Nhìn từ bầu trời Maldives trên chiếc máy bay cánh quạt, hòn đảo xinh đẹp hiện lên như viên đá cuội màu xanh lá cây giữa vùng biển rộng lớn. Từ trên không trung, các “vệ tinh” của hòn đảo hiện ra ngay trước mắt với những căn biệt thự được bố trí theo dạng uốn lượn, ôm lấy lối đi và… yên vị trên các sàn gỗ.

Không phải tất cả các căn biệt thự đều nối liền với bến cảng. Tại một số khu nghỉ dưỡng mới, những ngôi nhà gỗ được thiết kế đặc biệt để có thể nổi lênh đênh trên biển Ấn Độ Dương. Một dự án như vậy được gọi là The Ocean Flower, bao gồm 185 căn biệt thự nổi bố trí theo hình dáng bông hoa Maldives. Được thiết kế bởi công ty kiến trúc Hà Lan Waterstudio, những căn biệt thự cấp 2 sẽ bao gồm ba phòng ngủ, hồ bơi riêng và có giá khoảng từ 2,5 triệu USD.

feat_khamphanhungcanbietthutrenbien_01-1

 

“Trong dự án này, chúng tôi cố gắng xóa bỏ những khác biệt giữa một ngôi nhà bình thường và một ngôi nhà nổi,” nhà sáng lập Waterstudio Koen Olthius cho biết. Ông bắt đầu thiết kế những ngôi nhà nổi ở Hà Lan và hiện tại đang đưa dự án này đến nhiều địa điểm trên toàn thế giới.

The Ocean Flower là một phần của The 5 Lagoons, một khu resort tổng thể ở đảo san hô North Male và chỉ mất khoảng 20 phút đi thuyền từ thủ đô của Male. Dự án là liên doanh giữa Dutch Docklands International và Chính phủ Maldives. Waterstudio cũng đang thiết kế Amillarah, một phần khác của The 5 Lagoons. Nơi đây sẽ bao gồm 10 hòn đảo tư nhân được sắp xếp theo cấu trúc quần đảo nổi. Mỗi đảo sẽ có một bãi biển riêng, hồ bơi, cây xanh và một cầu cảng neo đậu du thuyền.

feat_khamphanhungcanbietthutrenbien_02-1

Maldives có những hòn đảo tự nhiên nhỏ, khan hiếm, dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường và mực nước dâng cao, vì thế các nhà phát triển resort đang dần dần chuyển sang dạng kiến trúc nổi. “Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với Maldives,” Dymitr Malcew, một kiến trúc sư tại Singapore nhận định. Ông đã thiết kế mẫu nhà nổi sang trọng cho một nhà phát triển Pháp vào năm 2012, và kể từ đó ông đã nhận được những yêu cầu từ các nhà phát triển resort và các nhà đầu tư tư nhân trên toàn thế giới, bao gồm cả Maldives.

feat_khamphanhungcanbietthutrenbien_03

Mẫu nhà của Malcew có hai phòng ngủ, hai phòng tắm, sân thượng và cửa sổ lớn giúp cung cấp ánh sáng và tầm nhìn một cách tối ưu. Các ngôi nhà được xây dựng trên một sàn nổi có thể dễ dàng di chuyển, điện được cung cấp thông qua các tấm pin năng lượng mặt trời và có cả kết nối mạng nếu neo đậu tại bến tàu. Căn nhà cũng được trang bị hệ thống lọc nước. “Tôi đã lấy cảm hứng từ các thị trường xe hơi và du thuyền sang trọng chứ không phải theo cách tiếp cận kiến trúc điển hình”, Malcew giải thích.

Tuy nhiên, mẫu nhà nổi không chỉ giới hạn ở Maldives. Tại Thái Lan, những khu nghỉ mát như Khu resort nổi trên sông Kwai ở Kanchanaburi sở hữu những căn biệt thự được làm bằng gỗ tếch và tre, mỗi căn có một ban công riêng và cầu cảng. Công ty thiết kế Agaligo Studio tại Thái Lan cũng đã giới thiệu X-Float, mẫu nhà nổi địa phương có kiểu dáng hiện đại. Đây là một loạt biệt thự nghỉ mát nổi trên sông Kwai được tạo hình bằng khung thép nhẹ, bờ tường xi-măng sợi và ván ép. Các ngôi nhà đều được định hướng để tối đa hóa quang cảnh sông và che chắn ánh nắng mặt trời gay gắt vùng nhiệt đới.

feat_khamphanhungcanbietthutrenbien_04

 

