâu?
Khi mới khởi nghiệp với thương hiệu giày ShoeX, tôi đã nhận thấy mô hình cửa hàng sẽ không tạo ra sự khác biệt trên thị trường, vì vậy công ty đã nỗ lực tạo nên ứng dụng Scan Fit trong suốt 5 năm với sự phối hợp của 4 nhóm lập trình mới có được thành quả như ngày hôm nay. Ứng dụng góp phần gia tăng giá trị cốt lõi của những đôi giày ShoeX, đó là tạo ra một sản phẩm cá nhân hóa hoàn hảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Điều đặc biệt của những đôi giày ShoeX là gì?
Thế mạnh của chúng tôi là tạo ra đôi giày vừa vặn dành cho những đôi chân đặc biệt, phom giày lấy cảm hứng từ các thiết kế của Pháp và Ý, những cường quốc giày tây. Giày ShoeX có độ bền cao, đó cũng là lý do vì sao tỉ lệ khách quay lại mua chỉ ở mức 30%, chủ yếu tìm kiếm mẫu mã mới, thậm chí có những vị khách đã “xuống tiền” sắm tất cả các mẫu có sẵn trong cửa hàng.
Đôi giày đắt giá nhất mà ShoeX từng tạo ra có giá bao nhiêu và đâu là điểm đặc biệt?
Một tỉ phú người Singapore từng đặt hàng tôi những đôi giày có giá đến 5.500 USD với tính cá nhân hóa rất cao. Phom chân của khách khá đặc biệt, các mẫu giày ngoại cỡ của những thương hiệu lớn đều không làm ông hài lòng. Khách cũng yêu cầu những họa tiết chạm khắc tinh tế.
Với anh, những thuận lợi và khó khăn khi khởi nghiệp tại Việt Nam là gì?
Theo nhận định của tôi, các rào cản khởi nghiệp ở nước ngoài đôi khi lớn hơn so với tại Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình phát triển sản phẩm. Ngược lại, Việt Nam sở hữu nhiều cơ sở gia công, chi phí nguyên vật liệu, nhân công khá thấp, thời gian để tạo nên một nguyên mẫu đầu tiên (prototype) khá ngắn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được các khung pháp lý nhằm bảo vệ bản quyền sản phẩm, bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, và hầu hết các công nghệ cũng như nguyên vật liệu mới vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Anh có nhận định gì về thị trường và ngành đóng giày thửa tại Việt Nam?
ShoeX nhận thấy các thương hiệu ngoại vẫn chưa thực sự mang lại các trải nghiệm Made-to-Measure cho khách hàng mà chỉ mới dừng ở các sự kiện xây dựng hình ảnh thương hiệu. Trong khi đó, dù sở hữu tay nghề kỹ thuật khéo léo, nghệ nhân đóng giày Việt vẫn chủ yếu làm gia công, thiếu vắng trải nghiệm sản phẩm và phản hồi từ khách. Để tạo ra đôi giày Made-to-Measure hoàn hảo, nghệ nhân cần hiểu rõ cả sản phẩm lẫn nhu cầu và phong cách riêng của khách.
Anh có thể chia sẻ về đối tượng khách của ShoeX?
Khi ShoeX mới khởi nghiệp, phần lớn khách hàng của chúng tôi là người nước ngoài có cỡ chân lớn, khổ chân đặc biệt. Ngoài ra, giá giày thửa ở nước họ khá cao, đặc biệt là các đôi custom-fit. Hiện tại, tỉ lệ khách hàng Việt của ShoeX đã chiếm 50%, với độ tuổi trung bình khoảng 25-35 tuổi.
Sau khi huy động thành công 4 tỉ đồng từ Shark Tank, chiến lược phát triển tiếp theo của ShoeX sẽ là gì?
Bên cạnh nguồn tài chính, Shark Tank còn mang đến đội ngũ đồng hành giúp ShoeX phát triển định hướng chiến lược. Công ty tiếp tục mở rộng phân khúc, cung cấp sản phẩm có giá bán hấp dẫn hơn cho người Việt mà vẫn đảm bảo chất lượng, tuy nhiên, ngân sách trong tương lai sẽ tiếp tục được phân bổ vào Nghiên cứu & Phát triển để tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá, hữu ích cho cuộc sống hằng ngày của người dùng, đặc biệt là những người có khổ chân ngoại cỡ.
Xin cảm ơn anh và chúc ShoeX thành công rực rỡ!


Đôi nét về doanh nhân LÊ THANH

Lê Thanh tốt nghiệp Kỹ sư chuyên ngành Hóa học của Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh.
Sau đó, niềm đam mê kinh doanh và hoài bão thay đổi bản thân đã thôi thúc chàng trai sinh năm 1984 quyết định tiếp tục theo đuổi chương trình Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế tại Canada.
Bắt đầu khởi nghiệp với giày tây trong thời gian sinh sống và làm việc tại Canada, song Lê Thanh đã quyết định trở về Việt Nam để hiện thực hóa tầm nhìn của mình với thương hiệu giày tùy biến ShoeX và đặc biệt là nghiên cứu thành công ứng dụng “đo ni đóng giày” ScanFit.
Thanh Lê tham gia chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỉ và thuyết phục thành công hai “cá mập” Phạm Thanh Hưng và Thái Vân Linh đầu tư 4 tỉ đồng cho 36% cổ phần của thương hiệu ShoeX vào tối 29.08.2018 vừa qua.
Thanh Lê tâm niệm: “Tạo nên những đôi giày có dấu ấn riêng, chưa từng xuất hiện trên thị trường, thân thiện với người dùng và môi trường mà không tiêu tốn nhiều chi phí và thời gian như phương pháp chế tác truyền thống là sứ mệnh mà tôi muốn hoàn thành.”