Bất chấp tình trạng thiếu hàng và nhu cầu cao, nhiều nhà sản xuất đồng hồ hàng đầu hiện nay vẫn cố gắng tạo ra những cỗ máy vô cùng đặc biệt.

Theo Hiệp hội đồng hồ Thụy Sĩ, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồng hồ của nước này đạt con số kỷ lục: 22 tỉ USD. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 55%. Rõ ràng, ngành đồng hồ Thụy Sĩ đang ở thời kỳ đỉnh cao của mình. Dẫu thế, nhiều nhà sưu tập vẫn không thể có được chiếc đồng hồ theo ý muốn. Theo lý giải của các nhà bán lẻ, nhu cầu tăng cao sau thời Covid bên cạnh những khó khăn liên quan đến nguồn cung ứng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Các mẫu đồng hồ thuộc “bộ ba quyền lực” – Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet – luôn trong tình trạng cháy hàng. Các thương hiệu ít tên tuổi hơn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nếu may mắn đặt hàng thành công, bạn vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi một vài năm trời. Dù có nỗ lực để tăng công suất, Rolex vẫn luôn ở trong tình trạng quá tải kể từ năm 2018. Patek thì xưa nay vẫn vậy. Nhu cầu khách hàng đã tăng lên một cách không tưởng. Dù các thương hiệu có tăng công suất thêm 10% thì nhu cầu thị trường lại tăng tới 30%. Chẳng hạn, Audemars Piguet đã tăng công suất từ 45 ngàn chiếc lên 50 ngàn chiếc trong năm nay nhằm đáp ứng kỳ vọng của những khách hàng mới. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn như “muối bỏ bể” trước nhu cầu quá lớn từ khách hàng. Trong một phiên họp báo vào đầu năm nay, CEO của hãng là ông François-Henry Bennahmias đã khuyên những khách hàng tiềm năng nên “tạo dựng và phát triển quan hệ với hãng”. Nói trắng ra, mối quan hệ thân thiết với các nhà phân phối là điểm cộng để bạn được cân nhắc trong danh sách mua hàng.

Sự chênh lệch về cung – cầu đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa trên thị trường. Những khách hàng không mua được mẫu đồng hồ ưa thích sẽ chuyển sang những lựa chọn thay thế. Chẳng hạn, nếu không thể có được các món “hàng nóng” của Rolex như Nautilus hay GMT-Master II, khách hàng sẽ chuyển sang chiếc GP Laureato. Ngay cả những thương hiệu ít sôi động hơn như Cartier, IWC hay Breitling cũng rơi vào trạng thái tương tự. Trên thực tế, Tag Heuer đã ngưng giao hàng cho từng nhà phân phối trong nhiều tháng trời. Thậm chí, thương hiệu này còn ngưng nhận đơn hàng vì tình trạng quá tải dây chuyền sản xuất. Những thương hiệu “ngách” kiểu như Parmigiani với doanh số thường niên dao động ở mức trên dưới 3.000 chiếc cũng rơi vào trạng thái quá tải. Hơn 20 năm trong ngành đồng hồ nhưng vị CEO của hãng chưa bao giờ chứng kiến một “cơn điên” nào như thời điểm hiện tại.

Đồng hồ của năm: Cartier Masse Mystérieuse

Cartier Masse Mystérieuse Watch

Trong 110 năm qua, Cartier nổi tiếng với mẫu đồng hồ Mystery với kiểu mặt số trong suốt khiến người xem có cảm giác kim giờ và kim phút treo lơ lửng trong không trung. Về sau, mô hình nói trên được thu nhỏ và đưa lên đồng hồ đeo tay vào năm 2013. Phiên bản mới nhất là chiếc Masse Mystérieuse với kích cỡ 43,5mm cùng một phát kiến đầu tiên của ngành đồng hồ: Rô-tơ tích hợp bộ truyền động 9801 MC có thể xoay một cách tự do trong khung viền thân vỏ.

