Có phải nó đã đến từ nghìn năm tuổi. Hay mới hơn trăm năm thôi, tính từ khi người Pháp mới vào. Bởi sâu xa trong ký ức của người Hà Nội, thì nỗi nhớ Thăng Long hay Kẻ Chợ luôn sắc nét chập chờn bất cần thời gian.
… Có thể đấy là đoạn tần tảo bao cấp, một quán chè chén bán rượu trắng «quả hồng» mẹ truyền con nối, lửng lơ ở đầu phố ngắn nào đó. Khách ngồi uống “thập loại chúng sinh”, viên chức nghèo, sinh viên nghèo, đám nghệ sĩ lại càng nghèo. Có thể đó là mấy toa tàu điện xộc xệch, loay hoay vài thằng bé con nhẩy “lá vàng rơi” trốn vé, trôi qua mấy gánh xôi chè, gánh bún đông nghịt chị em xộc xệch. Nhưng cồn cào ám ảnh quyến rũ nhất vẫn là thấp thoáng dáng của một vài mỹ nhân phố, ơ hờ trên lãng mạn ban công rêu phong thấp thoáng giàn hoa giấy. Bọn họ đoan trang kiêu sa “lẳng” tới mức, khi mình đăm đắm nhìn thì họ hình như cũng nhìn trộm lại.
Hoặc giả nó đến từ những quán cà phê cũ kỹ có những “cao bồi già phố cổ” nhâm nhi tách đen nóng, mông lung tán láo trong cái lành lạnh của gió đầu mùa Đông Bắc. Ở thời gian hoang đường đấy, đường phố hiếm vắng ô tô, lưa thưa xe máy và dịu dàng ngập tràn xe đạp. Nó tuyệt hiếm những khu chung cư vỗ ngực “cao cấp” thô lỗ vô cảm. Thảng nếu có, như khu Kim Liên Trung Tự chẳng hạn, thì cũng chỉ cao vừa đủ để chàng trai đang yêu đứng dưới lòng đường, vọng lên những lời tình tứ cho cô bé dối cha dối mẹ giả vờ đọc sách ở cửa sổ tầng thượng.
Nếu miễn cưỡng so với các đô thị khác, Hà Nội vẫn là nơi có nhiều người sống chậm. Không phải ngẫu nhiên mà khi làm những dự án lớn quy hoạch lại bộ mặt thành phố, từ dân đến quan đều dẫn câu “Hà Nội không vội được đâu”. Hay dở chưa bàn, nhưng có điều, nếu sống được chậm thì người ta thường dễ tinh tế sâu sắc hơn. Có phải vậy chăng mà những nụ hôn của người Hà Nội lúc ở trong trắng mối tình đầu thường kéo rất dài. Nó nhưng nhức dài tới mức, có một hồi lãng mạn xa xưa của thế kỷ trước, số lượng thiếu nữ Hà thành dang dở đang yêu đi trẫm mình luôn đứng đầu cả nước.

Cho dù đúng là “người Hà Nội” hay mới chỉ là “người ở Hà Nội”, thì tất cả những thị dân đó đều nồng nàn yêu văn yêu nhạc yêu họa và đặc biệt là thơ. Hình như có một mặc định, bất cứ ai mong manh đôi chút chất “nghệ”, bất kể gốc gác tứ xứ, nhưng đã ở Hà Nội một đoạn đều chợt nhiên thăng hoa thành nghệ sĩ. Vì một lẽ tự nhiên giản dị, Hà Nội vốn là nơi dầy dặn văn hóa và nghệ thuật.
Vậy Hà Nội hôm nay đến từ đâu nhỉ?!
Phải chăng nó đến từ những bi tráng của thi ca nhạc họa, từ những tinh hoa trí thức manh nha quý tộc, vừa trong trắng sinh đã nhầu nhĩ chết yểu. Hoặc nó đến từ những phố nhỏ ngõ nhỏ, nơi những mẹ những chị, tuy tần tảo vất vả mà vẫn giữ sâu trong mình một cách ăn mặc sang trọng tinh tế. Có lẽ do vậy, Hà Nội bây giờ chẳng của riêng ai cả, bởi ai cũng có một Hà Nội của mình.