Cho dù là giày thủ công, áo sơ mi may đo chính xác theo kích cỡ từng cá nhân hay túi da vượt thời gian, các thương hiệu sản xuất hàng xa xỉ bespoke của Anh quốc đang làm ngày một tốt hơn.   

Giày Crokett & Jones

Được thành lập vào năm 1879 tại Northampton, Crockett & Jones chuyên đóng giày thủ công cao cấp và chỉ tập trung vào một số kiểu dáng cổ điển.

“Vợ tôi và tôi chẳng nói điều gì khác ngoài giày”, James Fox, người đã gia nhập đội ngũ thợ đóng giày của Crockett & Jones cách đây năm năm, nói đùa. Vợ ông, bà Phillipa, hiện cũng làm việc cho công ty với vai trò Giám đốc. Trong thế giới mà những “gã khổng lồ” đang thâu tóm phần lớn thị trường, một công ty gia đình như Crockett & Jones có thể tồn tại và ngày càng mở rộng từ năm 1879 đến nay không phải là điều dễ dàng. Phillipa là con gái của Giám đốc điều hành, Jonathan Jones, có anh trai Nicholas là Giám đốc sản xuất, họ đều là cháu của nhà sáng lập công ty, Charles Jones.

“Hình thức doanh nghiệp gia đình có những ưu và khuyết điểm riêng. Luôn luôn có những thách thức trong việc chuyển giao phương thức và truyền thống sản xuất đến thế hệ tiếp theo, đồng thời cũng phải truyền tải đúng tinh thần của thương hiệu. Bạn cần phải thử nghiệm trong nhiều năm để đưa ra được một dòng sản phẩm cuối cùng đúng như mong đợi. Chúng tôi không phải là một công ty thời trang – cụm từ này chưa thể mô tả đúng những gì chúng tôi làm. Tuy nhiên, các nhân viên của Crocket & Jones vẫn đang ý thức hơn về các xu hướng đương đại nhằm ứng dụng vào những đôi giày cổ điển”, Fox nói về công ty mà ông luôn tự hào được đóng góp một phần công sức vào đó. “Sự xuất hiện trong hai phần phim Tử địa Skyfall và Spectre cùng với điệp viên James Bond đã giúp Crocket & Jones tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các tín đồ thời trang khắp thế giới. Nhu vậy, thay vì chỉ làm một đôi giày màu đen thông thường, giờ chúng tôi đã bổ sung thêm màu xanh đậm hoặc xanh hải quân. Chúng tôi phải ý thức được thực tế rằng bất cứ khách hàng mới nào đều rất chú trọng đến phong cách”, Fox chia sẻ thêm.

Ngoài ra, phương pháp đóng đế giày da Goodyear-welted cũng được đánh giá cao bởi có thể tùy chỉnh khuôn mẫu theo từng bàn chân, khả năng chống thấm nước cao và không hạn chế số lần thay thế. Nếu trước đây, một đôi giày như vậy khó lòng mà hấp dẫn người mua do kiểu dáng khá thô ráp, nặng nề và không đáp ứng tiêu chuẩn về độ thoải mái như các mẫu giày hiện đại, nhưng giờ đây, khách hàng đã sẵn sàng đầu tư cho một món hàng mang tính lâu dài như Crockett & Jones.

“Đối với chúng tôi, việc duy trì trụ sở công ty và xưởng gia công tại Anh rất quan trọng, nhưng đó không phải vì lý do yêu nước hay tự hào dân tộc”, Fox lập luận, thực chất Crockett & Jones lại được đánh giá cao ở thị trường nước ngoài hơn trong nước. “Chúng tôi định vị là một nhà sản xuất, chứ không phải thương hiệu. Trong lịch sử, các nhà sản xuất giày vùng Northampton khá ù lì và chậm thay đổi, do đó khó tạo được tiếng vang về mặt hình ảnh, nhưng chất lượng họ đem đến cho khách hàng chính là chìa khoá làm nên tên tuổi”.

Áo sơ mi Budd

Tọa lạc tại vùng Piccadilly, London, Budd đã may đo áo sơ mi bespoke trong hơn một thế kỷ qua.

