Khi giá bán của những chiếc đồng hồ đang bị đẩy cao nhờ giá trị “in-house” của bộ truyền động.

Trào lưu tự chế

Trong giai đoạn hiện nay, cụm từ “in-house movement” hay gọi nôm na là “bộ truyền động tự chế” không còn là trào lưu, mà đã trở thành một yếu tố chủ đạo đóng góp vào sự thành công của các thương hiệu đồng hồ. Điều này càng trở nên cấp thiết kể từ thời điểm ETA (Nhà sản xuất bộ máy truyền động lớn nhất thế giới) quyết định cắt giảm số lượng máy truyền động dành cho các thương hiệu không thuộc Tập đoàn Swatch. Cách gọi “in-house” về cơ bản dùng để phân biệt với các dòng máy được đặt hàng (sourced) từ các nhà chế tác như ETA hay Sellita. Ngoài ra, đó còn là niềm tự hào, là dấu ấn và bản sắc của mỗi thương hiệu. Bên cạnh đó, các bộ truyền động tự chế cũng giúp các nhà sản xuất đồng hồ chủ động hơn trong việc định giá sản phẩm.

Thực tế, các bộ truyền động tự chế có tầm quan trọng về nhiều mặt. Ngoài độ hiếm, đó còn là thành tố ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và các đặc tính của một chiếc đồng hồ. Về cơ bản, chúng sẽ được “thửa” riêng cho từng mẫu đồng hồ. Theodor Prenzel, phó trưởng phòng nghiên cứu và phát triển tại Nomos Glashütte, cho rằng, bộ truyền động tự chế có 3 ưu điểm chính: duy trì khả năng độc lập trong kinh doanh, phô diễn trình độ kỹ thuật và cho phép các thương hiệu kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đơn cử như năm 2015, khi Thụy Sĩ quyết định thả nổi đồng franc, nhiều công ty đồng hồ chuyên nhập bộ máy từ Thụy Sĩ đã phải một phen điêu đứng. Trong khi đó, các thương hiệu có năng lực tự chế hầu như không bị ảnh hưởng do không bị chi phối bởi bên thứ ba. Việc tự chế hay đặt hàng bộ máy đồng hồ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và năng lực phát triển của mỗi thương hiệu trong tương lai.

Bộ truyền động SMA05 của thương hiệu Speake-Marine

Bên cạnh đó, một số khách hàng và nhà sưu tập luôn đòi hỏi các bộ truyền động tự chế như một tiêu chí bắt buộc. Thật ra, với một chiếc đồng hồ đắt tiền, bộ truyền động cũng có vai trò quan trọng không kém phần thiết kế. Trong trường hợp này, đặc tính “in-house” sẽ có ý nghĩa nhất định. Thực tế, việc tự chế bộ máy đồng hồ cũng giúp các thương hiệu bay bổng hơn về mặt ý tưởng trong quá trình chế tác các “cỗ máy đo thời gian”. Chẳng hạn, họ có thể tạo ra những sản phẩm với khả năng dự trữ năng lượng lên tới hàng trăm giờ hoặc bổ sung các tính năng vô cùng phức tạp.

Sự thật và tính minh bạch

Có hay không việc “thần thánh hóa” các bộ máy tự chế? Nói trắng ra, bản thân chúng không quyết định đến chất lượng của chiếc đồng hồ. Lâu nay, cụm từ “in-house movement” phần nào đó đã bị giới marketing thổi phồng, thậm chí lạm dụng quá mức. Về bản chất, một bộ truyền động chỉ được xếp vào nhóm “in-house” khi mọi chi tiết lớn nhỏ đều do chính tay một nhà chế tác đồng hồ tạo ra. Mọi công đoạn phải do nhân công của họ thực hiện. Xét trên khía cạnh này, một bộ truyền động tự chế theo đúng nghĩa phải được xếp vào loại “hàng hiếm”. Tuy nhiên, phần lớn các bộ truyền động hiện nay đều khó minh định về tỉ lệ “in-house” hay nói nôm na là “nội hãng hóa”. Tỉ lệ này có thể ở mức 75%, 50% hoặc ít hơn. Thậm chí, đó chỉ là bộ truyền động mua từ bên thứ ba rồi được tinh chỉnh theo ý của hãng. Thậm chí, nhiều thương hiệu còn đặt hàng các bộ truyền động độc quyền cho riêng mình rồi mặc nhiên coi đó là “in-house”.

ETA 2824 – cỗ máy hoàn thiện bậc nhất thế giới

Việc chế tác một bộ truyền động là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như năng lực sáng tạo. Ấy là chưa kể một sự đầu tư rất lớn về mặt tài chính. Do đó, nhiều thương hiệu không đủ điều kiện, hoặc thấy không cần thiết phải làm việc này. Do vậy, thay vì tự chế, một số thương hiệu như Vacheron Constantin, Patek Philippe hay Audemars Piguet vẫn mua thêm các bộ truyền động cơ sở từ các thương hiệu như Jaeger-LeCoultre, Lemania hay Valjoux. Về cơ bản, ngành đồng hồ Thụy Sĩ là hệ sinh thái vô cùng phức tạp nhưng có tính chuyên môn hóa rất cao.

Đầu tư vào việc sản xuất bộ máy truyền động là khoản đầu tư rất lớn với các thương hiệu. Do đó, lợi nhuận phải được tính toán kỹ lưỡng. Một bộ truyền động tự chế thường có giá cao hơn sản phẩm đặt hàng từ bên thứ ba. Một cách tự nhiên, chúng sẽ được định vị ở mức cao hơn. Trên thực tế, điều này chưa hẳn đã đúng. Có bao nhiêu bộ truyền động tự chế có thể sánh ngang với ETA 2824 – một cỗ máy hoàn thiện bậc nhất thế giới?

Cơ cấu báo giờ thú vị trên dòng “Singing Birds” của Vacheron Constantin

Một trường hợp khá thú vị là việc hợp tác giữa hai thương hiệu trong việc chế tác đồng hồ nói chung và bộ truyền động nói riêng, chẳng hạn như màn bắt tay giữa Breitling và Tudor. Vào năm 2017, Breitling tung ra mẫu đồng hồ SuperOcean II Chronograph sử dụng bộ máy B01. Về sau, B01 được đổi tên thành MT5813 để trang bị cho chiếc Tudor Heritage Chronograph. Phải chăng, MT5813 không “có giá” bằng B01 vì Tudor không trực tiếp tạo ra nó? Điều này nghe thật khôi hài.

Vậy một bộ truyền động tự chế sẽ khiến giá bán đồng hồ tăng lên đến mức nào? Mấu chốt nằm ở tính minh bạch của từng thương hiệu. Sự nhập nhằng trong các khía cạnh liên quan đến bộ truyền động có thể gây ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, thậm chí gây hại cho cả ngành công nghiệp đồng hồ. Xét cho cùng, “in-house movement” cũng chỉ là một mảnh ghép tạo nên một cỗ máy giá trị. Bởi thế, có những thương hiệu còn chẳng mặn mà với chủ đề này.

(Bài viết trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Sáu mang chủ đề “The Masters of Time”)