Giá của một đôi giày bespoke có thể lên tới hàng ngàn đô-la Mỹ, nhưng không ít khách hàng sẵn sàng bỏ tiền bạc và thời gian chờ đợi để được sở hữu. Chúng được xem là biểu tượng của sự xa xỉ kín đáo, chẳng hề hào nhoáng như kim cương hay trang sức, thay vào đó đem lại phong cách riêng biệt và cảm giác thoải mái tối đa khi sử dụng cho chủ nhân.
Tại một xưởng nhỏ bụi bặm nằm trong một tòa nhà công nghiệp ở Hồng Kông, John CW Lau, giám đốc của công ty giày Kow Hoo, đang giám sát bốn thợ đóng giày làm việc. Bộ tứ này có độ tuổi từ 60 tới 95 ngày ngày tỉ mẩn làm những đôi giày thửa cho các doanh nhân giàu có bậc nhất xứ Cảng Thơm.
Phía bên kia thành phố, trong một khu mua sắm hạng sang, nghệ nhân Jean-Michel Casalonga, làm việc cho thương hiệu Berluti, đang tự tay đưa giày cho khách hàng và nhận các đơn đặt hàng mới. Bậc thầy làm giày tới từ Paris, người đàn ông tầm trên 30 tuổi với gương mặt trẻ thơ, đi khắp thế giới gặp các khách hàng muốn dùng dịch vụ dành cho từng cá nhân mà công ty này cung cấp.

Giày bespoke vừa chân hoàn hảo ngay từ khi mới mua về

Sự tương phản này làm nổi bật sự khao khát đang ngày một tăng dành cho giày bespoke (loại giày đóng riêng theo yêu cầu của từng khách hàng). Người mua tìm kiếm đủ thứ, từ một đôi Oxford đen cổ điển tới những loại giày độc với các chi tiết chỉ có họ nghĩ ra. “Chúng tôi luôn chú ý để khách vừa đi êm chân lại vừa đẹp,” Casalonga nói.
Sức hấp dẫn của giày bespoke vượt xa khả năng thỏa mãn mong muốn có được một đôi giày với các chi tiết được làm thủ công theo yêu cầu và sở thích cá nhân của khách hàng, mà còn đem lại sự thoải mái vượt trôi: Bạn không cần đi một thời gian để giày “mềm” và hợp chân như các loại hàng bán sẵn.
“Giày vừa chân hoàn hảo ngay từ ngày đầu tiên. Thực sự là chúng vừa khít với chân bạn,” trích lời Brandon Chau, người khá có tiếng trong lĩnh vực thời trang nam ở Hồng Kông. Chau cũng có ba đôi bespoke.
“Với hầu hết mọi người, trải nghiệm đồ may đo bắt đầu từ áo sơ mi,” Gary Tok, một doanh nhân Hồng Kông có cả tá giày bespoke cho biết. Sau sơ mi, anh ta sẽ may bộ suit bespoke. Rồi anh ta bắt đầu nghĩ, “Bước tiếp theo của đồ bespoke là gì?” Câu trả lời là giày.
Nhưng đặt những đôi giày này đòi hỏi sự kiên nhẫn và khao khát được tham gia vào mọi quá trình thiết kế cũng như đóng giày. Một đôi thường làm mất khoảng 6 tới 9 tháng và chi phí cũng rất đa dạng, từ khoảng 1.500 USD tới cả chục ngàn USD, tùy vào loại da cũng như tùy vào nhà đóng giày. Vì mất thời gian như thế, hầu hết khách hàng của giày bespoke là nam. Giày nam có phong cách ổn định, ít thay đổi trong khi giày nữ thường chạy theo xu hướng từng mùa thời trang.

Giày bespoke đắt giá không kém trang sức

Giày bespoke và các loi khác

Đến với thế giới giày bespoke, khách hàng sẽ phải làm quen với rất nhiều thuật ngữ mới mẻ. Cũng như với đồ suit, một đôi giày có rất nhiều chi tiết. Dù có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng nhìn chung, giày bespoke là giày được làm từ đầu, không theo khuôn và mỗi đôi là độc nhất vô nhị.
Người thợ đóng giày sẽ đo chân của khách hàng và đóng giày dựa trên số đo chi tiết đó. “Mọi thứ được làm thủ công từ đầu tới cuối, Casalonga cho biết. “Thông tin khách hàng cung cấp khác nhau tùy từng người”. Người thợ đóng giày có thể đưa ra lời khuyên và đề xuất, nhưng nhiều khách hàng thích tham gia vào quá trình tạo ra đôi giày.
Một số người thợ làm mọi bước, từ đo chân, làm khuôn giày – “last” – khúc gỗ được đẽo bằng tay theo hình dạng của bàn chân khách hàng, tới đóng đôi giày thử và cuối cùng là làm đôi giày hoàn chỉnh. Những công ty khác lại có thợ chuyên cho từng công đoạn. Dù là theo cách nào, khách hàng thường chỉ giao tiếp với một thợ trong suốt quá trình.

Tất cả đều được làm thủ công

Giày made-to-measure lại được làm dựa trên size tiêu chuẩn của giày bán sẵn, sau đó sửa đi để vừa với chân khách hàng. Thường thì loại da hay các chi tiết thiết kế cũng có thể tùy biến theo yêu cầu.
Để so sánh, giày made-to-order (làm theo đơn đặt hàng) dùng hệ thống size tiêu chuẩn và không được chỉnh sửa. Bù lại, chúng tập trung 100% vào thiết kế,” Tommaso Melani, CEO của Stefano Bemer, hãng giày Ý có trụ sở tại Florence cho biết. Khách hàng có thể chọn màu, loại đế, loại da lót và các yếu tố thiết kế khác.