Công ty tư vấn xây dựng BMT Asia Pacific ở Hồng Kông cũng đã tạo ra mẫu nhà nổi giống như một “du thuyền bất động”, đem đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách. The Sea-Suite được ra mắt vào năm 2014 với ba mô hình: Floating Lodge, Houseboat và Beach Cabin, mỗi căn sử dụng một khuôn mẫu hình quả trứng để làm cơ sở cho khả năng vận chuyển, dễ dàng thích nghi và các thiết kế chỗ ở tập trung trên biển. Phiên bản Seascape mới sở hữu sàn rộng 40 feet trên sàn hình tam giác. Mỗi biệt thự có thể được tùy biến và mở rộng để bổ sung vào các khu vực tùy chọn như sân phơi nắng hoặc hồ bơi có mái che, giúp tăng kích thước cho khu nghỉ mát nổi. Biệt thự cũng được thiết kế với một phòng ngủ dưới nước nằm trong một cột nhựa acrylic với đường kính 13-foot tạo nên “hiệu ứng bể cá”, mang đến tầm nhìn 360 độ để du khách có thể quan sát nhịp sống sinh vật dưới đại dương.

 

feat_khamphanhungcanbietthutrenbien_05

Một dự án mới ở Trung Đông được công bố vào tháng 12 cũng đề xuất một phòng ngủ dưới nước. Những bước phát triển mới của Kleindienst Group được gọi là nhà nổi Seahorse và một bộ sưu tập các biệt thự nổi ngoài khơi bờ biển Dubai. Các cấu trúc được thiết kế như chiếc thuyền không động cơ với ba tầng: phòng ngủ và phòng tắm ngập dưới nước được thiết kế đặc biệt với mục đích cung cấp quang cảnh về các sinh vật biển xung quanh, tầng chính gồm một nhà bếp, khu vực ăn uống và boong. Tầng trên gồm một chiếc giường sang trọng, nhà bếp mini và bể tạo sóng có đáy bằng kính. Các nhà phát triển đã bán ra khoảng 60 căn biệt thự nổi Seahorse và số còn lại có giá từ 2,8 triệu USD.

“Chúng tôi nhìn thấy một xu hướng mới trên toàn cầu. Giới thượng đang lưu tìm kiếm không chỉ là một căn hộ penthouse, mà còn là một hòn đảo cho riêng mình,” Koen Olthius nói. Tại Hà Lan, 50% dân số sống dưới mực nước biển và người Hà Lan đã trải qua nhiều thế kỷ xây dựng đê điều, sử dụng máy bơm, hệ thống thoát nước để giữ gìn đất đai của mình trước sự xâm lấn của Biển Bắc. Nhà nổi cung cấp một giải pháp thay thế, tương tự như việc dùng sà lan làm nhà vào thế kỷ 17.

Nhưng ngoài những lý do thực dụng, nhà nổi cũng hấp dẫn trong tương lai vì chúng giúp con người gần gũi hơn với nước, mang đến cảm giác tự do thoải mái nhờ ánh sáng và tầm nhìn đẹp giống như một chiếc thuyền hơn là một căn nhà. Một ngôi nhà bình thường cần khoảng cách lớn so với mực nước để phòng chống lũ lụt. Với một ngôi nhà nổi, mặt tiền thoáng đãng vẫn an toàn khi chỉ cách mặt nước 35 cm.
feat_khamphanhungcanbietthutrenbien_08

Tại Hoa Kỳ, nhà nổi phổ biến nhất ở West Coast, đặc biệt là ở Seattle, nơi Lake Washington, Lake Union, và các hệ thống van khóa điều tiết nước tạo điều kiện lý tưởng cho các cấu trúc nổi. “Cảm giác đứng bên trong nhà nổi rất lạ thường”, kiến trúc sư trong dự án nhà nổi Eric Cobb ở Seattle nhận xét. “Khi bạn ở tầng trệt, mặt nước cách bạn rất gần và bạn sẽ có cảm giác như đang ở trên một chiếc thuyền. Một trải nghiệm tuyệt vời khi bạn mở cánh cửa lùa trong phòng ngủ và mặt nước ở ngay phía trước”.