Lịch thường niên: Patek Philippe Ref. 5205R

Patek Philippe Ref. 5205R Annual Calendar Watch

Năm nay, nhiều mẫu đồng hồ chủ đạo của Patek Philippe được thiết kế với kiểu dáng thể thao hơn và gần gũi hơn. Tuy nhiên, nói gì thì nói, đây vẫn là thương hiệu chuyên về các dòng đồng hồ thanh lịch kiểu “dress watch”. Những thành công vang dội của thương hiệu Thuỵ Sĩ phần lớn gắn liền với các thiết kế kinh điển dành cho nhóm khách hàng thượng lưu. Đó là lý do cho sự ra đời của chiếc đồng hồ với số hiệu Ref. 5205R Annual Calendar làm từ vàng hồng 18K cùng mặt số màu xanh ô liu hoàn toàn mới lạ. Trên thực tế, kiểu dáng đồng hồ không quá mới mẻ nhưng các đường nét lại vô cùng khác biệt. Sức hút của “cỗ máy thời gian” nói trên cũng chỉ ra một điều: Một chút thay đổi về màu sắc có thể làm biến đổi hoàn toàn giá trị và diện mạo của một chiếc đồng hồ đắt tiền. Đây cũng là xu thế phổ biến trong ngành đồng hồ mấy năm gần đây.

Dấu ấn lịch sử: Vacheron Constantin 222

Vacheron Constantin 222 Watch

Không một dòng đồng hồ nào có sức hút lớn hơn đồng hồ thể thao với dây đeo tích hợp ra đời từ thập niên 70. Đó là lý do cho sự ra đời của phiên bản nâng cấp mang tên 222 từ thương hiệu Vacheron Constantin. Đây là dòng đồng hồ được giới thiệu vào năm 1977 nhân kỷ niệm 222 năm lịch sử thương hiệu. Tính tổng cộng, thương hiệu Thụy Sĩ chỉ làm ra chưa đầy 1.000 chiếc, tất cả đều trở thành “bom tấn” trong các phiên đấu giá. Cụ thể hơn, mẫu đồng hồ nguyên bản với kích cỡ 38mm đã được bán với giá hơn 172 ngàn đô tại một phiên đấu giá vào năm 2021.

Đồng hồ để bàn: Van Cleef & Arpels Fontaine aux Oiseaux

Van Cleef & Arpels Fontaine aux Oiseaux

Có lẽ, không một chiếc đồng hồ nào trên thế giới được chế tác một cách tài tình như chiếc Fonatine aux Oiseaux. Mẫu đồng hồ cỡ lớn được trang bị chức năng đếm ngược thông qua chân đế làm từ gỗ mun kết hợp với các núm giờ làm từ vàng trắng 18K. Phía trên là hộp gỗ trang trí hình quả trứng được phủ 8 lớp sơn mài. Dĩ nhiên, với mẫu đồng hồ đậm tính nghệ thuật kiểu này, thời gian chỉ là thứ yếu. Tâm điểm nằm ở đôi chim được tạo nên từ vàng trắng và vàng hồng 18K. Mỗi khi được kích hoạt, đôi uyên ương sẽ ngoái đầu chào nhau rồi cất tiếng hót, vỗ cánh và nhấc chân lên để tiến lại gần nhau hơn. Phía trước đôi chim là chậu nước được làm từ đá Chalcedony, pha lê và nhôm nguyên chất. Những bộ phận trên cơ thể hai chú chim cũng được làm từ các loại đá quý và kim cương.

Tourbillon lộ thiên: Audemars Piguet Royal Oak

Audemars Piguet Royal Oak

Đây là một năm trọng đại với thương hiệu Audemars Piguet khi kỷ niệm 50 năm ra đời dòng đồng hồ Royal Oak – một cỗ máy được tạo nên bởi “phù thủy” Gérald Genta. Mẫu đồng hồ nói trên thành công đến nỗi, cho tới ngày nay, một số người vẫn nhầm tưởng Royal Oak là một thương hiệu độc lập. Vào đầu năm nay, thương hiệu Thụy Sĩ tung ra một số phiên bản kỉ niệm nhưng nổi bật nhất là chiếc Selfwinding Flying Tourbillon Openworked với kích cỡ 41mm làm từ thép không gỉ. Đây cũng là lần đầu tiên, bộ truyền động 2972 xuất hiện trong một siêu phẩm theo phong cách lộ thiên trong dòng Royal Oak.

