Dù đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nhân lực, nhưng các công ty khởi nghiệp tại Israel đang cho thấy sự năng động của mình.

Vonetize – một công ty Israel chuyên cung cấp video theo yêu cầu của khách hàng ở châu Phi, Mỹ La tinh và các thị trường mới nổi khác – “không quá tập trung vào sự bành trướng” như lời của giám đốc điều hành Noam Josephides. Người sáng lập cho biết ông không có kế hoạch bán công ty trong thời gian tới.

Vonetize, công ty cung cấp dịch vụ streaming cao cấp theo phong cách Netflix – phong cách phục vụ cao cấp thông qua các thiết bị di động và TV thông minh – được thành lập vào năm 2011 với khoản đầu tư 200.000 USD từ một nhà đầu tư cá nhân. Vào năm 2014, công ty đã thu hút được 6 triệu USD thông qua các vòng đàm phán kêu gọi tài trợ cá nhân với sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình.

Gần đây, cũng giống như các công ty công nghệ mới khởi nghiệp đầy tham vọng khác ở Israel, Vonetize sẽ phải vật lộn để huy động các nguồn tài trợ cũng như tìm kiếm các cơ hội tiếp thị cần thiết ở nước ngoài với mục tiêu phát triển ra quy mô toàn cầu. Ngay khi có được cơ hội thích hợp, nhiều công ty mới chập chững khởi nghiệp thường chọn cách “bán mình” cho những gã khổng lồ như các công ty công nghệ hoặc quỹ đầu tư.

Nhưng giờ đây, ngành công nghệ của Israel đang tràn ngập các quỹ đầu tư đến từ Mỹ. Điều này một phần được dẫn dắt bởi việc định giá cao ở Mỹ khuyến khích các quỹ đầu tư “săn mồi” bên ngoài thung lũng Silicon, và các công ty mới khởi nghiệp ở Israel chính là những “con mồi” đầy hấp dẫn.

Vonetize đang cân nhắc các lựa chọn của mình. Theo giám đốc điều hành của Vonetize, để bành trướng sang thị trường Đông Nam Á và các thị trường mới khác, công ty có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức, hoặc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Tel Aviv, New York hay Luân Đôn.

Trong mọi trường hợp, việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ chỉ là “một bước đi trên cả hành trình” – cột mốc đầu tiên của công ty mà Josephides muốn ám chỉ: mức định giá 5 tỷ USD. “Chúng tôi muốn xây dựng một công ty lớn mạnh,” ông nói. Việc đạt được mức định giá 5 tỷ USD nghe có vẻ ngạo nghễ, nhưng Israel quả là quốc gia được biết đến với những công ty khởi nghiệp đầy sáng tạo.

Với một thị trường nội địa nhỏ bé chỉ 8 triệu người, các doanh nhân ở Israel có xu hướng bán doanh nghiệp ở thời kỳ trứng nước ngay khi có cơ hội. Một câu hỏi thường được đặt ra tại các hội nghị là khi nào thì Israel – được gọi là Quốc gia khởi nghiệp (Start-Up Nation) trong một cuốn sách cùng tên xuất bản năm 2009 – có thể trở thành “quốc gia quy mô” (Scale-up nation). Người Israel hỏi khi nào thì đất nước của họ, đất nước nổi danh với những thương hiệu tên tuổi như hãng dược phẩm Teva, sẽ có những nhà vô địch quốc gia như Nokia của Phần Lan hoặc Siemens của Đức.

Nhưng khi lĩnh vực công nghệ của Israel trưởng thành, nhiều công ty ở quốc gia Do Thái này bắt đầu mở rộng để tuyển dụng hàng trăm người địa phương. Các công ty này được định giá từ 1 tỷ USD trở lên và được gọi là các công ty “kỳ lân” (Unicorns).

Cú hích cho nền kinh tế

“Cho đến 5 năm trước, khi được hỏi “Chiến lược của bạn là gì?”, 99% các công ty Israel đều sẽ trả lời “Bán”, Josef Mandelbaum – Tổng giám đốc của Perion, một công ty quảng cáo kỹ thuật số được niêm yết trên sàn Nasdaq đã thâu tóm nhiều công ty khác và giờ đây sở hữu khoảng 660 nhân viên trên toàn thế giới – nói. Mendelbaum, người đã thành lập công ty vào năm 2010 với 30 triệu đô-la doanh thu và kết thúc vào năm 2015 với doanh số cao hơn 10 lần, nói: “Tại sao bạn không thể xây dựng một công ty lớn có trụ sở tại Israel? Đó là những gì tôi muốn làm. “

Sự gặt hái của các công ty mới với trị giá hơn 1 tỷ USD còn mang ý nghĩa lớn hơn đối với một nền kinh tế đang phải vật lộn với các thách thức về nhân khẩu học cũng như các rủi ro chính trị. Trong khi một số công ty của nền kinh tế cũ cùng các lĩnh vực khác đang chững lại thì ngành công nghệ đang trong đà phát triển lại được xem là thỏi nam châm hút vốn đầu tư và tạo ra nguồn việc làm dồi dào – bao gồm cả những người Palestin luôn trong tình trạng thiếu công ăn việc làm lẫn những công dân ultra-Orthodox. Theo thống kê chính thức, ngành này chiếm đến 18% GDP và hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Israel.
Một trong những lý do khiến các công ty công nghệ Israel mở rộng là bởi họ hiện hữu khá nhiều ở các lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu cao trên thế giới: ứng dụng di động, phát triển web và đặc biệt là an ninh mạng, lĩnh vực được coi là thế mạnh của Israel.

