Ngày 4/10, Kenzo Takada – nhà sáng lập thương hiệu thời trang Kenzo đã trút hơi thở cuối cùng tại Pháp vì những biến chứng do Covid-19.

Ông qua đời chỉ ít ngày sau khi thương hiệu Kenzo trình diễn BST thời trang Xuân Hè 2021 tại Tuần lễ thời trang Paris.

Kenzo Takada sinh ra tại Himeji, Nhật Bản vào ngày 27/2/1939 trong gia đình gồm bảy anh chị em. Ngay từ nhỏ, Kenzo đã có niềm yêu thích với thời trang. Dù đã theo học ngành văn học tại trường Đại học Kobe theo nguyện vọng của đấng sinh thành, thế nhưng sau đó ông đã quyết định bỏ học để nộp đơn vào trường Cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo – nơi chỉ có duy nhất hai nam sinh, bao gồm ông.

Năm 1960, Kenzo thắng giải Soen – giải thưởng do tạp chí thời trang danh tiếng Nhật Bản Soen trao tặng. Tuy nhiên, nhắc về bước ngoặt cuộc đời của Kenzo thì phải nhắc đến khoảng thời gian năm 1964, khi khu chung cư của ông bị phá hủy nhằm phục vụ cho giải Tokyo Olympics. Lúc bấy giờ, Kenzo được bồi thường 10 tháng tiền nhà. Ông đã quyết định sử dụng số tiền này để ghé thăm Singapore, Ấn Độ, Tây Ban Nha, sau đó là Marseille, Pháp và đặt chân đến Paris vào mùa đông năm 1965. Thời điểm đó, do không thạo ngôn ngữ, công việc duy nhất ông có thể làm được là ở một cửa hàng tỉa lông chó xù.

Năm 1970, Kenzo mở cửa hàng đầu tiên tại Galerie Vivienne. Thời điểm này, ông ra mắt công chúng buổi trình diễn thời trang đầu tiên mang tên “Jungle Jap” đầy màu sắc với những họa tiết ấn tượng được lấy cảm hứng từ chuyến đi vòng quanh thế giới của ông. Bộ sưu tập đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng thời trang lúc bấy giờ.

Dù bộ sưu tập được thực hiện với kinh phí khá eo hẹp, tuy nhiên, năng lực của Kenzo đã được công nhận khi tác phẩm của ông đã xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Elle; đồng thời, những kiểu áo trễ vai, những chiếc áo sát nách rộng, những chiếc quần yếm, kiểu cầu vai cách tân cũng như cửa hiệu của Kenzo đã được giới thiệu trên tạp chí Vogue Mỹ.

Năm 1978 và 1979, Kenzo Takada tiếp tục mang đến bất ngờ cho công chúng khi quyết định tổ chức buổi trình diễn thời trang của mình tại lều xiếc. Buổi trình diễn thêm phần thú vị khi người mẫu tại cuối show diễn đã diện trang phục xuyên thấu, cưỡi ngựa ra sân khấu và Kenzo cũng xuất hiện theo cách tương tự.

Cũng vào năm 1978, ông đã ra mắt dòng nước hoa đầu tiên với tên gọi King Kong có dạng thiết kế vỏ chai cổ điển và chiếc hộp lạ mắt với hai gam màu chủ đạo là đỏ và xanh dương mặt ngoài, cùng màu hồng nóng ở bên mặt trong.

Năm 1983, Kenzo ra mắt bộ sưu tập dành cho nam giới. Ba năm sau đó, ông tiếp tục trình làng dòng sản phẩm Kenzo Jeans và Kenzo Jungle. Song, do một số biến cố, Kenzo đã bán công ty của mình cho tập đoàn LVMH với giá khoảng 80 triệu đô la. Dù rằng vẫn tiếp tục công việc thiết kế, đến năm 1999, ông giã từ sự nghiệp thời trang để tập trung đầu tư cho việc sáng tạo nghệ thuật.

Ban đầu, Kenzo Takada có ý định chỉ ở lại Paris trong vòng sáu tháng, thế nhưng, cuối cùng thì ông đã gắn bó với kinh đô ánh sáng suốt 56 năm. Những gì ông thực hiện đã đem lại nguồn động lực to lớn cho thế hệ những nhà thiết kế Nhật Bản sau này, trong đó phải kể đến Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo.

Felipe Oliveira Baptista, giám đốc nghệ thuật Kenzo, người vừa trình diễn bộ sưu tập thứ hai của mình cho thương hiệu vào ngày 1/10 vừa qua tại tuần lễ thời trang Paris, chia sẻ rằng: “Năng lượng tích cực, sự ân cần, tài năng và tiếng cười của ông là những điều rất có dễ lan tỏa. Tinh thần này vẫn sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi!”.

(Bài viết có sử dụng hình ảnh của Masaru Mizushima)