Khi hào quang của các kiến trúc sư ngôi sao giúp tạo nên thành công cho dự án.

Vào ngày 19 tháng 10 năm 2017, Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao (Tây Ban Nha) kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai mươi của mình. Tòa nhà nằm bên bờ sông Nervion này được Frank O Gehry – cây đại thụ của ngành kiến trúc thế giới – thiết kế theo phong cách Deconstructivism (kiến trúc giải tỏa kết cấu) với kiểu chồng xếp các khối cong đa hình theo nhiều lớp.

Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao (Tây Ban Nha) do Frank O Gehry thiết kế

Cần phải nói rằng, sự xuất hiện của Bảo tàng này đã giúp mang lại sinh khí cho Bilbao – thành phố cảng nằm ở phía bắc Tây Ban Nha vốn phải đối mặt với tình trạng suy thoái của các ngành công nghiệp nặng trong thập niên 1975-1995. Ngay sau khi bảo tàng mở cửa, thành phố cảng này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về du lịch ở mức 500% với gần bốn triệu người ghé thăm Guggeinheim trong ba năm đầu tiên và khoảng một triệu du khách mỗi năm sau đó.

Hiện tượng này đã dẫn đến sự ra đời một khái niệm hoàn toàn mới có tên gọi Hiệu ứng Bilbao – một kiểu đầu tư vào văn hóa và kiến trúc mang tính biểu tượng được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng, hay còn được gọi là starchitect với mục đích giúp thay đổi diện mạo kinh tế của các thành phố đang trong tình trạng trì trệ. Nhiều công trình kiến trúc tầm cỡ đã được kiến tạo với mục đích đó như Tate Modern của Herzog & de Meuron, Trung tâm thể thao dưới nước London của Zaha Hadid, Seattle Public Library của Rem Koolhaas, Gherkin của Norman Foster hay Saadiyat Island của Foster + Partners, Jean Nouvel, Zaha Hadid và Frank Gehry. Không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ các công trình công cộng, starchitect còn được áp dụng cho các dự án bất động sản nhà ở hạng sang trên thế giới nhằm thu hút lớp khách hàng giàu có.

Hiệu ứng starchitect đối với thị trường bất động sản hạng sang châu Âu

Thị trường bất động sản hạng sang trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, cho thấy sự bùng nổ của các dự án cao cấp được thiết kế bởi các kiến trúc sư ngôi sao. Các dự án siêu sang gắn mác starchitect tại Manhattan hay West Chelsea (New York) như SoHo tại 56 Broome St. do kiến trúc sư nổi tiếng Renzo Piano thiết kế; tòa nhà ONE57 tại 57th Street ở Central Park của Christian de Portzamparc, người giành giải Pritzker năm 1994; tòa căn hộ cao cấp tại 520 West 28th St. Và 220 11th Ave. của Zaha Hadid, người được vinh danh Giải thưởng Pritzker năm 2004… đều là những minh chứng điển hình cho thấy rõ nhận định này. Hẳn nhiên, mức giá bán các bất động sản tại những dự án hạng sang này cũng ngất ngưởng nhờ hiệu ứng hào quang của các ngôi sao kiến trúc.

SoHo tại 56 Broome St. do kiến trúc sư nổi tiếng Renzo Piano thiết kế

Theo một báo cáo của Luxury Defined, từ 1/2017 – 4/2018, giá bán trung bình một căn nhà tại các dự án được thiết kế bởi những kiến trúc sư ngôi sao ở khu vực West Chelsea (Hoa Kỳ) là 6.12 triệu USD, tức tăng 115% so với mức giá trung bình của một căn biệt thự cùng loại tại New York. Với hơn 300 gallery, công viên High Line trên không cùng nhiều tiện ích cao cấp khác, khu vực West Chelsea đã trở thành lựa chọn hàng đầu đối với lớp khách hàng giàu có, yêu thích hội họa, thời trang, công nghệ.

Starchitect ở châu Á có gì mới?

Tham vọng của nhiều thương hiệu phát triển bất động sản cùng sự thổi phồng quá mức của truyền thông đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, thậm chí là tiêu cực. Tác giả của tòa nhà được cho là làm sống lại cả một thành phố ở Tây Ban Nha đã mở đầu cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times bằng câu hỏi: “Anh sẽ không gọi tôi là một ‘starchitect’ nhảm nhí chứ? Tôi ghét điều đó.”

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng thoái trào của kỷ nguyên starchitect ở châu Âu, tuy nhiên, có vẻ như nhu cầu cộng hưởng giữa các thương hiệu phát triển bất động sản và kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất ngôi sao vẫn chưa có dấu hiệu phôi phai, đặc biệt là tại nhiều thị trường ở châu Á, mà Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Park Kiara thuộc ParkCity Hanoi gắn với tên tuổi nhà thiết kế nội thất Geoffrey Thomas

Tại Việt Nam, sẽ là khập khiễng nếu so sánh các dự án hạng sang theo mô hình starchitect với các dự án tầm cỡ ở Hoa Kỳ hay thế giới, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng, tầm ảnh hưởng của các ngôi sao kiến trúc hay thiết kế nội thất chính là một trong những yếu tố làm nên sức hút mạnh mẽ cho các dự án. Những dự án tiên phong như Diamond Island (Kusto Homes) với tên tuổi của cây đại thụ Arata Isozaki; Waterina Suites (Maeda Corporation & Tập đoàn Thiên Đức) với dấu ấn của kiến trúc sư Kengo Kuma; Park Kiara thuộc ParkCity Hanoi (VIDC – thành viên của Tập đoàn Perdana ParkCity – Malaysia) với sự đồng hành của nhà thiết kế nội thất người Anh Geoffrey Thomas; Sen Việt LA (Phúc Khang Corporation) với sự tham gia của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa… chính là minh chứng cho thấy rõ nhận định này.

(Bài viết trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Bảy mang chủ đề “Destination & Gourmet”)