Đảo xa, rừng thẳm, lòng đất đang trở thành “hầm trú ẩn” của giới siêu giàu trong thời đại dịch.

Nếu là tín đồ của thể loại phim sinh tồn, hẳn bạn sẽ khó bỏ qua Cast Away – phiên bản hiện đại của Robinson trên hoang đảo – nói về hành trình vượt qua vô vàn nghịch cảnh để chật vật sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã của Chuck Nolan (do tài tử Tom Hanks thủ vai), một chuyên viên xử lý dữ liệu tại hãng phát chuyển nhanh FedEx. Trong chuyến công tác, sau khi máy bay gặp nạn và rơi xuống biển, chỉ một mình Chuck sống sót và dạt vào một hòn đảo hoang. Từ một chàng trai lịch lãm, thành đạt và khỏe mạnh, Chuck trở thành một Robinson phiên bản “tiền sử” gầy gò, lông lá sau bốn năm cô độc giữa hoang đảo. Anh phải sử dụng tất cả các kỹ năng sinh tồn để nuôi niềm hy vọng được trở về đất liền gặp lại người phụ nữ của đời mình – Kelly. Trải qua vô vàn nghịch cảnh nơi cùng trời cuối đất, rốt cuộc, chàng Robinson ấy cũng tìm được đường về với thế giới văn minh, nơi anh nghĩ rằng đằng sau cánh cửa mái ấm đang có người vợ hiền từng giây trông ngóng.

Người về từ ngàn trùng…

Thế nhưng, những gì mà Chuck phải đối mặt trong thế giới hiện đại sau ngày về sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm. Trái tim của người đàn ông trở về từ cõi chết ấy đã vỡ vụn khi người bước ra mở cửa không phải là Kelly, mà là chồng mới của cô. Cuộc trùng phùng sau 4 năm trời biệt ly giữa căn phòng ngổn ngang tã lót, bỉm sữa cùng đứa con mới chào đời của Kelly đẩy người xem vào trạng thái đắng đót. Trái tim lạnh giá của người đàn ông trở về từ ngàn trùng đã không thể tái tê hơn trong tình cảnh trớ trêu đó.

Màn bạc là nơi thể hiện xuất sắc những câu chuyện tình đẹp và buồn đến nao lòng như vậy. Ở đó, con người luôn tìm cách vượt qua nghịch cảnh của tạo hóa để sinh tồn và trở về với thế giới hiện đại, dù thế giới ấy có thêm nhiều lần xát muối lên vết thương chưa kịp lành da…

Vũ trụ văn minh mà chúng ta đang sống liệu có an toàn hơn những hòn đảo hoang sơ nơi tận cùng thế giới?

Nhưng, thế giới hiện đại đó có lẽ đã không ấm áp hơn hay an toàn hơn so với hòn đảo hoang lạnh giá kia. Và nếu làm một phép so sánh, có thể chúng ta sẽ thấy có một sự tương đồng giữa thế giới này với những thước phim viễn tưởng về đề tài dịch bệnh hay ngày tận thế – dù đó là ngày tận thế trong tưởng tượng bởi những thảm họa của cõi nhân sinh, hay ngày tàn của những cuộc hôn nhân biểu tượng. Giữa bối cảnh tan hoang vì đại dịch Covid-19, một Hoa Kỳ thịnh vượng là thế cũng ngã quỵ với hơn 33 triệu người mắc bệnh và hơn nửa triệu người tử vong, một Ấn Độ kiêu hãnh với danh xưng “công xưởng chế tạo vắc-xin cho thế giới” đang chìm trong biển lửa với mùi tử thi cháy khét, theo sau là hàng loạt quốc gia phát triển khác như Brazil, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga với những tấn bi kịch của riêng mình…, con người đang có xu hướng muốn rời bỏ thế giới hiện đại này để được trở thành một Robinson phiên bản hiện đại thong dong giữa trùng khơi. Vậy rốt cuộc, màn bạc là cuộc đời hay cuộc đời là màn bạc?

Lánh xa ưu phiền giữa đảo riêng

Có lẽ, chuyện tình của vợ chồng tỷ phú Bill Gates luôn được mọi người quan tâm, bởi với phần đông chúng ta, cuộc hôn nhân này chính là biểu tượng của hạnh phúc và thành đạt. Vậy nên, khi cuộc hôn nhân biểu tượng đó chính thức chấm dứt, thông tin về hòn đảo Lanai ở Hawaii – nơi cặp đôi tổ chức đám cưới thế kỷ vào năm 1994 – và Calivigny Island – hòn đảo nơi Melinda Gates thuê để “lánh xa ưu phiền, đắng cay trần gian” thời hậu ly hôn đã được “khai quật”. Hóa ra, những hòn đảo xa xôi, biệt lập giữa thiên nhiên luôn là chứng nhân lặng lẽ của con người, dù đó là những phút giây hạnh phúc vô bờ hay đớn đau tột đỉnh.