Giờ thế giới: Bovet Orbis Mundi World Time

Bovet Orbis Mundi World Time Watch

Người sáng lập thương hiệu Bovet là Edouard Bovet đã từng khởi nghiệp bằng cách kinh doanh đồng hồ tại những vùng đất xa xôi. Vào năm 1818, ông giành được chút ít thị phần tại Trung Quốc khi bán lại bốn chiếc đồng hồ bỏ túi với tổng giá trị khoảng 1 triệu đô tính theo thời giá hiện nay. Hai thế kỷ sau đó, thương hiệu Thụy Sĩ tiếp tục phát huy truyền thống của nhà sáng lập qua việc giới thiệu một chiếc đồng hồ với chức năng báo giờ thế giới vô cùng tiện lợi. Mẫu đồng hồ Orbis Mundi với kích cỡ 42mm có kết cấu cực kỳ đơn giản và đẹp mắt.

Đồng hồ trang sức: Cartier Libre Morphosis

Cartier Libre Morphosis Watch

Libre Morphosis là thiết kế độc đáo khi kết hợp cả một chiếc đồng hồ và chiếc vòng đeo tay trong cùng một sản phẩm. Trên dây đeo bằng cao su là các mắt xích liền mạch theo kiểu tam giác để người đeo có thể ngắm nghía và khoác lên cổ tay khi có nhu cầu. Trong khi đó, bộ truyền động đồng hồ lại mang tính trang trí nhiều hơn yếu tố công năng. Đồng hồ có 3 phiên bản: một từ vàng trắng 18K, hai phiên bản còn lại từ vàng hồng 18K. Đi kèm là 418 viên kim cương, 54 viên đá mặt trăng, 81 viên Spinel cùng 81 viên ngọc hồng lựu đỏ.

Lịch vạn niên: Vacheron Constantin Traditionnelle Perpetual Calendar Ultra-Thin

Vacheron Constantin Traditionnelle Perpetual Calendar Ultra-Thin

Vacheron Constantin gia nhập mảng đồng hồ nữ từ năm 1889 với nhiều dòng phức tạp như điểm chuông hay tourbillon. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thương hiệu Thụy Sĩ ra mắt mẫu đồng hồ tích hợp lịch vạn niên dành cho phái yếu. Thực tế, trong thời điểm hiện tại, ngày càng có nhiều khách hàng nữ yêu cầu những dòng phức tạp tương tự như phái mạnh. Đồng hồ được trang bị bộ truyền động siêu mỏng 1120 QP với kích cỡ 29,6mm cùng thân vỏ 36,5mm. Đi kèm là 76 viên kim cương, vàng trắng hoặc vàng hồng 18K kết hợp với mặt số khảm xà cừ.

Đồng hồ thể thao: Audemars Piguet 34mm Selfwinding Black Ceramic

Audemars Piguet 34mm Selfwinding Black Ceramic Watch

Dòng đồng hồ với tông màu đen thường được nhiều người ưa chuộng và xem như một phần không thể thiếu trong các bộ sưu tập. Trong bối cảnh đó, dòng Royal Oak của Audemars Piguet đã tạo nên một cú hích mới với những điểm nhấn vô cùng mới lạ. Chúng trông khác biệt so với số đông các dòng đồng hồ được làm từ thép không gỉ và vàng 18K. Thường thì các phiên bản Royal Oak 34mm sẽ được trang bị máy Quartz. Tuy nhiên, phiên bản mới làm từ gốm đen lại được trang bị máy cơ tự động siêu mỏng ký hiệu 5800 với khả năng dự trữ năng lượng 50 giờ. Một số chi tiết đồng hồ còn được làm từ vàng hồng 24K vô cùng quý phái.

Đồng hồ nghệ thuật: Van Cleef & Arpels Lady Arpels Heures Florales

Van Cleef & Arpels Lady Arpels Heures Florales

Nhiều người tự hỏi: Khu vườn của Van Cleef & Arpels đơm hoa kết trái theo cách nào? Câu trả lời nằm ở mẫu đồng hồ kết tinh cả bí kíp nghệ thuật lẫn trình độ kỹ thuật siêu phàm của thương hiệu đến từ Pháp. Kiệt tác đồng hồ với tên gọi Heures Florales thực hiện chức năng báo giờ thông qua cơ chế “cụp – xòe” của 12 bông hoa làm từ đá quý. Điều thú vị là những đóa hoa nghệ thuật nói trên lại “nở ra” theo cơ chế ngẫu nhiên với 3 chu kỳ khác nhau. Để tạo nên mẫu đồng hồ nói trên, thương hiệu của Pháp phải mất hơn 5 năm nghiên cứu và phát triển.