Dù ở vai trò nào – họa sĩ, nhà thiết kế, sản xuất phim hay một người mẹ – Thủy Nguyễn luôn thu hút bằng năng lượng tích cực và sự nữ tính.

Thủy Nguyễn của những ngày đầu mở tiệm may trên một căn gác ở Hà Nội và hiện giờ với cơ ngơi tại một trong những con đường xa xỉ nhất Sài Gòn liệu có gì khác biệt?

Về tư duy. Từ một người vô tư, thích là làm, giờ tôi có trách nhiệm với nhân viên và với công chúng.

Sự nghiệp 12 năm qua có thể tóm tất trong một cụm từ…?

Sung sướng trong khắc khổ (cười). Tôi được làm điều mình muốn nhưng đây là nghề rất khó khăn. Gần đây, khi bàn về ChatGPT và trí tuệ nhân tạo, tôi lại tự hào vì máy tính không thay được người làm sáng tạo.

Liệu đã bao giờ sự khắc khổ khiến chị muốn vứt bỏ hết?

Không bao giờ, tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc bởi bản thân mình học cách bình tĩnh, biết buông bỏ và tin tưởng. Đây là một quá trình luyện tập khắc khổ.

Tôi tò mò về quá trính luyện tập của Thủy Nguyễn. Chị đã bắt đầu từ khi nào?

Tôi cũng ko biết nữa. Có lẽ từ lúc bắt đầu có người yêu và học cách nhường nhịn (cười), sau đấy kết hôn, làm mẹ, đối đãi với gia đình, bạn bè, những người xung quanh. Mình tự phải biết học cách thôi.

Ảnh: Thủy Design House

Thủy Nguyễn trong công việc & cuộc sống là 1 phiên bản?

Tôi là người dễ chịu và chăm chỉ, từ công việc cho đến tu dưỡng bản thân, và cả ở vai trò làm mẹ.

Đã có 2 tính từ về Thủy Nguyễn, còn điều gì nữa về chị?

Tình yêu có phải tính từ không nhỉ (cười lớn). Mình yêu những người mình gặp, yêu những người làm việc cùng, yêu kim chỉ hàng ngày, yêu việc mình vẽ…tự dưng ở mình xuất phát ra năng lượng yêu rất tốt.

Chị có nghĩ mình là một người hài hước?

Tôi nghĩ ở mình tỏa ra năng lượng và mong muốn được truyền tải năng lượng ấy đến mọi người. Gia đình hay bạn bè đều bảo rằng ở gần tôi rất vui, được truyền cảm hứng và tôi có những lời khuyên giúp mọi người bình tĩnh lại. Tôi tin rằng đây là cái trời cho.

Một người tràn đầy năng lượng như vậy liệu có lúc nào cảm thấy chơi vơi?

Chơi vơi thì không nhưng bế tắc thì có. Cái bế tắc nhất không thể nhờ ai giải quyết được: đó là sáng tạo.

Chị đối diện với những lời chỉ trích ra sao?

Tôi sẽ xem lại bản thân. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm mình là người làm sáng tác, không phải làm lịch sử, cũng không phục dựng, cho nên tôi không giải thích.’

Một lời khuyên chị sẽ dành cho những nhà thiết kế trẻ là gì?

Hãy chăm chỉ và bền bỉ. Có những nhà bác học cho đến khi qua đời vẫn quyết tâm chứng minh cho điều họ tin tưởng. Đừng nghĩ 1,2 năm đã có thể chứng minh được điều gì.

Chị có nghĩ chúng ta còn cần phải có vận may nữa chứ?

Vận may sẽ không đến nếu ta không chủ động. Ta phải phát ra tín hiệu, đã thử, đã sai, đã làm hết phương cách. Tôi luôn tâm nhiệm trời không phụ người chăm chỉ. Nếu chiến đấu thì chắc chắn sẽ tìm được đường đi.

Với chị, một người như thế nào là “rất thời trang”?

Là thứ toát ra từ người mặc, không phải gắng gồng để giống một ai. Là thời trang, không phải thời thượng.

Ảnh: Thủy Design House

Những người phụ nữ mặc thời trang Thủy Nguyễn là…?

Những người mong muốn thay đổi, thích thử nghiệm và mang trong mình niềm tự hào Việt Nam.

Đâu là lợi thế của một họa sĩ làm thời trang, thưa chị?

Điếc không sợ súng (cười lớn). Có những thứ sai nhưng mình thấy đúng vì là sáng tạo, là chính mình.

Phải chăng do Thủy Nguyễn không kiếm tìm sự công nhận của giới chuyên môn?

Không. Do đây là việc liên quan đến cái đẹp. Nếu bản thân tôi thấy đẹp người khác lại không, thì đâu là đúng đâu là sai. Đây là sự tư do trong sáng tạo, sai đúng không quan trọng vì chẳng ai chứng minh được.

Nếu ai đó nói Thủy Nguyễn đang ở trong vùng an toàn, không muốn thử nghiệm điều gì khác. Chị trả lời ra sao?

Đối thủ chính là mình chứ không phải ai khác. Tôi không quá quan tâm việc người ngoài nghĩ gì vì tôi biết mình khác và tôi còn biết đâu là điều mình thụt lùi. Chuyện sáng tạo chính là bế tắc chính bản thân mình chứ không phải cái bên ngoài.

Chị nhìn nhận ra sao về ngành thời trang Việt hiện nay?

Chúng ta đang đi lùi, do có ít khán giả, người mua, thiếu nguyên vật liệu do các nhà máy chỉ gia công cho nước ngoài. Chúng ta còn yếu về hiệp hội và việc các nhà thiết kế ra nghề quá sớm, thiếu sự trải nghiệm.

Chị nghĩ sao về xu hướng đưa thời trang Việt “Tây tiến”?

Tôi không xem đó là con đường mình hướng đến, nếu có chăng là đi giới thiệu văn hóa. Điều tôi mong muốn nhất vẫn là kể câu chuyện sáng tạo về lịch sử, văn hóa cho người Việt Nam thông qua thời trang.


“Cái bế tắc nhất không thể nhờ ai giải quyết được: đó chính là sáng tạo.”


Đôi nét về nhà thiết kế Thủy Nguyễn

Sinh năm 1981 tại Hà Nội, Thủy Nguyễn được biết đến với thương hiệu Thủy Design House tại TP.HCM, Hà Nội và Phú Quốc. Chị là họa sĩ, nhà thiết kế thời trang, và nhà sản xuất phim. Các thiết kế của Thủy Nguyễn chú trọng vào sự thoải mái, tiện dụng, nữ tính và sang trọng với các họa tiết lấy cảm hứng từ lịch sử và văn hóa truyền thống Việt Nam. Chị cũng là người sáng lập Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory tại TP.HCM năm 2016 và từng được vinh danh là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào năm 2019.