Ai được mệnh danh là “Vua kim cương”? Một cụm từ thường xuyên được sử dụng trong ngành trang sức đá quý, thường được tự gán và nhiều khi là một cái tên không chính xác, xen lẫn một chút ngạo nghễ. Thế nhưng, có một người đàn ông sống ở thế kỷ 20 xứng đáng nhận được danh hiệu này, đó chính là Harry Winston, một công dân New York với khởi đầu khiêm tốn và từng bước trở thành một nhân vật góp công lớn thay đổi diện mạo ngành trang sức.
Một bộ sưu tập mới được ra mắt vào mùa hè 2017 nhằm bày tỏ lòng tôn kính tới cuộc sống của Harry Winston, người đàn ông ngày đêm bôn ba tìm kiếm những viên kim cương đẹp nhất để rồi đặt chúng vào những món trang sức mang phong cách rất riêng của mình. Bao gồm 22 món trang sức chỉ sử dụng kim cương trắng, Legacy giống như một tập hợp của những viên đá xuất chúng nhất thế giới (22 viên kim cương trung tâm đều ở nước D và có độ sạch ở cấp Internally Flawless trở lên). Để thực sự trân trọng ý nghĩa tiềm ẩn của những vật báu này, phải hiểu rằng bộ sưu tập Legacy vốn được tạo ra để dành tặng cho người cha sáng lập – như một bức thư đầy yêu thương bao phủ bởi hào quang trong một quy mô vĩ đại.

Con đường dẫn tới thành công của Harry Winston bắt đầu từ rất sớm. Năm 1908, khi mới chỉ là một cậu nhóc 12 tuổi với con mắt rất bản năng, ông đã mua một viên ngọc lục bảo nặng 2 cara tại một tiệm cầm đồ chỉ với 25 xu (chủ sở hữu nghĩ nó là một mảnh kính vô giá trị); hai ngày sau ông bán viên đá với giá 800 đô-la Mỹ. Làm việc tại cửa tiệm trang sức của bố đến năm 18 tuổi, ông tìm ra được lỗ hổng lớn trên thị trường lúc bấy giờ nên ngay lập tức mua lại các mẫu trang sức cũ kĩ, lỗi mốt và giác cắt cổ lỗ. Ông nung chảy những miếng kim loại, cắt lại những viên đá, dần dần tạo ra một kho hàng, quỹ riêng, và quan trọng nhất một thương hiệu.
Như tất cả các câu chuyện thành công khác, tính thời điểm và sự may mắn đóng một vai trò then chốt. Kiến thức ngày càng mở mang đi kèm theo danh tiếng được lan truyền, thật trùng hợp đúng lúc này vào năm 1934, viên kim cương khổng lồ Jonker nặng 726 cara được phát hiện ở Nam Phi. Thường thì những viên đá với kích thước như thế này sẽ được Hoàng gia châu Âu mua lại, nhưng Thế chiến Thứ nhất đã thay đổi nhiều truyền thống từ xa xưa. Winston đã mua lại viên đá thô với giá 750.000 đô-la Mỹ và vận chuyển về New York bằng thư tín thông thường với giá 64 xu (“nếu tôi không thể tin tưởng ngành bưu chính của Mỹ thì tôi tin ai bây giờ?” ông châm chọc). Ông đã trưng bày viên đá tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, trước khi mang nó đi “lưu diễn” khắp các bang. Một sự kích động đầy cảm hứng bùng cháy, đơn giản bởi vì đây sẽ là viên kim cương thô lớn nhất từ trước đến giờ được cắt tại Hoa Kỳ; sau một năm tính toán, viên đá thô biến thành 12 viên kim cương huyền thoại, bao gồm cả viên đá Jonker I nặng 125,35 cara. Và tất nhiên, đây mới chỉ là sự bắt đầu.