Cuộc chiến giữa may đo bespoke và sản xuất hàng loạt vẫn chưa đến hồi kết. “Các thợ may thường đổ lỗi cho những nhà sản xuất sơ mi hàng loạt (shirtmaker) rằng họ đã làm mất đi bản chất của ngành may đo”, Stephen Murphy, chuyên gia tài chính và nay là chủ sở hữu thương hiệu áo sơ mi Budd, chia sẻ. Thế nhưng, điều đó còn phụ thuộc vào người mua, giả sử như có khách hàng đến Budd yêu cầu cắt may một chiếc áo sơ mi, và nhất quyết yêu cầu phải cắt vải bằng máy, thì chúng tôi chỉ có thể nói xin lỗi vì không thể đáp ứng.

Mặc dù đã có được danh tiếng trong giới bespoke, nhưng Budd vẫn là thương hiệu áo sơ mi ít được biết đến tại London. Sự xuất hiện của Murphy được xem như bước ngoặt có thể thay đổi điều đó. Ông mua lại công ty từ gia đình Webster, những người đã sở hữu Budd từ năm 1930 nhưng chưa tạo được dấu ấn đáng kể, vào năm 2011. 

“Chúng tôi làm những chiếc áo sơ mi bespoke tuyệt vời nhất Anh quốc”, Murphy tự hào chia sẻ. Đó là một tuyên bố táo bạo, bởi điều đó cũng gần như đồng nghĩa rằng Budd là nhà sản xuất áo sơ mi bespoke tốt nhất thế giới. Chỉ có một cách để lý giải cho sự tự tin của Murphy, bởi công ty có quy mô khá nhỏ, số lượng thành phẩm hạn chế nên một chiếc áo sơ mi được hoàn thiện một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết. Vào thời điểm hiện tại, Budd chỉ có 3 máy cắt và 12 thợ may làm ra 3.500 áo sơ mi một năm, gồm cả loại made-to-measure (may đo) lẫn ready-to-wear (may sẵn), bán trực tuyến lẫn tại cửa hàng nhỏ ở Piccadilly.

Phần lớn các chi tiết mang tính bespoke đều được ẩn bên trong, chẳng hạn như những đường vải chồng chéo ở vai và cổ tay đem lại hình ảnh mạnh mẽ và gọn gàng hơn cho quý ông. Vẫn có một số thứ hữu hình, ví như việc sử dụng các loại vải tốt nhất đến từ Thụy Sĩ, sợi tơ tằm, hoặc các chi tiết xếp li. Murphy nhấn mạnh, công đoạn xếp li có thể được thực hiện bằng máy chỉ mất 40 phút, nhưng Budd chọn cách làm bằng tay và phải mất hơn 4 giờ. Với những khách hàng sành sỏi, “gần như” giống nhau vẫn là khác nhau. “Chỉ một chi tiết nhỏ cũng có thể giúp bespoke được đánh giá cao hơn hẳn. Và một khi đã chú ý đến nó, bạn sẽ mãi mãi khắc ghi. Trên thực tế, dù đàn ông có mối quan hệ mật thiết với áo sơ mi, nhưng họ chưa có sự đánh giá đúng mực với loại trang phục này. Họ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố giặt ủi, nghĩ rằng chỉ cần dịch vụ giặt ủi và nước giặt cao cấp là có thể khiến chiếc áo trở nên đẹp hơn”.

Sự khác biệt mà Budd mang lại thiên về yếu tố văn hóa hơn là vật lý, công ty có thể kéo dài tuổi thọ cho chiếc áo sơ mi của khách hàng bằng cách cung cấp dịch vụ thay thế những nút áo và tay áo bị mòn. Gần đây, Budd đã thử nghiệm một vài kỹ thuật phức tạp hơn như may tay áo một mảnh hay áo sơ mi kiêm áo khoác. “Đây là lợi thế của một công ty nhỏ. Nếu chúng tôi thích một ý tưởng nào đó, chúng tôi có thể thử và trải nghiệm mà không e ngại điều gì cả”, Murphy chia sẻ.