Check Point, một công ty được các cựu nhân viên tình báo Israel sáng lập, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực an ninh mạng, đồng thời là ví dụ tiêu biểu cho thế hệ các công ty mới. Hiện Check Point được xem là một trong những công ty lớn nhất ở Israel với giá trị vốn hóa trên thị trường là 14 tỷ USD.

Tuy nhiên, Check Point hiện đang đối mặt với nhiều cạnh tranh. Mobileye, một đối thủ của Check Point, đã cho thấy thị phần chi phối trên thị trường hệ thống tích hợp xe hơi. Được thành lập bởi Amnon Shashua, một giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính và Ziv Amiram, “tân binh” này đã nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ Goldman Sachs và được xem là công ty Israel đạt giá trị IPO lớn nhất ở sàn Nasdaq vào năm 2014. Hiện nay, giá trị của công ty này là khoảng 8 tỷ USD. CyberArk, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ an ninh mạng niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2014, hiện được định giá ở mức 1,5 tỷ USD. Wix.com, công ty niêm yết trên sàn Nasdaq được định giá ở mức 1 tỷ USD, đang lên kế hoạch mở văn phòng ở Tel Aviv.

ECIsrael_4.png

Sự trỗi dậy của các công ty kỳ lân

Theo Rubi Suliman, Tổng giám đốc của PwC tại Israel, các ứng viên lý tưởng khác cho vị thế “kỳ lân” ở quốc gia này bao gồm Gett (trước đây là GetTaxi), công ty hoạt động theo mô hình Uber; IronSource, công ty chuyên về phần mềm trực tuyến và phân phối điện thoại di động; Outbrain, nhà cung cấp nội dung; và Taboola, đơn vị chuyên giúp các nhà cung cấp nội dung tìm kiếm các mối liên kết để dẫn traffic đến trang web của họ.

Đang có một thế hệ các doanh nhân kinh nghiệm với khả năng làm giàu từ việc xây dựng các công ty lớn ở nước ngoài làm gương cho các công ty mới khởi nghiệp tại Israel. “Chúng tôi hiện có 2 đến 3 chu trình những người Israel mở và phát triển công ty ở Mỹ, sau đó quay về Israel để lập ra hoặc gia nhập một công ty khác, và tiếp nhận kinh nghiệm chuyên môn này một cách hiệu quả”. Gadi Tirosh, giám đốc điều hành của Venture Partners, quỹ đầu tư ở Jerusalem đồng thời là cổ đông của CyberArk, cho biết.
Uri Levine, đồng sáng lập Waze – công ty chuyên về ứng dụng bản đồ – đã cùng với các cổ đông khác bán công ty cho Google với mức giá được báo cáo là 1,1 tỷ USD vào năm 2013 và hiện đang tham gia vào một số công ty công nghệ mới. “Sự khác biệt đến từ các doanh nhân”, Suliman nói. “Họ đang nhòm ngó Waze, Gett, Mobileye và nói: ‘Tôi muốn xây dựng một công ty đa quốc gia quy mô lớn’.” CyberArk là công ty khởi đầu cho xu hướng này. Được thành lập vào năm 1999, công ty này chuyển trụ sở đến Boston để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi một số nhà đầu tư bắt đầu khuyến khích “tìm kiếm cơ hội bành trướng” như lời của người sáng lập Udi Mokady, CyberArk đã đạt được một thỏa thuận cho phép tiếp tục hoạt động độc lập: Jerusalem Venture Partners và Goldman Sachs mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư, và công ty chính thức lên sàn chứng khoán vào năm 2014. Hiện nay, CyberArk đang hoạt động ở quy mô toàn cầu, nhưng vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Israel với hơn 600 nhân viên làm việc tại đây.

ECIsrael_2.png

Cửa sổ IPO

Tuy nhiên, cũng có một số người nghi ngại rằng việc định giá như ở Silicon Valley có thể quá cao. Theo số liệu của PwC, trong năm 2015, hoạt động IPO đã giảm cả về số lượng lẫn giá trị, từ 18 đơn vị niêm yết trị giá 9,8 tỷ USD vào năm 2014 giảm xuống còn tám đơn vị trị giá 3,5 tỷ USD. Trong khi sự suy giảm xảy ra như là kết quả của việc định giá khủng của thương vụ IPO Mobileye trị giá 5,3 tỷ USD, thì các công ty của Israel cũng phải đối mặt với nguy cơ thu hẹp cơ hội để niêm yết ở Mỹ hoặc Anh.