Là một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hawaii với hơn 3.200 cư dân sinh sống, Lanai được tỷ phú Larry Ellison mua lại với giá 300 triệu USD vào năm 2012 và cải tạo thành một chốn ẩn mình lý tưởng cho giới siêu giàu. Trong khi đó, Calivigny Island, hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía Nam của quốc đảo Grenada có diện tích 32 ha được triệu phú người Pháp Georges Cohen mua tặng vợ vào năm 2000, đã từng tiếp đón rất nhiều tỷ phú, triệu phú tên tuổi. Một loạt hòn đảo hoang sơ khác như Hummingbird Cay (Bahamas), Pumpkin Key (Florida), Santa Maria Island (Sicily, Ý), Pepin Island (New Zealand)… cũng được giới siêu giàu trên thế giới ưa chuộng.

“Quốc gia nổi” của kẻ lập dị

Thung lũng Silicon có lẽ là một chốn can qua, minh chứng đồng thời cho những đặc tính tốt nhất cũng như dở nhất của nước Mỹ. Các kỹ sư công nghệ tại đây là những thiên tài thuộc hạng “top ten của top ten” với chỉ số trí tuệ cao cùng khả năng độc lập trong tư duy và khả năng biết nghi ngờ trước những giá trị đã được thiết lập. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, họ thường bị gán cho danh xưng “những kẻ lập dị”.

SeaPod, không gian sống trên mặt biển của Ocean Builder

Patri Friedman – một chuyên gia phần mềm của Thung lũng Silicon, cháu trai của nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Milton Friedman & nhà kinh tế học Rose Friedman và là con trai của nhà kinh tế học David D. Friedman – có lẽ vừa là một tài năng, đồng thời cũng vừa là một kẻ lập dị như vậy. Cuộc gặp gỡ giữa Patri với Peter Thiel – một tỷ phú không kém phần lập dị khác – đã cho ra đời dự án Viện Seasteading, tổ chức đứng sau dự án “quốc gia nổi” trên biển San Francisco của nước Mỹ. Về tổng thể, khu dân cư của “quốc gia nổi” có cấu tạo hình ống bê tông cốt sắt khổng lồ, phía dưới là hệ thống chân để giữ thăng bằng trên biển, còn phần phía trên sẽ là văn phòng, vườn hoa, khu vực trồng rau, hệ thống pin mặt trời và các tuốc-bin chạy bằng sức gió. Dù gây ra nhiều tranh cãi và bị coi là phi thực tế, nhưng trước những rủi ro khó định đoán theo thuyết “Thiên nga đen” của Nasim Taleb, dự án này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Có vẻ như giấc mơ về một không gian sống để “lánh xa ưu phiền” giữa biển khơi đang hiện lên rõ nét trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thiên đường dưới lòng đất

Rising S Bunkers hay Vivo có lẽ là những cái tên uy tín được giới siêu giàu tìm kiếm mỗi khi có thảm họa hay chính biến với các lựa chọn đa dạng về hầm trú ẩn xa xỉ dưới lòng đất. Nếu như căn hầm rẻ nhất của Rising S Bunkers có giá 39.000 USD, còn căn hầm sang trọng nhất sở hữu cả phòng gym, tắm hơi, bể bơi, bowling, khu bắn súng và gara có giá hơn 8,3 triệu USD, thì xPoint – dự án hầm trú ẩn bao gồm 575 boongke cá nhân nối với nhau bằng một con đường riêng dài hơn 160km và có sức chứa lên tới 10.000 người được xây dựng trên khu đất quân sự bị bỏ hoang tại căn cứ của Black Hills ở Fall River, Nam Dakota (Hoa Kỳ) – cũng có giá ngất ngưởng không kém.

Nội thất The Oppidum

Thoạt nhìn, khu boongke này trông giống như một “nghĩa địa” với những “ngôi mộ” nhấp nhô trên mặt đất. Thế nhưng, đó là những thiên đường dưới lòng đất đích thực được thiết kế chắc chắn với khả năng chịu được vụ nổ hạt nhân, sóng thần, động đất và dịch bệnh. xPoint được xây dựng với hệ thống điện, nước riêng cùng nguồn thực phẩm và nước uống để cư dân có thể sử dụng ít nhất trong một năm mà không cần phải ra ngoài.

Toàn cảnh The Oppidum

The Oppidum, hầm trú ẩn cá nhân 2 tầng có kích thước lớn nhất thế giới tại Cộng hòa Czech, sẽ khiến bạn ngỡ ngàng bởi hàng loạt tiện ích sang chảnh như hồ bơi, spa, hầm rượu, rạp chiếu phim và thư viện hay thậm chí cả khu vườn được trang bị ánh sáng mô phỏng tự nhiên. Trong khi đó, Vivos Europa One, khu hầm trú ẩn được ví như tàu ngầm của Noah thời hiện đại, chỉ dành riêng cho những nhân vật siêu giàu theo chế độ VIP “invitation-only” (mời riêng). Với 3 đường hầm chính cùng một hệ thống cửa an ninh vòng ngoài, tiếp theo là cánh cửa 40 tấn vận hành bằng thủy lực và lớp cửa thép thứ ba giúp chống lại sự xâm nhập của vũ khí hóa học và sinh học, Vivos Europa One sở hữu hàng loạt tiện ích “mặt đất” như bệnh viện công cộng, nhà hàng, tiệm bánh mì, hầm rượu, phòng cầu nguyện, lớp học và đài truyền hình.

Không còn là hình ảnh trong những thước phim về ngày tận thế, hầm trú ẩn giờ đây là không gian sinh tồn của con người trong hàng năm trời mà không cần phải quay trở lại mặt đất.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Sáu mang chủ đề “Destination & Gourmet”)