Trong những năm gần đây, các quy định về nhà nổi ở Seattle ngày càng gia tăng do những ảnh hưởng của chúng trên bờ biển. “Những ngôi nhà lớn đã tạo ra vùng bóng râm khổng lồ gây tác động đến hệ thống sinh thái trên biển,” Cobb nói. Những quy định của thành phố đã kiềm hãm sự phát triển của mẫu nhà nổi mới mặc dù thị trường về mô hình này đang phát triển mạnh.

feat_khamphanhungcanbietthutrenbien_07

Koen Olthius từ Waterstudio cho rằng quy định của thành phố phản ánh lối suy nghĩ cổ hủ. Ông vẫn giữ lập trường trong việc cho phép nhà nổi phát triển thành các phân khúc chính thống và ông tin rằng chúng sẽ tạo ra một mô hình nhà ở bền vững hơn. “Những kinh nghiệm làm việc ở Hà Lan giúp chúng tôi trở thành những chuyên gia trong việc nhận biết những kích cỡ phù hợp với nền móng,” ông nói.

Nhiều kiến trúc sư cho rằng kể từ khi hệ thống nổi có khả năng thích nghi và có thể di chuyển trong cự ly gần mà không để lại thiệt hại cho môi trường, những căn nhà nổi có được sự ổn định và kiên cố hơn trong việc xây dựng. Ví dụ như mô hình Seascape của BMT được thiết kế cho khu vực ngoài khơi xung quanh các đảo nhỏ. Lượng tải điện tổng thể cũng được giảm nhẹ nhờ việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và khả năng thông gió tự nhiên. “Dù chúng tôi không tập trung cụ thể vào các tính năng “xanh” (green) trong thiết kế nhưng bản chất của một số căn nhà nổi ven biển có thể cải thiện hệ thống thông gió tự nhiên từ gió biển và điều tiết nhiệt độ thông qua “thân” ngôi nhà,” Sichard Colwill, Giám đốc điều hành của BMT Asia Pacific cho biết.

feat_khamphanhungcanbietthutrenbien_06

Mẫu nhà này cũng là một giải pháp cho mục đích nhân đạo, đặc biệt là tại những vùng thấp và những nơi hay bị thiên tai lũ lụt. Các đơn vị phát triển cao cấp có những khoản tài trợ lớn cho những cải tiến gần đây cho nhà nổi. Nhưng theo tiết lộ của Olthius thì làn sóng mới về nhu cầu này đang đến từ các thành phố đông đúc và thường gặp lũ lụt như khu vực Ukraine hay Trung Quốc.

Tại Anh, các công ty thiết kế đã đề xuất những hình mẫu tương tự như một phương tiện để đối phó với các khu vực lũ lụt của quốc gia và là một giải pháp cho tình trạng thiếu nhà ở tại Luân Đôn. Baca Architects gần đây đã phát triển một mô hình nhà nổi trong cuộc thi NLA để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở của thủ đô. Dự án nhằm mục đích đưa những căn nhà nổi được xây sẵn vào vùng đất bỏ hoang dọc theo 50 dặm sông và kênh rạch ở Greater London, cũng như bổ sung 150 ha không gian “bluefield” ở khu vực bến tàu, bến du thuyền và các lưu vực. Đối với Koen Olthius, việc chuyển đổi sang nhà nổi trên nước chỉ đơn giản là đưa chúng vào mạng lưới hiện có. Ông nhận định rằng nhu cầu về nhà nổi đã rõ ràng, vấn đề hiện tại là đàm phán với các đô thị và các công ty bảo hiểm và phổ biến cho họ về tuổi thọ lâu dài của những ngôi nhà nổi cũng như chi phí bảo trì thấp.

Nếu mực nước biển bắt đầu tăng lên như dự đoán, các thành phố có thể không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo mô hình nhà nổi. Vào thời điểm hiện tại, một số quốc gia cởi mở hơn về sáng kiến này so với những nơi khác. Waterstudio đã làm việc suốt hai năm qua trong một dự án ở Florida nhưng đã gặp phải sự chống đối từ các cộng đồng địa phương. “Nếu có một không gian trống trên đất liền, tôi có thể xây dựng ở đó. Nhưng nếu tôi sở hữu một vùng nước, tất cả mọi người sẽ phàn nàn,” Olthius nói. “Ở Mỹ người ta có thái độ mạnh mẽ hơn về quyền và sự riêng tư hơn so với những nơi khác như châu Âu hay châu Á. Những căn nhà này có thể đem lại lợi ích cho cả cộng đồng.”

Tuy nhiên, thậm chí nếu không có sự gia tăng đáng kể của mực nước biển, Olthius cho biết ông vẫn quyết tâm xây dựng trên mặt nước. “Chúng tôi lo ngại về sự đô thị hóa, giá đất và nhu cầu về đất đai,” ông nói. “Nước mang lại cho chúng ta ba điều: không gian, sự an toàn và linh hoạt, và thời gian để thay đổi nhanh chóng đến không ngờ.”