Trong thời đại văn minh ngày nay, hầu hết các cuộc hôn nhân đều đến từ sự chủ động lựa chọn. Ở những ngày xa xưa thì chưa hẳn là thế, cho dù ca dao cũng làm ra vẻ “Đi chợ chớ chọn thịt mông. Lấy chồng chớ lấy dở ông dở thằng”. Trong thời phong kiến thịnh trị, một sự hôn phối tử tế là phải do người lớn (ông bà cha mẹ…) mai mối xếp đặt. “Chồng chị là ai. Chị nào có biết. Đợi đến ngày mai. Nhìn qua kẽ liếp”. (Lưu Trọng Lư). Vì thế, riêng đối với phụ nữ, thửa được tấm chồng như ý (bespoke) thường là chuyện thiên nan vạn nan.
Ở phương Đông, do sùng bái truyền thống “trọng nam khinh nữ” nên đám đàn ông đi thửa vợ thường khá ngông cuồng. Thoạt kỳ thủy, chữ “hôn” trong “kết hôn” của Hán tự được viết giống hệt chữ “hôn” trong “hoàng hôn”, bởi tiệc cưới do nhà giai đều tổ chức vào chập choạng chiều muộn. Theo sách “Ngữ lâm thú thoại” thì đây là hệ quả của tập tục cướp vợ trong thời kỳ quá độ, xã hội đang chuyển từ thời kỳ mẫu quyền sang phụ quyền. Để khẳng định vị thế nghênh ngang mới xác lập của mình, đàn ông thích hung hăng đi cướp. Mà đã là cướp giật thì ai chả chọn lúc tranh tối tranh sáng. Tuy nhiên khổ một nỗi, chính cũng vì nhá nhem nên cái của cướp được đấy phần lớn đều không phải là “hàng thửa”. Đám đàn ông đành bất hạnh sống chung với thứ của nợ ấy cho đến hết phần đời còn lại. Có lẽ đây là nguyên nhân chính làm cho tục cướp vợ bị thất truyền. Vì thế, vị trí của phụ nữ ở hôn nhân được nâng cao hơn. Ngoài chữ “hôn” thì đồng nghĩa có thêm chữ “thú” (dùng cho nhà giai) và chữ “giá” (dùng cho nhà gái).
Ở phương Tây, nơi văn minh nữ quyền được kha khá tôn trọng, đặc biệt qua những nghi lễ kết hôn Thiên Chúa giáo. Chuyện ly hôn bị tuyệt đối cấm. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì con người không được phép phân ly” (Kinh Thánh). Bí tích hôn phối là một trong bẩy phép bí tích thiêng liêng nhất. Trong hôn lễ trang trọng tại nhà thờ, vì sợ rồi đây chú rể sẽ tỉnh táo tháo chạy, người ta thường bắt cả hai bên đương sự đeo nhẫn cưới vào ngón tay áp út, một biểu tượng tế nhị của sự ràng buộc xiềng xích. Ở mức độ nào đó, hôn nhân chính là “bespoke” của Chúa Trời ban phát cho con người.
Thế nhưng nói cho cùng, phụ nữ nói chung hay thiếu nữ Việt nói riêng khi “thửa” chồng thường gặp rất nhiều vất vả. Tất nhiên, để chủ động chọn được chồng thì gia cảnh thiếu nữ ấy cũng phải tương đối dư dật. “Thớt có tanh tao ruồi mới đến”, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng bảo vậy. Thời phong kiến, định hướng kén chồng luôn nhằm vào bọn sĩ tử. “Chẳng tham ruộng cả ao liền. Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ”. Bởi bây giờ là anh đồ kiết nhưng biết đâu đấy, qua vòng thi Hương thi Hội nhỡ anh ta “trúng quả”  đỗ đạt thành ông này ông nọ. Ngày xưa cứ đỗ cử nhân là được bổ làm quan, nên muốn thực hiện dự án thành quan bà thì bắt buộc phải đầu tư chiều sâu. Bởi thế trong làng có anh chàng nào chăm học chưa vợ thì tất tật các loại nhà gái đổ xô đến kén. Bọn họ giúp gạo rồi giúp tiền, đại loại như một thứ xí chỗ. Có điều, đã là chạy dự án thì thời nào cũng rủi do. Nhiều nhà vô phúc “thửa” phải thằng rể dốt, thi trượt lên trượt xuống, công sức đầu tư tan vào mây khói.
Ngày nay, những người đẹp Việt đã may mắn hơn nhiều trong việc thửa chồng. Không phải ngẫu nhiên mà các hoa hậu diễn viên hay người mẫu, đa phần đều thửa được các đại gia thành đạt.