Từ Công quốc Monaco, chúng tôi xuôi về miền Nam nước Pháp trong hành trình trải nghiệm chiếc sedan siêu hạng của Bentley.

Với diện tích chỉ tầm 2 km2 cùng dân số xấp xỉ 40 ngàn người, Công quốc Monaco là nơi diễn ra triển lãm du thuyền thường niên danh tiếng bậc nhất thế giới bên cạnh giải đua F1 vô cùng gay cấn. Tuy nhiên, chúng tôi đến Monaco lần này không để ngắm du thuyền hay xem đua xe. Từ Monte Carlo, tôi cùng các đồng nghiệp quốc tế xuôi về miền Nam nước Pháp trên con đường Napoleon huyền thoại trong hành trình thưởng lãm chiếc Bentley Flying Spur thế hệ thứ ba.

So với phiên bản tiền nhiệm, Flying Spur thế hệ mới là nỗ lực phi thường của Bentley trong hành trình chinh phục những vị khách khó tính. Không chỉ là chiếc sedan nhanh nhất thế giới với tốc độ tối đa lên tới 333 km/giờ, Flying Spur còn toát lên thần thái của dòng Limousine thượng hạng. Không hẳn là sự lột xác để tạo nên một hình ảnh xa lạ, Flying Spur tạo ấn tượng bằng những điểm nhấn mang tính chọn lọc.

Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy thú vị ngay từ kiểu lưới tản nhiệt dạng thanh đứng lấy cảm hứng từ chiếc Bentley S1 Continental Flying Spur 1957. Bên cạnh đó là dàn đèn pha LED ma trận tạo hình kiểu pha lê tuyệt đẹp. Sau chiếc Continental GT, Flying Spur là mẫu xe thứ hai sử dụng kiểu đèn pha giàu tính nghệ thuật như vậy. Tuy nhiên, ấn tượng nhất ở phần đầu xe phải kể đến biểu tượng “Flying B” quen thuộc trên xe Bentley. Với Flying Spur, biểu tượng này có thể “ẩn-hiện” một cách vi diệu nhờ cơ chế hoạt động bằng điện và có thể phát sáng vào ban đêm khi chủ xe bước đến gần. Một điểm nhấn tạo nên chút hào nhoáng vừa đủ.

Chiều dài của xe tăng lên nhờ việc kéo dài trục cơ sở thêm 130 mm so với thế hệ trước. Những đường gân nổi theo kiểu điêu khắc kéo dài từ nắp ca-po đến tận đuôi xe. Phía sau là đèn hậu theo mô-tip chữ “B” gắn liền với thương hiệu Anh quốc.

Không gian nội thất của Flying Spur là sự hòa trộn của lối thiết kế kinh điển theo kiểu Bentley và những biến tấu tạo nên bằng thứ công nghệ tân thời. Ấn tượng nhất phải kể đến một màn hình xoay 3 chiều ở khu vực điều khiển trung tâm tương tự chiếc Continental GT. Bentley cũng là thương hiệu đầu tiên sử dụng ốp da dập nổi theo kiểu 3D cho phần cửa xe. Riêng phần ghế ngồi đã có tới 15 tùy chọn về màu da để khách hàng thỏa sức tùy biến. Về phần âm thanh, ngoài hệ thống tiêu chuẩn 10 loa công suất 650 W, khách hàng có thể nâng cấp lên hệ thống Bang & Olufsen 16 loa công suất 1500 W hay dàn Naim cực phẩm với công suất lên tới 2200 W.

Nếu Flying Spur trước đây coi người lái là trung tâm thì với thế hệ thứ ba, hàng ghế sau được chăm chút một cách vượt bậc. Khoảng nghỉ chân tăng lên đáng kể nhờ việc kéo dài trục cơ sở của xe. Đi kèm với đó là các tiện ích như rèm che nắng chỉnh điện, ghế massage đa chế độ, hộc giữ lạnh đồ uống… Thú vị nhất là một màn hình cảm ứng có kích cỡ tương đương chiếc smartphone đặt ngay trước hàng ghế sau. Chạm nhẹ đầu ngón tay, chiếc màn hình be bé bỗng dưng nhô lên. Từ đây, bạn có thể tháo rời nó ra để điều khiển một loạt tiện ích trên xe.

Sau bữa sáng nhẹ nhàng, tôi tự tay cầm lái chiếc Flying Spur rời Monaco để đi dọc miền Nam nước Pháp. Len lỏi qua những con phố sầm uất nêm kín siêu xe, tôi hòa mình vào dòng xe đang lao vun vút trên cao tốc A8. Những cái nhìn trầm trồ hướng về chiếc Flying Spur mỗi lần chạm mặt. Cỗ máy W12 tăng áp kép dung tích 6.0 L với công suất 626 mã lực cùng mô-men xoắn lên tới 664 ft lbs tạo ra cảm giác thư nhàn vô cùng dễ chịu. 3,8 giây là khoảng thời gian để Flying Spur đạt mốc 100 km/giờ từ trạng thái đứng yên. Hộp số tự động 8 cấp li hợp kép làm việc vô cùng êm ái và hiệu quả. Ngoài ra, hệ thống lái bốn bánh lần đầu xuất hiện trên xe Bentley cũng khiến cho một cỗ xe “dài đòn” kiểu Flying Spur di chuyển tương đối dễ dàng trong các không gian nhỏ hẹp.

Sau cao tốc hiện đại, tôi bắt đầu thử thách chiếc Flying Spur trên cung đường Napoleon với hàng loạt khúc cua khó nhằn. Nếu Napoleon là danh tướng tài ba trong quá khứ thì Flying Spur là tinh hoa của ngành công nghiệp xe hơi trong thời hiện đại. Sau vô-lăng của cỗ máy siêu sang, người lái trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Từ thích thú, ngạc nhiên đến phấn khích cao độ. Thật khó hình dung, một chiếc xe nặng hơn 2,4 tấn lại có thể vận hành một cách thanh thoát và linh hoạt đến như vậy. Sự cân bằng và khả năng bám đường đạt mức lý tưởng ngay cả khi bạn vào cua ở tốc độ cao. Mọi thao tác và ý muốn của người lái đều được thực hiện một cách thuần thục.

Khả năng vận hành ưu việt của Flying Spur được tạo nên nhờ hệ thống khung gầm hiện đại làm từ nhôm và vật liệu tổng hợp. Đi cùng với đó là hệ thống cân bằng điện 48 V giúp hạn chế lực bạt khi vào cua và giữ thăng bằng cho xe. Ngoài ra, Flying Spur còn được trang bị hệ thống treo khí nén ba buồng với thể tích tăng thêm 60% so với thế hệ cũ. Nhờ đó, độ cứng phuộc xe sẽ được tăng giảm linh hoạt tùy theo 4 chế độ lái: Sport, Bentley, Comfort và Custom.

Sau vài trăm cây số cầm lái chiếc Flying Spur, chúng tôi dừng chân tại Lâu đài Roseline cổ kính ở vùng Đông Nam nước Pháp. Có chút thèm thuồng pha lẫn tiếc nuối khi rời ghế lái của Flying Spur. Tôi ước mình có thêm chút thời gian sau vô-lăng của cỗ xe vi diệu.