Bà Lê Vân Anh, người Việt duy nhất được cấp bằng WSET cấp độ 4 (bằng cấp uy tín nhất về rượu vang và rượu mạnh toàn cầu), đồng thời là giám đốc điều hành Red Apron Fine Wines & Spirits, một trong những công ty phân phối rượu vang hàng đầu Việt Nam, đã dành cho Robb Report Việt Nam những chia sẻ về xu hướng sưu tầm rượu vang tại Việt Nam.

Là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực rượu vang tại Việt Nam, bà có thể chia sẻ với độc giả về cơ duyên của mình đối với ngành này?

Đã hơn 20 năm kể từ thời điểm mới bắt đầu sự nghiệp cho đến nay, tôi cảm thấy rất tự hào khi từ một boutique rượu nhỏ bé ban đầu tại khách sạn Metropole, giờ đây, chúng tôi đã tạo dựng được một hệ thống cửa hàng rộng lớn trên toàn quốc. Sở hữu mối quan hệ mật thiết với những nhà rượu lừng danh thế giới, Red Apron Fine Wine & Spirits đã trở thành một trong những nhà phân phối hàng đầu trong ngành rượu vang tại Việt Nam, đồng thời là nhà cung cấp khóa học chính thức của WSET (Wine & Spirit Education Trust) – chứng chỉ rượu vang và rượu mạnh được công nhận toàn cầu. Chúng tôi đã mang đến nguồn kiến thức bổ ích về rượu vang, đồng thời lan tỏa văn hóa thưởng thức rượu vang đến với mọi người. Đó là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.

Bà có thể chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề?

Đối với tôi, đó là buổi thử rượu do Red Apron tổ chức vào năm 2013. Lần đầu tiên, 75 đại diện các nhà rượu được xếp hạng của Bordeaux (Union des Grands Crus de Bordeaux – UGCB) đã hiện diện tại một buổi thử rượu ở Việt Nam. Lúc đó, Việt Nam chưa được Hiệp hội vang Bordeaux đánh giá cao. Tôi và ông xã Sylvain Bournigault (người sở hữu bằng WSET cấp độ 4 loại Giỏi – PV) đã bay sang Pháp thuyết phục và được Hiệp hội chấp thuận. Nhờ cơ hội được làm việc cùng UGCB vốn khá kỹ tính trong khâu tổ chức – từ khoảng cách xếp bàn, nhiệt độ phòng, băng rôn, vị trí trưng bày rượu theo chai và theo vùng đúng quy tắc bản đồ, cho đến bảng tên của khách tham dự và 75 đại diện – đã giúp chúng tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, tạo ấn tượng tốt và tiếp tục trở thành đơn vị được UGCB tín nhiệm tại Việt Nam vào tháng 11 vừa qua.

Theo bà, cách người tiêu dùng đã và đang tiếp cận với văn hóa rượu vang ra sao? Thị trường vang Việt hiện đang ở đâu trong bức tranh chung của thế giới?

Thị trường vang tại Việt Nam hiện nay đã có sự tiến bộ vượt bậc so với 2 thập kỷ trước. Khi ấy, ngoài bia hơi, whisky và cognac, rất ít người biết đến rượu vang. Năm 2011, khi Red Apron bắt tay cùng Hiệp hội vang Bordeaux, người tiêu dùng Việt chủ yếu mới chỉ biết đến cái tên Bordeaux chứ chưa hiểu được khái niệm “Grand Cru”. Nhưng hiện tại, nhờ thế giới phẳng với nguồn thông tin đa dạng, người tiêu dùng đang trở nên am tường hơn về rượu vang. Tại Red Apron Wine School, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tìm hiểu, học hỏi, thử vang và nhận bằng cấp quốc tế như WSET đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là từ những người trẻ tuổi.

Theo tôi, khó có thể so sánh thị trường vang non trẻ ở Việt Nam với các thị trường trưởng thành ở châu Á như Hồng Kông hay Nhật Bản. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì chúng ta không hề thua kém, thậm chí có thể nói mức độ hiểu biết về rượu vang của người tiêu dùng tại Việt Nam hiện tương đương với một số thị trường khó tính như Singapore.

Bà có nhận định gì về xu hướng sưu tầm vang tại Việt Nam?

Số lượng nhà sưu tầm Việt hiện còn khá ít ỏi nhưng vẫn có những nhân vật sở hữu bộ sưu tập (BST) ấn tượng. Thông thường, một BST các niên vụ của một dòng rượu gọi là vertical, nhưng có những nhà sưu tầm Việt mà tôi biết sở hữu cả BST pyramid, bao gồm các chai Standard (750ml), Magnum (1,5l) và Double Magnum (3l) của Petrus – nhà làm rượu có tiếng nhất với những chai vang được sưu tầm nhiều nhất tại vùng Bordeaux.

Người tiêu dùng Việt hiện vẫn thích sưu tầm các loại rượu Bordeaux. Nhưng theo tôi, vang Burgundy sẽ được ưa chuộng trong thời gian tới nhờ giá trị cao.

Vậy đâu là những cái tên đáng để đầu tư nhất, thưa bà?

Nếu nói về vang Bordeaux, những cái tên hàng đầu sẽ là Petrus, Le Pin, Chateau Lafite, Chateau Margaux, Chateau Haut-Brion, và Chateau Latour. Trong đó, Chateau Latour sở hữu giá trị sưu tầm khá tốt. Là lâu đài duy nhất ở Bordeaux chỉ bán ra thị trường khi rượu đủ độ chín để người uống có thể thưởng thức ngay lập tức. Niên vụ mới nhất được Chateau Latour xuất xưởng là 2009, tức cách đây 11 năm.

Về vang Burgundy phải kể đến Domaine Leroy – được cho là lâu đài sản xuất vang đỏ ngon nhất vùng. Gia đình Leroy cũng sở hữu 50% của Domaine de la Romanee-Conti, một nhà vang lừng danh khác tại đây. Hay chai Cros Parantoux của Henri Jayer – vốn được so sánh với Romanee-Conti. Tuy nhiên, việc Jayer qua đời năm 2006 và không có người kế thừa đã nâng giá trị sưu tầm của những chai vang này lên cao, thuộc hàng hiếm có khó tìm.

Nhắc đến vùng Champagne, không thể bỏ qua Champagne Salon với những chai vang nổ đặc biệt – loại vang được tạo nên từ 1 giống nho, 1 niên vụ, 1 cru (vườn nho) và trong cả thế kỷ 20 chỉ có 37 niên vụ xuất sắc nhất.

Red Apron đang và sẽ có những kế hoạch gì để vượt qua thách thức thời hậu Covid-19?

Trong khi ngành F&B chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch thì thị phần bán lẻ rượu vang ngày càng tăng lên. Trong thời đại dịch, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những chai vang chất lượng cao để thưởng thức tại nhà. Họ cũng có thời gian để tìm hiểu sâu hơn về vang, khiến nhu cầu tham gia các khóa học WSET tăng lên. Vì vậy, ngoài việc duy trì các khóa WSET, Red Apron Wine School sẽ mang chương trình đào tạo quốc tế về rượu vang Pháp (French Wine Scholar) đến Việt Nam trong 2021. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi tham quan nhà rượu, thử rượu trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Xin cảm ơn bà!

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Một + Hai mang chủ đề “The Ultimate Gift Guide”)