Số lượng đá quý, kim cương qua tay Harry Winston không thể kể xiết

Trong suốt cuộc đời của Winston, người ta ước tính rằng một phần ba đá quý trên toàn thế giới đều đã “qua tay” ông. Trong số đó bao gồm President Vargas, một viên đá thô nặng 726,60 cara được tìm thấy vào năm 1938; viên kim cương Golconda giác cắt chữ nhật xếp tầng nặng 31,26 cara mua lại từ Phu nhân Công tước xứ Windsor; viên Idol’s Eye nặng 72,20 cara từng thuộc sở hữu của một hoàng tử Ba Tư thế kỷ 17; cũng như những viên đá của Catherine Đại đế và cả viên đá thô nặng 241 cara được biết đến với cái tên Taylor-Burton nặng 69,42 cara như hiện nay.
Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là viên kim cương Hope Diamond mang màu xanh dương huyền ảo nặng 45,52 cara. Vào năm 1958, ông đã tặng nó cho Viện Smithsonian ở Washington. Trong suốt cuộc đời mình, ông tiếp tục hiến tặng nhiều viên đá khác nhau cho các bảo tàng, đồng thời khuyến khích khách hàng của mình thực hiện những nghĩa cử tương tự, mong muốn mang tới một triển lãm đá quý Hoa Kỳ hàng năm. Đây chẳng phải là minh chứng phi thường cho tài năng và sức hấp dẫn của Harry Winston với đá quý hay sao? Vào cuối những năm 1930, hãng bảo hiểm Lloyds of London đã viết trong hợp đồng rằng ông không được phép xuất hiện trong bất cứ hình ảnh nào, nhằm giảm thiểu những nguy cơ về an ninh. Những ràng buộc này thật sự không thừa, nhất là khi Winston luôn đem theo viên đá Star of Independence, nặng 75,52 cara với nước D độ sạch Flawless, trong túi áo khoác.

Viên Hope Diamond huyền thoại

Harry Winston qua đời năm 1978 ở tuổi 82, và tất nhiên công ty vẫn tiếp tục chế tác những món trang sức quý giá. Có một sự thật đáng buồn là sau đó danh tiếng của thương hiệu từng được biết đến với những viên đá quý hiếm nhất thế giới phai nhạt dần theo thời gian. Quay trở lại thời hiện đại tới năm 2013, nhà đấu giá Christie’s chào bán viên kim cương quả lê nặng 101,73 cara, nước D, loại IIA không tạp chất, độ sạch Flawless, được miêu tả là “viên kim cương hoàn hảo nhất từng được đấu giá”. Tập đoàn Harry Winston, lúc đó đã được tập đoàn Swatch mua lại, nhanh chóng giành lấy và đặt tên viên đá là Winston Legacy. Sau đó mọi thứ chìm vào trong im lặng. Cần phải có lòng dũng cảm và sự tự tin nhất định để không sản xuất một bộ sưu tập đồ trang sức nào trong ba năm liền. Biểu trưng cho đỉnh cao của tay nghề thủ công và nguồn nguyên liệu thô dồi dào, những thương hiệu nằm trên phố Bond tại Luân Đôn luôn ra mắt ít nhất một bộ sưu tập mới mỗi năm. Nhiều giả thuyết được đặt ra xoay quanh sự im lặng từ thương hiệu Harry Winston.
Và giờ đây, như chúng ta đã biết, mọi nguồn lực đều được tập trung để tạo ra bộ sưu tập Legacy, lấy cảm hứng từ viên kim cương đấu giá cùng tên. Thống trị bởi những viên kim cương giác cắt quả lê và hạt thóc, tổng trọng lượng kim cương trong bộ sưu tập nặng 836,68 cara. Thật khó tưởng tượng nổi những nỗ lực và sự bền bỉ ẩn giấu trong từng viên đá nước D với độ sạch Internal Flawless, đấy là còn chưa nói đến 1.645 viên kim cương trang trí. “Thật sự rất hiếm để tìm được một bộ sưu tập trang sức mang chất lượng như thế này”, Nayla Hayek, Giám đốc điều hành của Harry Winston, chia sẻ: “Khi chúng tôi đã tinh tuyển được tất cả các viên kim cương, các nhà chế tác vẽ phác thảo những thiết kế có thể phô trương nét đẹp sẵn có của từng viên đá”.
Vào một buổi tối mù mịt ở New York tháng 5 vừa qua, bộ sưu tập Legacy lần đầu được công bố. Độ bảo mật được nâng lên mức tối đa, cửa hiệu được khóa kín khi buổi lễ diễn ra. Những khách tham gia không được chụp hình, không được chạm tay vào bộ sưu tập, không đăng tải lên mạng xã hội, và cũng không được xem trước. Trên tầng hai, từng sản phẩm được đặt trang trọng trong lồng kính. “Nhìn kìa, nó đang nói chuyện với bạn!” một chuyên gia của Winston đùa giỡn, viên kim cương Legacy lóe sáng với những ánh sáng trắng tinh khiết tỏa ra, pha lẫn tia sáng đỏ ấm áp hạnh phúc và ánh xanh sắc lạnh đầy quyền lực, tạo ra cả một thế giới trong trẻo huyền diệu vô tận. Tỷ lệ của viên đá đẹp đến kinh ngạc, với sự cân bằng chính xác và đối xứng hoàn hảo. Thật đáng tiếc khi chiếc vòng cổ mang tên viên đá không được bày bán, bao gồm 214 viên kim cương tròn và hạt thóc, trong đó chiếm phân nửa mang nước D và độ trong Internal Flawless. Một điều đáng buồn là Maurice Galli chủ nhân của thiết kế cực kỳ tinh tế này lại vừa qua đời ở tuổi 90 vào cuối năm 2016, sau 26 năm làm việc cho công ty. Galli hợp tác chặt chẽ với nhà thiết kế Ambaji V. Shinde, người đứng đằng sau nhiều mẫu trang sức đặc trưng của Harry Winston kề từ lần được gặp “Vua kim cương” sau chuyến công tác của ông tại Bombay năm 1955. Những mối liên kết tới quá khứ trong mẫu thiết kế này quá rõ ràng, và không thể phủ nhận sức sáng tạo của những nghệ nhân tại Harry Winston mang tới những nét đẹp vượt thời gian.

