Muốn tìm được cái chỗ cần đến, thì bắt buộc phải hỏi. “Đường ở mồm”, các cụ nhà mình nói vậy. “Ngày trước chưa có đường, hỏi mãi mà thành ra có”, văn hào Lỗ Tấn từng viết gần như vậy.
Trong suốt cuộc đời dài hoặc ngắn của những thị dân, hầu hết ai cũng một lần phải hỏi và được người khác hỏi đường. Bởi người ta, do xô đẩy linh tinh của nhu cầu sinh hoạt nên thỉnh thoảng phải tới một nơi lạ hoắc. Thế nhưng tìm hỏi phố nơi nhốn nháo đô thị, đại loại như ở Hà Nội hôm nay, thì dường như hoàn toàn không giống hỏi đường ở vùng bình lặng nông thôn. Tới một miền quê yên tĩnh, người ta thường trả lời đầy nhiệt tình dài dòng và chân chất chi tiết. Thậm chí cái nhà mình muốn tìm, người ta sẽ trả lời vanh vách cho cả tên cả tuổi của ông bố bà mẹ, của cả cô con gái muộn chồng. Người nghe rưng rưng luôn mồm cảm ơn, đến nỗi quên tịt cả chỗ cần rẽ. Đáng yêu thay là nông thôn Việt, chỉ vô tình hỏi mà nhận về được bao nhiêu ăm ắp tình người.
Còn ở Hà Nội thì đã thật khác. Giữa thanh lịch của ngời ngời sang trọng Bờ Hồ, hai cô bé thôn nữ ngơ ngác hỏi một trung niên mặc vét. “Dạ thưa, làm ơn cho hỏi lối đi sang Gia Lâm”. Một cái nhìn lại, trắng dã nghi hoặc cạn kiệt niềm tin của tiểu thị dân. Bên Gia Lâm có biết bao nhiêu là nhà nghỉ, là chốn phè phỡn của nhiều thứ thừa tiền rửng mỡ. Thế là cụt lủn, “đi thẳng”. Giời ạ, biết đằng nào mà lần hả giời. Kiểu chỉ đường này tuyệt không thấy ở những vùng có thanh thản lúa xanh, có đại ngàn hoang vu lượn lờ sông chẩy. Ngày xưa Hà Nội, mà cũng chưa hẳn xưa lắm, khi hỏi tìm phố, không những người hỏi được vui, mà người trả lời cũng chân thành hoan hỉ. Người kia nói “cám ơn”, kẻ này nói “không dám”. Những trong trắng của thiện tâm thường hay ở chỗ thong thả. Phải chăng cuộc sống giờ gấp gáp mưu sinh quyết liệt, dễ làm bào mòn đi bao nhiêu tốt bụng. Nói chung khi đã sống vội, người ta khó thành thiện lương và hay làm tổn thương người khác.
Thực ra chuyện hỏi đường không quá to tát như chạy điểm thi hay dung tục hóa lễ hội. Nhưng nếu để ý kỹ, khuôn mặt những người được hỏi thường khác rất nhiều những mặt của người không được hỏi. Và đặc biệt nhất là khuôn mặt của người thường xuyên hay được người lạ bỡ ngỡ hỏi. Đại loại, nó phảng phất một vẻ cao thượng, một vẻ hồn hậu đáng tin cậy. Nó tử tế và trung thực tuyệt không dính nét gian xảo. Giữa ồn ào hỗn loạn của biển người nơi đô thị, nơi quần hùng tranh danh, quần ngư tranh thực, đột nhiên có một giọng rụt dè dịu dàng chỉ hỏi một người. Anh ơi hoặc chị ơi hoặc cô ơi hoặc chú ơi, “làm ơn cho nhà cháu hỏi”. Cảm động thay, những điềm lành đơn sơ và mong manh như vậy. Chợt nhớ ra từ lâu lắm rồi, tuy hay vớ vẩn cao đạo đi lại ngoài phố, mà tuyệt chẳng thấy ai đến hỏi đường. Thì ra dạo này, cái mặt mình cũng chẳng lấy gì làm tử tế cho lắm.