Khi Ivor Tiefenbrun ra mắt chiếc mâm than vào năm 1973, dân chơi nhạc toàn cầu đã được một phen “mắt tròn mắt dẹt”. Dòng mâm Linn nhanh chóng chiếm được cảm tình của những người trong giới nhờ chất lượng âm thanh tuyệt hảo và nhiều ưu điểm khác.


Ngoài ra, đây là dòng sản phẩm được phát triển theo kiểu mô-đun, nghĩa là những ai mua một chiếc LP12 đời đầu đều có thể nâng cấp khoảng 50 thông số kỹ thuật và điện tử trong vòng hơn nửa thế kỷ tiếp theo.


Chính điều này đã thôi thúc Jony Ive, cựu Giám đốc thiết kế của Apple, liên hệ với CEO của Linn để đề xuất việc hợp tác giữa Linn và LoveFrom - công ty cá nhân của Jony Ive. Hai bên sẽ cùng nhau tạo ra một bộ mâm đặc biệt để kỷ niệm 50 năm lịch sử của Linn. Trong khi các dòng mâm than khác thường được kết cấu theo kiểu động năng, dàn mâm Sondek LP12-50 của Linn lại có thiết kế dạng tĩnh đầy tinh tế theo đúng tinh thần của dòng sản phẩm sơ khai. Đặc biệt, đây là dòng mâm được chế tác thủ công ngay tại nhà máy của Linn ở Glasgow, Scotland.


Các công đoạn trong quá trình chế tác và gia công mâm đĩa than:


1. Tạo chân đế


Một máy đọc đĩa xịn xò phải có phần chân đế tương thích. Do đó, Linn phát triển một dạng vật liệu đặc biệt với tên gọi Bedrok làm từ gỗ dẻ gai để tạo khung đế cho dòng sản phẩm lần này.


2. Phím khởi động


Dấu ấn của Ive được thể hiện qua một phím On/Off có thiết kế mang tính thời trang được làm từ nhôm và nằm gọn trong phần đế thay vì nhô ra như trước. Kiểu phím trước đây mang thiết kế nhẹ nhàng và có phần đơn giản về mặt thẩm mỹ.


3. Dàn bạc đạn


Hệ thống bạc đạn (ổ bi) có vai trò cực kỳ quan trọng để giúp dàn mâm của Linn chuyển động một cách trơn tru. Chúng được làm từ thép không gỉ và gắn trên phần đế chịu lực bằng thép các-bon.


4. Phần thớt chính


Đây là bộ phận để đặt đĩa nhạc lên và xoay theo chu kỳ cố định. Linn sử dụng hợp kim đồng với tên gọi Zamak để tối ưu hoá sự ổn định và độ phẳng của thớt. 


5. Kỹ thuật khắc laser


Theo truyền thống của Linn, tên nghệ nhân chế tác nên bộ mâm than sẽ được khắc bằng kỹ thuật laser bên cạnh các chi tiết về sự hợp tác với LoveFrom và số thứ tự của bộ mâm.


6. Tay cần


Tay cần là thanh đỡ, nơi gắn kim (Cartridge) lên. Tay cần bao gồm: Đối trọng (Counter Weight), bộ phận chống trượt (Anti-skating) và nhiều cơ chế chuyển động khác nhau.


7. Mô-tơ kiểm soát


Linn là một trong những thương hiệu hiếm hoi có khả năng tự chế tạo nên các chi tiết điện tử cho bộ mâm của mình. Các cảm biến quang học và tốc kế sẽ thu nhận dữ liệu để giúp cho thớt chính chuyển động ổn định ở tần số 33, 3333 vòng/phút. 


8. Lắp ráp tại nhà


Có nhiều chi tiết nhỏ có thể ảnh hưởng đến chất lượng của một bộ mâm than Linn. Do đó, các chuyên gia sẽ đến tận nhà khách hàng để lắp ráp hoàn thiện cho từng máy khác nhau.


9. Hoàn thiện


Một bộ mâm hoàn thiện có thể được lưu giữ đến nhiều thế hệ con cháu. Bởi thế, có những người lưu giữ chúng đến hàng chục năm trời như một cách để giữ lại những ký ức của thời gian.