Mua đâu?

Các cửa hàng giày bespoke cũng giống như cửa hàng thời trang cao cấp, thường nằm tại các kinh đô thời trang thế giới như London, Paris, Rome, Hồng Kông, Tokyo và New York. Những người thợ đóng giày lại thường tự mình đi khắp nơi gặp khách hàng. Một số mở cửa hàng tạm thời tại các thành phố nơi có không có cửa hàng chính thức để gặp khách, những người khác lại đi tới tận nơi khách hàng sống dù là bất cứ đâu trên thế giới.
Những khách hàng như Tok tới châu Âu và Nhật để làm giày. Anh thường xuyên tới Ý và chọn Rome là nơi khởi đầu. Trong một chuyến đi 5 ngày, anh sẽ thăm các cửa hàng tại Naples và Florence để đo chân và thảo luận các chi teiets khác. “Sau đó tới cuối tuần tôi bay về Hồng Kông.”
“Tôi nghĩ đây là đỉnh cao của sự xa xỉ kín đáo,” Tok bày tỏ, sau đó nói thêm một số người thích thời trang thường khoe của bằng các nhãn hiệu xa xỉ, nhiều người biết. Với giày bespoke “bạn chi rất nhiều tiền mà chẳng ai biết cả.”

Bao nhiêu mt đôi giày bespoke?

Giày bespoke không rẻ. Giá thì tùy nơi, tùy nguyên liệu. Tại George Cleverly, giày da bê có giá 4.200 USD, bao gồm cả công làm last và shoe trees thửa riêng. Tại Berluti, giá khởi điểm là 6.225 USD nhưng hạ xuống còn 5.300 USD nếu đặt thêm vì người thợ không mất công làm lại last. Giá khởi điểm cho một đôi giày tại Kow Hoo là 1.550 USD.
Loại da thường dùng nhất là da bê nhưng nhiều khách hàng thích chọn các loại da hiếm như cá sấu, đà điểu, thằn lằn, đuôi hải ly, cá mập hay cá đuối. “Chúng tôi luôn sẵn sàng thử các thứ mới,” Casalonga cho biết.
Giá có thể tăng thêm hàng ngàn đô-la Mỹ nếu có thêm các chi tiết trang trí và nếu cần thêm công lao động. Casalonga nhớ lại một thử thách khi khách hàng ở Hồng Kông yêu cầu đôi giày pha màu màu xanh lá ánh kim – nâu của mình phải có hiệu ứng nhăn ở phần mũi.

Đi vào chi tiết

“Tôi luôn đề nghị khách hàng lần đầu hãy chọn một đôi Oxford cơ bản da đen,” George Glasgow Jr, CEO của nhà George Cleverly & Co có trụ sở ở London nói. “Đó là đôi giày cổ điển và không bao giờ lỗi mốt của đàn ông. Khách hàng sẽ dùng được đôi giày này trong nhiều dịp, trong rất nhiều năm.”
Khách hàng thường làm việc rất sát với thợ trong quá trình thiết kế giày, thêm vào các chi tiết cá nhân và các trang trí.
Các nhà làm giày bespoke lớn thường ít nói về số lượng nhận làm hàng năm nhưng thường thì chỉ vài trăm đôi. Hầu hết khách hàng sẽ quay lại đặt thêm, số này nhiều hơn khách hàng mới, và họ thường truyền miệng nhau.

Nên mong đợi điu gì?

Mối quan hệ giữa người đóng giày và khách hàng cực kỳ quan trọng.
“Tôi chọn người đóng giày có thể đóng vừa chân tôi, thay vì cố khiến anh ta làm điều anh ta không thể,” Tok nói. “Lỗi lầm lớn nhất của hầu hết mọi người khi làm đồ bespoke là thử một loạt thợ mà không chọn ra người có thể làm đồ hợp với mình.” Anh này chỉ làm việc với một nhóm nhỏ những người làm giày bespoke và không có ý định mở rộng thêm. Tok cho biết anh rất nghi ngờ những thợ làm giày bespoke tuyên bố “có thể làm bất cứ thứ gì khách muốn.”
Tok chỉ ra ba cách để biết người thợ làm giày bespoke có giỏi hay không. Đầu tiên, không cảm thấy bị thúc giục. Thứ hai, phải có sự trao đổi giữa hai bên về việc cái gì hợp với bạn. Thứ ba, người thợ giày nên giải quyết được các vấn đề gặp phải trong quá trình thử vừa giày và sau đó là quá trình đi thử của khách. “Đó là bài kiểm tra để biết bạn sẽ nhận được gì từ người thợ này,” Tok nói.

Cách chăm giày bespoke

Giữ giày bespoke trong tình trạng tốt cũng không khác gì lắm với việc chăm giày thường nhưng bạn sẽ có một số lợi thế. Thường thì các shop sẽ có thêm shoe trees được làm đúng với số đo đôi giày. Họ cũng thường đánh xi miễn phí nếu khách mang giày tới nơi nhưng các khách hàng lâu năm như Chau thường tự làm lấy.
Tok cũng thích tự đánh giày. “Rất vui. Tôi và một vài người bạn thường tụ tập vào buổi tối để vừa đánh giày vừa hút xì-gà, uống whisky,” anh nói. “Dùng nước bọt sẽ giúp làm ẩm giày. Vừa uống whisky vừa đánh giày rất thư giãn vì cồn có trong nước bọt sẽ giúp giày bóng hơn.”