Hệ thống động cơ đẩy của máy bay J-2000 hứa hẹn sẽ “đánh bại” những chiếc phi cơ cánh quạt truyền thống.

Những năm gần đây, khi công chúng đang trở nên khá “ngộp” trong biển khái niệm về “taxi bay”, thì nhà sản xuất Jetoptera đã tìm ra cách để thu hút sự chú ý và trở nên nổi bật qua mô hình máy bay mang tên J-2000.

Phải nói, J-2000 của công ty khởi nghiệp tại Seattle được cho là một trong những mẫu “xe bay” hấp dẫn nhất của ngành hàng không, bởi lẽ nó sở hữu động cơ đẩy hoàn toàn khác so với những hệ thống điện thông thường. Dĩ nhiên, giới yêu thích công nghệ cao của Dyson sẽ chẳng lấy chuyện này làm lạ.

Đa phần khái niệm về VTOL, máy bay điện hay các thiết bị khác trong vài năm qua đều dựa vào bộ phận cánh quạt để tạo ra lực nâng và vận tốc. Tuy vậy, New Atlas đưa tin rằng J-2000 được hãng Jetoptera trang bị FPS (Fluidic Propulsion Systems), gọi là “hệ thống đẩy lỏng”. Tại đây, nó hoạt động giống như một chiếc quạt không cánh của thương hiệu Dyson, biến luồng không khí xung quanh phi cơ thành lực đẩy lớn.

Hệ thống FPS của J-2000 bao gồm hai quạt không cánh dạng hình hộp ở cả phía trước và sau. Theo Popular Mechanics, mỗi cánh hoạt động sẽ di chuyển một lượng nhỏ khí nén bên ngoài để tạo ra áp suất âm giúp nâng máy bay. Lúc lên không trung, tất cả bốn động cơ đẩy của J-2000 đều hoạt động, và khi đạt đến độ cao nhất định thì hai cánh trước sẽ được thu lại. Các phần cánh sau tiếp tục tăng tốc về phía trước với tốc độ lên đến 322 km/h.

Đó không chỉ là một phương pháp độc đáo giúp “đứa con” của công ty Jetoptera lượn quanh bầu trời, mà cỗ xe bay này còn sở hữu sự khác biệt thông qua hệ thống nhẹ nhàng và êm ái hơn những chiếc chạy bằng cánh quạt truyền thống trên thị trường. Nhờ đó, J-2000 hoạt động hiệu quả hơn 10% so với các sản phẩm cùng loại, trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu cũng giảm đi một nửa. Mặc dù thế, phía công ty không nhắc đến việc liệu máy bay có thể hoạt động tốt nếu chạy bằng pin hay không.

Điều đáng buồn là J-2000 chưa được xác định khi nào sẽ được đưa vào sản xuất, một điều khá phổ biến với những dự án nghiên cứu. Tuy nhiên, việc ngành không quân quan tâm đến hệ thống FPS của Jetoptera là một dấu hiệu tích cực cho thấy chiếc máy bay của công ty startup sẽ xuất hiện trong tương lai không xa.