Cùng đại diện Robb Report bước vào hành trình trải nghiệm & khám phá những dấu ấn di sản Aston Martin, thương hiệu xe thể thao gắn liền với những cỗ xe lịch lãm đầy chất nghệ thuật.

Đọc kỳ 1 tại đây

Ngày thứ hai tại Anh, chúng tôi bắt đầu quen với cái lạnh se sắt và tính khí của dàn xe Aston Martin. Hôm đó, cả đoàn ghé thăm đại bản doanh của hãng tại vùng Gaydon, Warwickshire. Toàn bộ khu nhà được bao quanh bởi hồ nước theo kiểu lâu đài cổ xưa. Hai mẫu xe được đặt hai bên cánh gà như thể đang nổi trên mặt nước.

Chúng tôi được dẫn qua một khu trưng bày xe được thiết kế theo kiểu “Đại lộ danh vọng” với sự xuất hiện của hầu hết các mẫu xe từ cổ chí kim. Từ chiếc Coal Scuttle thiết kế theo kiểu xe chở than đời cổ cho đến siêu phẩm DB5 từng hiện diện trong tập phim Ngón tay vàng của Series phim 007. Thật thú vị khi biết rằng, trong suốt hơn 100 năm lịch sử, tổng lượng xe mà Aston Martin tạo ra chỉ tương đương với doanh số khoảng 3 ngày trong thời điểm hiện tại của Toyota. Điều này cũng khá dễ hiểu khi phải mất tới hơn 200 giờ để lắp ráp và hoàn thiện một chiếc Aston Martin với các công đoạn vô cùng nghiêm ngặt.

Tại Gaydon, Aston Martin đã bổ sung một số robot hiện đại để tham gia vào công đoạn sản xuất nhưng yếu tố con người vẫn được đề cao trong mọi thời điểm. Có khi, chỉ phần logo của Aston Martin trên tựa đầu ghế cũng ngốn tới hàng triệu mũi thêu. Ở một góc nhỏ của xưởng nội thất, các nữ nghệ nhân đứng tuổi đang miệt mài bên máy khâu con bướm để ráp phần da bọc ghế cho xe. Họ thao tác mau lẹ và chính xác đến mức khó tin. Theo tiết lộ của hãng, phần da trên xe Aston Martin cũng có chất lượng và độ hiếm tương đương các loại túi Chanel hay Gucci.

Ngày cuối cùng trong hành trình cùng Aston Martin, chúng tôi rời nước Anh để đến với xứ Wales. Hai miền đất được nối với nhau bằng cây cầu mang tên “Prince of Wales” với tổng chiều dài hơn 5 cây số. Tôi lần lượt cầm lái chiếc DB11 V8 và tuyệt phẩm DBS Superleggera. Có tận mắt chiêm ngưỡng và cầm lái mới thấy, Aston Martin là dòng xe quyến rũ và lịch lãm đến kỳ lạ. Không hầm hố kiểu Lamborghini hay cơ bắp kiểu Ferrari, Aston Martin mang một thiết kế vừa bóng bẩy, vừa giàu tính thể thao và đậm chất nghệ thuật.

Trên cao tốc M4, chiếc DB11 V8 đem lại cho người lái thứ cảm giác khoan khoái đầy cám dỗ. Tay lái có vẻ thân thiện hơn chiếc Vantage nhưng khả năng vận hành vẫn rất ấn tượng. Trong khi đó, DBS Superleggera đích thị là “quả tên lửa trong hình hài một chiếc GT”. Khối động cơ V12 dung tích 5.2L với công suất 715 mã lực giúp siêu xe mất tầm 3,2 giây để cán mốc 96 km/giờ từ trạng thái đứng yên. Nếu muốn, bạn có thể thử thách nhịp tim trên ghế ngồi bọc da thượng hạng. Trên các cung đường nhỏ hẹp ở Wales, tôi tự tin điều khiển chiếc DBS hệt như một tay lái bản địa.

Ngày hôm đó, chúng tôi đến dự lễ khánh thành cơ sở sản xuất mới của Aston Martin. Đây là cơ ngơi dành riêng cho DBX – chiếc SUV đầu tiên của thương hiệu – cũng như các mẫu xe điện sau này. Công suất nhà máy sẽ rơi vào khoảng 5000 xe mỗi năm. Chung quanh nhà máy, những chiếc DBX đầu tiên đang dập dìu qua lại. Tuy nhiên, quan khách chưa được cầm lái vì Aston Martin còn phải tinh chỉnh chiếc xe một cách kỹ lưỡng. Vào năm tới, khách hàng sẽ nhận được xe còn Aston Martin chính thức gia nhập phân khúc “siêu SUV” với sự hiện diện của những Bentley, Rolls-Royce và Lamborghini.

Rõ ràng, với DBX và nhà máy mới, Aston Martin đang cho thấy những bước đi đầy tham vọng. Với cá nhân tôi, còn chút tiếc nuối khi chưa được cầm lái chiếc DBX. Biết đâu, đây sẽ là món “đồ chơi” tiếp theo dành cho điệp viên James Bond.