Phần còn lại của bộ sưu tập thể hiện tinh hoa của Winston trong phong cách đài các, những mấu giữ bằng bạch kim gần như vô hình trên 11 sợi dây chuyền, 7 chiếc nhẫn và 4 đôi bông tai. “Những thiết kế này được truyền cảm hứng từ các họa tiết cổ điển của Winston trong kho lưu trữ,” cô Hayek chia sẻ. Chẳng hạn như đôi khuyên tai Winston Cluster, xuất hiện lần đầu vào năm 1940. Lấy cảm hứng từ hình ảnh vòng hoa gỗ phủ trong tuyết trên cửa nhà Winston, chúng mang hình quả lê và hạt thóc nằm kề bên nhau, đôi khi chồng lên nhau. Đi vào chi tiết, bộ sưu tập Legacy toát lên tinh thần tinh thiết và tối giản, với mục đích cao cả là tôn lên những viên đá tuyệt vời nhất, bộ khung đỡ dường như biến mất. “Nếu có thể, tôi sẽ đính thẳng những viên kim cương lên làn da phụ nữ,” Harry Winston từng nói. Một vòng cổ khác với những viên đá hình quả lê uốn lượn xung quanh cổ như một con sóng dịu êm, ước tính gồm 16 cara kim cương, những đường cong tự nhiên tạo bởi hình dáng của chính những viên đá. Mỗi chiếc nhẫn đều tỏa sáng với viên đá trung tâm cực kỳ đặc biệt, được hỗ trợ bởi nhiều viên đá nhỏ bao quanh.
Legacy dành cho những ai muốn món trang sức của họ tỏa sáng ngay khi cánh cửa mở ra, nhưng cũng dành cho ai có đủ kiến thức để trầm trồ thưởng ngoạn những viên kim cương hiếm có, được chắt lọc sau hơn 18 tháng tuyển chọn. “Tôi rất tự hào về bộ sưu tập này, và ắt hẳn ngài Winston cũng sẽ cảm thấy như vậy,” Hayek cảm động nói. “Khi bắt đầu hành trình này ba năm trước, chúng tôi đã có một ước nguyện, chúng tôi muốn tạo ra một bộ sưu tập với những món trang sức đi từ con tim của thương hiệu, kể câu chuyện về di sản đích thực của ngài Winston”. Mặc dù “Vua kim cương” đã mất, nhưng có lẽ những đóng góp của ông sẽ không bao giờ bị lãng quên bởi các thế hệ nối tiếp.