Diễn ra vào tối ngày 02.12 vừa qua, sự kiện do Tudor và The Hour Glass S&S hợp tác tổ chức là cơ hội hiếm hoi để giới mộ điệu đồng hồ Việt đắm chìm trong không gian lịch sử sống động về Tudor cũng như trực tiếp trải nghiệm BST mới nhất của thương hiệu.

Thưởng lãm những cỗ máy thời gian mới nhất

Trong số những mẫu đồng hồ trưng bày tại sự kiện, không thể không nhắc đến “ngôi sao của đêm tiệc” – dòng Black Bay P01. Khởi nguồn từ dự án chế tạo đồng hồ quân sự năm 1967 với “bí danh” Commando, chiếc P01 (viết tắt của “Prototype 01”) được tạo nên từ một trong số các bản vẽ mẫu thử nghiệm được đưa ra vào ứng dụng thực tiễn, vốn đã “nằm trong tủ” suốt hơn 50 năm và chỉ mãi đến tận Baselworld 2019 mới chính thức ra mắt công chúng. Dấu ấn của cỗ máy thời gian này thể hiện rõ nét trong thiết kế núm vặn có càng bảo vệ ở vị trí 4h (thay vì 3h như thông lệ) giúp người dùng cử động cổ tay thoải mái. Vòng bezel cũng có thể xoay 2 chiều tích hợp bộ khóa “end-link” ở hướng 12h. Với những điểm nhấn ấn tượng như vậy, Black Bay P01 đã nhận giải Challenge của giải thưởng đồng hồ hàn lâm Grand Prix d’Horlogerie de Genève 2019.

Black Bay Bronze – mẫu đồng hồ từng chiến thắng hạng mục Petite Aiguille tại Grand Prix d’Horlogerie de Genève 2016 – được khoác lên vẻ ngoài mới mẻ hơn với phiên bản màu ghi đá phiến cùng mặt số phai màu. Ngoài thiết kế ấn tượng, sức hút của chiếc đồng hồ này còn đến từ vật liệu chế tác: Bronze (hợp kim đồng – thiếc) có khả năng tạo ra lớp hóa học “patina” bảo vệ khỏi tác động hư hại từ tự nhiên. Nhờ đó, không có chiếc Black Bay Bronze nào giống nhau do độ ngả màu tự nhiên của lớp patina, khiến chúng như được “may đo” riêng cho người đeo.

Ngoài ra, Tudor cũng giới thiệu BST đồng hồ “Steel & Gold” kết hợp hai chất liệu kinh điển là thép và vàng với hai phiên bản S&G mới ra mắt tại Baselworld 2019 là Black Bay Chrono S&G và bộ ba Black Bay 32/36/41 S&G.

Đắm chìm trong không gian lịch sử của thương hiệu

Ngoài những phiên bản đồng hồ mới, đêm tiệc còn tái hiện xuất sắc lịch sử 93 năm của Tudor kể từ ngày ngài Hans Wilsdorf – cha đẻ của Rolex – đặt những nền tảng đầu tiên cho đứa con tinh thần thứ hai của mình.

Là thương hiệu “em ruột” của Rolex, Tudor được Hans Wilsdorf định vị là dòng đồng hồ có công năng cũng như chất lượng và độ bền bỉ không thua kém nhiều Rolex song lại có mức giá “dễ thở” hơn với phần đông đại chúng. Tiếp quản tên thương hiệu “The TUDOR” từ năm 1936 nhưng phải mãi đến sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, nhận thấy đây là thời điểm “chín muồi”, Hans Wilsdorf mới bắt đầu công cuộc xây dựng đế chế TUDOR. Ông đã thành lập công ty “Montres TUDOR S.A” vào năm 1946.

Một trong những sự kiện nổi bật trong giai đoạn này chính là chiến dịch quảng cáo lớn trên danh nghĩa của ngài Wilsdorf và Rolex nhằm khẳng định thông điệp: Tudor Prince thừa hưởng hai dấu ấn độc quyền từ Rolex là bộ vỏ chống nước độc nhất mang tên Oyster và cơ chế lên cót tự động liên hồi “Perpetual Rotor”.Không chỉ nổi tiếng khi “cùng cha” với Rolex, Tudor còn là cái tên “nổi như cồn” trong giới hải quân. Năm 1954, Tudor ra mắt chiếc đồng hồ lặn đầu tiên. Siêu phẩm này ngay lập tức trở thành đại diện phổ biến trong giới thợ lặn chuyên nghiệp. “Tiếng lành đồn xa”, các lực lượng hải quân lớn trên thế giới bắt đầu xem xét Tudor như một lựa chọn đồng hồ lặn cho thủy quân của mình, đặc biệt là Hải quân Pháp và Hải quân Hoa Kỳ.

Với Hải quân Pháp, câu chuyện bắt đầu từ năm 1956 khi lực lượng “Marine Nationale” của Pháp đã đặt hàng hàng loạt những chiếc Tudor Oyster Prince Submariner reference 7922 ra mắt vào năm 1954. Mối quan hệ này đã mở ra việc chế tạo mẫu Tudor Submariner ref 7924 có núm crown lớn để chịu được áp suất lớn tại vùng nước sâu hơn vào cuối thập niên 1950s – chính là mẫu Tudor Submariner “Big Crown” kinh điển có mối liên hệ trực tiếp tới kích thước núm crown của các mẫu Black Bay ngày nay. Một mẫu Tudor liên hệ nổi tiếng khác với Hải quân Pháp là Submariner ref 9401 – chiếc đồng hồ lặn rất “Tudor” có bộ kim “snowflake”, các vạch chỉ giờ hình vuông và mặt số màu xanh và là nguồn cảm hứng trực tiếp cho mẫu Tudor Pelagos đương đại.

Mối lương duyên của Tudor với Hải quân Mỹ bắt đầu từ mẫu Tudor Submariner 7924 vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến Submariner 7928, được vận hành bởi cỗ máy Fleurier caliber 390 và nổi bật bởi phần bảo vệ núm crown. Vào thập niên 70s, Hải quân Mỹ cũng trưng dụng mẫu Tudor “Snowflake”, đặc biệt là các mẫu ref 7016, 9401 và 9411 với những bộ dây bằng vải. Hải quân Mỹ và Tudor còn có một số thử nghiệm bí mật gần như chưa từng được nhắc tới trong lịch sử, chẳng hạn dự án Tudor “Commando” vừa mới vén màn tại Baselworld 2019.