Sản xuất và tiêu thụ theo tiêu chí xanh, bền vững đang là hướng đi chính trong địa hạt thời trang xa xỉ.

Chanel: Trung hòa Carbon

Chanel, một trong những nhà mốt quyền lực nhất thế giới, thể hiện vị thế tiên phong trong việc định hình xu hướng thời trang xa xỉ của thời đại mới bằng những sáng kiến trung hòa carbon (carbon neutral).

Trong số các sáng kiến đó, không thể không nhắc đến Chương trình Chanel Mission 1.5°, tập trung việc giảm thiểu tác động các-bon trong mọi khía cạnh sản xuất và kinh doanh kể từ năm 2019. Đặc biệt, nhà mốt đã thành công trong việc sử dụng 41% điện năng từ năng lượng tái tạo; giảm đến 40% việc xả khí thải các-bon khi sản xuất chai nước hoa Gabrielle lừng danh và tiến hành tái sử dụng các bao bì sản phẩm cho dòng phấn trang điểm.

Chanel tái sử dụng bao bì cho dòng phấn trang điểm

Mới đây, Giám đốc sáng tạo Virginie Viard của thương hiệu Pháp quốc đã gây chú ý khi sử dụng 4 loại vải tweed sản xuất bằng phương pháp bền vững bởi những người thợ thêu thủ công Lesage trong bộ sưu tập (BST) Cruise 2021/22 hồi tháng 5 vừa qua.

Alexander McQueen: Thời trang tuần hoàn

Sarah Burton, Giám đốc sáng tạo của nhà mốt Anh quốc với 25 năm gắn bó cùng thương hiệu 30 năm tuổi này đã có những định hướng thời trang tuần hoàn (circular fashion) tạo được tiếng vang trong suốt thời gian vừa qua.

Còn nhớ Vogue đã dành những lời có cánh cho Burton trong show Xuân 2020 vào tháng 9/2019. Toàn bộ 42 mẫu thiết kế từ vật liệu được tái sử dụng của những mùa mốt cũ xuất hiện vô cùng cuốn hút, đậm tính thủ công, cầu kì trong từng chi tiết chế tác và mang tính ứng dụng cao. Burton đã tái chế và sáng tạo mới những chất liệu và họa tiết từ chính các mùa diễn trước của nhà thiết kế sáng lập quá cố Alexander McQueen và của bản thân mình. Bà còn sử dụng vải linen từ cây gai được trồng tại những trang trại thô sơ, khiêm tốn do nữ giới làm chủ tại Bắc Ailen và còn tạo ra vải linen bóng, sáng từ máy dệt cổ xưa duy nhất còn sót lại tại Ailen.

Sang đến tháng 2/2020, Burton lại tiếp tục có sáng kiến mới thể hiện tư duy vì cộng đồng và môi trường rõ nét khi dành tặng hàng trăm mét vải quý từ chiffon, lụa đến tweed trong kho vật liệu của nhà mốt cho 14 sinh viên thời trang có hoàn cảnh khó khăn tại Anh, Scotland và Xứ Wales. Nghĩa cử này càng đáng trân trọng khi ít ai biết rằng các sinh viên chuyên ngành thời trang tại Anh thường phải tiêu tốn từ 10.000 đến 15.000 bảng (tương đương 13.750 USD đến hơn 20.600 USD) cho các show diễn báo cáo cuối khóa. Thế mới thấy, ý nghĩa không chỉ nằm ở giá trị vật chất trao tặng mà kế hoạch của Burton còn thể hiện giá trị bền vững khi tạo nên dòng đời thứ hai cho các nguồn nguyên liệu cũ sẵn có thay vì việc lãng quên hay vứt bỏ chúng.

Gucci: Vật liệu thay thế

Gucci, thương hiệu Ý lừng danh có cùng Tập đoàn chủ quản Kering với Alexander McQueen, vừa kỷ niệm 100 năm thành lập bằng việc ra mắt giày sneaker chất liệu vegan – không dùng da động vật mà làm từ bột gỗ, vicose (tơ nhân tạo), thép tái chế và da PU gốc tự nhiên từ lúa mạch và ngô.

Mang tên gọi Demetra, chất liệu mới được lấy cảm hứng từ vị thần thu hoạch của Hy Lạp, với 77% thành phần thô cấu tạo từ thực vật. Nhà mốt trăm tuổi còn hạ quyết tâm nghiên cứu và ứng dụng thêm nhiều phương pháp bền vững khác để “xanh” hóa toàn bộ chất liệu làm ra sản phẩm, do hiện còn tồn tại các chi tiết trên đôi giày làm từ chất liệu tổng hợp.

Đôi sneaker làm từ chất liệu da gốc thực vật và thành phần tự nhiên có giá bán “bỏng tay” từ 702 USD đến 940 USD.

Việc ra mắt lần này là một phần kế hoạch của nhà mốt trong quá trình tiến đến phát triển bền vững từ nguồn vật liệu thân thiện môi trường. Ngoài ra, hãng còn hy vọng chất liệu Demetra sẽ được ứng dụng vào quá trình sản xuất của tất cả nhãn hàng dưới trướng Kering. Không chỉ có giày, Gucci lên kế hoạch sản xuất túi xách và quần áo từ vật liệu mới này. Đồng thời, các mẫu da thừa sẽ được tái sử dụng trong chương trình Gucci-Up nhằm hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn của tương lai thương hiệu.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng 9 mang chủ đề “The New Look of Luxury”)