Liệu lớp trẻ sinh sau đẻ muộn có còn mặn mà với văn hóa xe hơi?

Có lẽ sẽ hợp lý hơn khi mở đầu bài viết này bằng cái tên Max Verstappen – tay đua người Hà Lan vừa về nhất tại Grand Prix Bahrain – chặng đua mở màn mùa giải F1 năm 2023. Đáng chú ý, Max gần như dẫn đầu đoàn xe trong suốt cuộc đua. Anh nhanh chóng tạo khoảng cách an toàn ở giai đoạn đầu, trước khi tập trung giữ lốp suốt thời gian thi đấu còn lại. Chiến thắng nói trên giúp anh tiếp tục là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch mùa giải 2023. Đáng chú ý, Max Verstappen cũng bước lên ngôi vương ở hai mùa giải 2021 và 2022, qua đó chính thức lật đổ tượng đài Lewis Hamilton sau nhiều năm thống trị. Điểm mấu chốt ở đây là, Max Verstappen sinh vào giai đoạn cuối năm 1997, tức là một Gen Z chính hiệu. Nếu xem F1 là “sân chơi thượng đỉnh” của ngành xe cộ thì chàng trai người Hà Lan đang là tay đua uy tín nhất.

Các tay đua Gen Z có đam mê mãnh liệt dành cho xe thể thao
Các tay đua trẻ có đam mê mãnh liệt dành cho xe thể thao

Từ câu chuyện của Max, sẽ có người tự hỏi: “Liệu lớp trẻ kế cận có đủ sức ‘cứu rỗi’ những đô thị đang bị nêm cứng bởi xe hơi?” Nhiều tờ báo danh tiếng từng giật những cái tít kiểu như “Thế giới giàu lên, người trẻ bỏ rơi xe cộ” hay “Gen Z thờ ơ với chuyện xe cộ”…

Sự thật không hẳn vậy. Dù các nhà quy hoạch, báo giới hay những người hoạt động vì môi trường có ra sức vận động, thì người dân tại các quốc gia phát triển rốt cuộc vẫn phải cầm vô-lăng do mô hình phát triển mang tính cố hữu lâu nay. Thực tế cho thấy, việc người trẻ ít mua xe cộ phần lớn do khả năng tài chính hơn là chuyện nhu cầu. Thực tế, chỉ khi có những quy hoạch mang tính đột phá, con người mới được giải phóng khỏi chuyện xe cộ. Đơn cử như việc xây làn riêng dành cho xe đạp hay tàu điện ngầm. Việc chuyển giao thế hệ có thể tạo nên đôi chút rung rinh về quan điểm. Tuy nhiên, nếu chính sách chưa có nhiều thay đổi, Gen Z hôm nay sẽ là những tài xế thường nhật nay mai mà thôi.

Merlin Assfalg, tay lái vừa tròn 18 tuổi trong đội hình của Porsche

Bài học này từng diễn ra với thế hệ Millennial (Gen Y), tiền bối của Gen Z. Chừng mười năm trước, báo chí râm ran về chuyện Millennials chán ghét xe cộ. Thời đó, số người Mỹ dưới 30 tuổi không có bằng lái bỗng tăng lên kỷ lục. Ai nấy quan ngại, rằng ngành công nghiệp ô tô nước Mỹ đã sớm bão hòa. Đó cũng là lúc tắc-xi công nghệ và dịch vụ đi chung bắt đầu lên ngôi.

Quả thật, người trẻ có thể lái xe ít hơn so với thế hệ cha anh. Tuy nhiên, điều này không hề diễn ra với nhóm cư dân thành thị hay tầng lớp trung lưu – hai đối tượng mà báo chí tập trung khai thác. Hóa ra, sự sụt giảm trong giai đoạn 2001 đến 2009 chỉ diễn ra trong nhóm thanh niên có thu nhập thấp đang tá túc cùng cha mẹ. Giờ đây, những người trẻ thuộc thế hệ Millennial xuất hiện trên các trang báo năm xưa đang là nhóm lái xe thường xuyên nhất.

Có lẽ, câu chuyện đang phần nào lặp lại với Gen Z qua những bài viết thật “kêu” trên mặt báo. Nào là nỗi lo tai nạn, ý thức về môi trường, chi phí bảo dưỡng xe hơi…Tuy nhiên, không ít người nhìn nhận, Gen Z rồi sẽ lái xe khi họ… đến tuổi. Với chính sách phát triển hướng tâm của nhiều quốc gia như hiện nay, không có xe là không ổn. Điều này thể hiện rõ nhất với những gia đình trẻ có từ một đến hai con. Với họ, xe cá nhân gần như là lựa chọn bắt buộc. Dĩ nhiên, với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng của các thành phố châu u, việc từ bỏ xe hơi là chuyện khả dĩ. Các quốc gia như Mỹ và phần đông các nước còn lại, xe hơi vẫn là phương tiện mang tính sống còn.

Tựu trung, việc con người hạn chế sử dụng xe hơi là chuyện đáng mừng. Đường sá sẽ bớt kẹt xe, giảm thiểu tai nạn và hạn chế khí thải ra môi trường. Tuy nhiên, khi hạ tầng còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế, chuyện Gen Z từ bỏ xe cộ – về cơ bản – chỉ xuất hiện trong các bài viết trên TikTok hay Instagram mà thôi.