Giống như Hoa Kỳ, lĩnh vực công nghệ của Israel đã cho thấy sự thất bại của một số công ty lớn, bao gồm Modu, hãng sản xuất điện thoại di động đã ngừng hoạt động vào năm 2011, hay Betterplace, công ty sản xuất xe hơi điện đã phá sản vào năm 2013.

Mặc dù nhiều cảnh báo đã được đưa ra, nhưng các công ty của Israel vẫn cảm thấy việc bảo đảm nguồn vốn tư nhân dễ dàng hơn hơn bao giờ hết. Các nhà phân tích cho rằng, điều này có nghĩa là các công ty hàng đầu của Israel vẫn sẽ còn được định giá cao. Sự thay đổi về công nghệ cũng cho phép lĩnh vực này phát triển ở thị trường nội địa. Trong thế giới của các ứng dụng và các công nghệ khác được triển khai xuyên biên giới, các công ty ở Israel không còn phụ thuộc vào thị trường nội địa nhỏ bé của mình. “Một thập kỷ trước, nếu muốn thực hiện việc tiếp thị và bán hàng và đạt được quy mô, bạn phải hiện diện ở Mỹ hay một thị trường khác,” Michael Eisenberg, Tổng giám đốc của quỹ đầu tư mạo hiểm Aleph, nói. “Với việc tiếp thị qua Internet, bạn có thể đạt được một quy mô mong muốn mà không cần phải tuyển dụng nhân sự ở một khu vực địa lý khác của thế giới nếu công ty của bạn vẫn chưa thực sự lớn mạnh.”

Vonetize đã nhanh chóng học được bài học về sự kích hoạt công nghệ để đạt được quy mô mong muốn ngay từ khi mới thành lập. Công ty này hợp tác với Samsung vào năm 2012 để cung cấp dịch vụ trên mọi thiết bị của Samsung bán ra ở Israel – 1,3 triệu chiếc, tức là nhiều khách hàng hơn so với bất cứ nhà cung cấp nào tại quốc gia này. Tuy nhiên, ngành công nghệ đang trong xu thế phát triển mạnh ở Israel đang phải đối mặt với những hạn chế mang tính cơ cấu trong tham vọng của mình, chủ yếu là vấn đề kỹ năng nhân tài. Họ đang phải cạnh tranh với nhân tài công nghệ của Intel, Microsoft, Google và Facebook – những gã khổng lồ sở hữu các trung tâm nghiên cứu và phát triển hiện đại và trong nhiều trường hợp còn nhận được sự hỗ trợ của chính phủ để mở rộng quy mô. Theo Nir Zohar, Giám đốc điều hành của Wix, khoảng một nửa trong số 280.000 nhân lực công nghệ cao của Israel đang làm việc cho các công ty đa quốc gia.

Vonetize đang trên hành trình phát triển mạnh mẽ. Khi được hỏi về tầm nhìn của mình đối với việc định giá 5 tỷ USD, Josephides cho biết công ty đang trong “thời kỳ siêu tăng trưởng”: dịch vụ của công ty này sẽ hiện diện ở tất cả các nước Mỹ Latinh vào tháng Sáu và 59 quốc gia trên toàn thế giới; Vonetize đã có 200.000 người sử dụng trong 10 ngày đầu tiên tại Brazil. “Chúng tôi cần phát triển, cần nhiều nhân sự hơn, cần các năng lực cho một công ty quy mô,” ông nói thêm.

Khi ngành công nghệ cao của Israel trưởng thành về sản phẩm và công nghệ, đáp ứng nhu cầu toàn cầu, việc một số doanh nhân bán công ty của mình quá sớm không còn là chuyện quan trọng. Vấn đề này không chỉ diễn ra ở Israel. Theo tiết lộ của Peter Thiel, Mark Zuckerberg đã từng từ chối đề nghị 1 tỷ USD từ Yahoo khi “ông lớn” này ngỏ ý muốn mua lại Facebook vào năm 2006. Hiện nay, Facebook có giá lên đến 290 tỷ USD.

Thương vụ “bán mình” đình đám thứ hai mà thiên hạ đồn đoán trong những năm gần đây có lẽ là Waze, công ty công nghệ chuyên về các ứng dụng tìm đường và báo cáo tình trạng giao thông của Israel. Theo Uri Levine, người đồng sáng lập Waze thì công ty này đã được bán cho Google vào năm 2013 với giá 1,1 tỷ USD.

Một công ty khác của Israel được bán cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc là quá sớm, hoặc là vào phút chót chính là ICQ, một ứng dụng nhắn tin từng được AOL mua lại với giá khoảng 400 triệu USD vào năm 1998. “Có thể cho rằng, tin nhắn là một trong những mô hình kinh doanh hàng đầu thế giới hiện nay”, Singer nói, vì vậy, có thể các cổ đông ICQ đã bỏ lỡ một nước cờ.

Mặt khác, ông cho biết thêm, nếu duy trì sự độc lập, ICQ có thể đã phá sản khi bong bóng dotcom vỡ tung hai năm sau đó. Trong nỗ lực đạt được mức định giá hơn 1 tỷ USD, Waze đã trở thành “mục tiêu” cho các công ty đang phát triển khác.