Túi xách Mulberry

Từ một công ty có quy mô khiêm tốn tại thị trấn Somerset, thuộc vùng Chilcompton khá hẻo lánh, nay Mulberry đã phát triển thành một thương hiệu túi xách da biểu tượng của nước Anh và vang danh trên khắp thế giới.

Chilcompton, một cái tên quá xa lạ giữa những kinh đô thời trang London, New York, Milan hay Paris. Tuy nhiên, nếu biết đây là nơi sinh ra Mulberry, thương hiệu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng da lên tới 163 triệu bảng Anh với số vốn ban đầu chỉ 500 bảng Anh vào năm 1971, chắc hẳn bất cứ ai cũng phải “nhìn với ánh mắt khác”. Đây là công ty sở hữu loạt túi xách Roxanne và Bayswater, được mệnh danh là IT Bag (túi xách huyền thoại), khiến phái đẹp điên đảo.

Trong những năm gần đây, Mulberry đã theo đuổi phong cách “London Cool” trứ danh, với những sản phẩm mang đậm dấu ấn của tinh thần Anh. “Kết quả là, những gì Mulberry làm ra hoàn toàn khác biệt với một sản phẩm đến từ nhà sản xuất Ý. Prada chẳng hạn, túi xách của thương hiệu này rất sành điệu, đậm chất đô thị; còn Mulberry hướng tới sự thực dụng, mỗi chiếc túi đều toát lên vẻ mạnh mẽ, không hề rườm rà và tạo cảm giác khá mộc mạc. Điều tuyệt vời là chúng tôi đã biết cách sử dụng tài năng để sáng tạo ra những thứ khác biệt nhưng vẫn duy trì giá trị truyền thống. Điều quan trọng là phải làm sao để dung hòa giữa sự nổi loạn và di sản, hai khía cạnh không thể tránh khỏi mẫu thuẫn trong quá trình phát triển của thương hiệu”, Anne-Marie Verdin, Giám đốc thương hiệu của Mulberry, chia sẻ.

Quả thực, những cú “hit” thời trang thường dựa trên sự may mắn hơn nhiều yếu tố khác, bởi nếu có một công thức thành công chính xác nào, tất cả mọi người đều đã làm như vậy rồi. “Bạn không thể tạo nên một chiếc IT Bag. Bạn chỉ có thể làm ra một chiếc túi tốt và hy vọng nó được mọi người đón nhận. Có những chiếc túi nổi lên nhanh chóng rồi chìm vào dĩ vãng, cũng có loại trường tồn với thời gian – và chúng tôi thuộc loại thứ hai”, Verdin chia sẻ.

Một chiếc túi xách của Mulberry có thể truyền từ mẹ sang con gái chứ không “xếp xó” mỗi khi kết thúc một xu hướng thời trang. Dù không được vận hành bởi gia đình của nhà sáng lập Roger Gaul, nhưng công ty vẫn duy trì việc sản xuất hầu hết các sản phẩm tại nhà máy địa phương. “Đây chắc chắn là một lời cam kết đáng tin cậy cho người dân ở đây, nơi mà chúng tôi là một nhà tuyển dụng lớn. Qua đó, chúng tôi cũng muốn chứng minh rằng, bạn có thể sản xuất hàng hóa tại Anh mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Không phải ai cũng quan tâm đến nơi sản xuất, nhưng tôi nghĩ rằng ngày càng nhiều muốn tìm hiểu về nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm mà họ mua”, Verdin nói.

Tuy nhiên, việc duy trì cơ sở sản xuất tại Anh không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Khi những thợ thủ công đời đầu già đi, rất khó để tìm được thế hệ kế nhiệm đủ kỹ năng và mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Mulberry đã hoàn thành khóa dạy cắt và may túi xách cho 70 học viên vào năm 2006, và đến nay vẫn còn 49 người làm việc tại đây. “Nghề thủ công luôn gắn liền với bụi bặm và âm thanh khô khan, nhưng thật tuyệt vời là vẫn có những người trẻ đam mê công việc dùng đôi tay để biến ý tưởng thành hiện thực”, Verdin chia sẻ.