Liệu “chú nhóc” Formula E có thể soán ngôi vương của trưởng lão Formula 1 kiêu bạc trên đấu trường tốc độ?
Kể từ thời điểm xuất hiện những chiếc xe đầu tiên chạy bằng hơi nước ở thế kỷ 18 cho đến nay, loài người luôn không ngừng sáng tạo để cho ra đời những kiệt tác đường phố đẳng cấp, thậm chí là những siêu xe thông minh, phục vụ không chỉ nhu cầu di chuyển, mà cả nhu cầu giải trí bậc cao của con người. Đằng sau những cỗ máy tưởng như vô hồn ấy là cả một thế giới sôi động của những giải đua khốc liệt, từ Bathurst 1000, Rally Finland, Le Mans 24h…, cho đến Formula 1, giải đua xe danh giá nhất hành tinh với hàng triệu người theo dõi; và gần đây là Formula E, giải đua xe điện non trẻ mới vừa tròn 5 tuổi nhưng đang được kỳ vọng trở thành ngôi sao trong cuộc chiến kim tiền của ngành công nghiệp xe đua thế giới. Liệu một giải non trẻ thuộc hàng cháu chắt như Formula E có khả năng soán ngôi vương của trưởng lão Formula 1 kiêu bạc trên đấu trường tốc độ?
Formula 1 – Hào quang ngôi vương
Trong số các giải đua xe hiện nay, Formula 1 là giải đua tốn kém nhất nhưng cũng danh giá nhất hành tinh, thu hút hàng triệu người hâm mộ theo dõi trên toàn thế giới. Kể từ khi ra đời vào năm 1920 với tên gọi Grand Prix (GP) châu Âu và sau đó đổi tên thành Formula 1 vào năm 1946, cho đến nay, giải đua này ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu với những cuộc đua hấp dẫn, kịch tính cùng số lượng khán giả liên tục tăng – những chỉ số vàng được xem là bảo chứng cho sự thành công về mặt thương mại.

Thật vậy, theo báo cáo thường niên của Formula Money, chuyên trang cung cấp thông tin tài chính của Giải đua Formula 1, trong mùa giải 2017, giải đua danh giá này thu hút tới 1,4 tỷ lượt khán giả theo dõi qua truyền hình với 20 chặng đua diễn ra chủ yếu tại những đấu trường danh tiếng như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Monaco, Singapore, tăng 6,2% so với năm 2016; số lượng khán giả theo dõi trên cả 2 nền tảng truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số khác tiếp tục tăng năm thứ 3 liên tiếp. Về khía cạnh tài chính, giai đoạn từ giữa những năm 2000 đến nay chứng kiến sự gia tăng về doanh thu của Tập đoàn Formula One, từ mức 700 triệu USD vào năm 2003 lên mức 1,8 tỷ USD vào năm 2016 và 2017.
Hẳn nhiên, chi phí đầu tư và vận hành giải đua danh giá bậc nhất hành tinh này cũng luôn ngất ngưởng với mức tổng chi phí cho 10 năm tổ chức một chặng đua Formula 1 trong trường đua là 933 triệu USD theo ước tính của Formula Money. Vì lý do này mà Formula 1 luôn được xem là cuộc chơi của các quốc gia giàu có. Tuy nhiên, vì Formula 1 cũng là một mô hình kinh doanh, nơi không phải lúc nào cũng chỉ có kẻ chiến thắng, vì thế, việc được thua của các quốc gia đăng cai âu cũng là chuyện bình thường.

Trong khi Monaco ở châu Âu hốt bạc từ giải đua danh giá này và Singapore, quốc gia duy nhất ở châu Á giành được quyền đăng cai trường đua Formula 1 trong suốt 10 năm liên tiếp kể từ 2018 và gặt hái thành công từ các chuỗi mùa giải thì một số cường quốc khác cũng lặng lẽ rời bỏ đấu trường tốc độ hấp dẫn nhưng vô cùng khốc liệt này. Việc nước Đức, quê hương của hai huyền thoại F1 Michael Schumacher, 7 lần vô địch thế giới, và Sebastian Vettel, 4 lần vô địch thế giới, từng hai lần hủy kế hoạch tổ chức các chặng đua vào mùa 2015 và 2017, hay việc Malaysia chính thức rút lui khỏi làng F1 vào năm 2017 sau khi đã đăng cai chặng đua từ năm 1999 với quyết định đóng cửa trường đua Sepang International Circuit (SIC) là minh chứng cho thấy rõ điều này. Việt Nam, quốc gia thứ 22 vượt mặt Bangkok, Hongkong và Quảng Đông để giành quyền đăng cai giải đua F1 vào năm 2020 sau khi bị ông chủ cũ của Tập đoàn Formula One từ chối vào năm 2017, đang là một ẩn số vô cùng thú vị.

Formula E – ngôi sao đang lên
So với bậc trưởng lão Formula 1 kiêu bạc, giải Formula E chỉ là một “cậu nhóc” không hơn không kém. Ngay từ thời điểm ra đời vào năm 2014, Formula E đã được dự đoán sẽ chết yểu bởi các tín đồ tốc độ đã quen với tốc độ xé gió, độ dài thách thức của đường đua cùng âm thanh gầm rú đặc trưng của động cơ đốt trong mà những chiến xa Formula 1 mang lại. Thế nên, khi xem một giải đua có phần êm ả hơn như Formula E với những chiếc xe điện chạy pin ở tốc độ 225 km/giờ – thấp hơn nhiều so với mức 300 km/giờ của các tuấn mã Formula 1 – trên các con phố ngắn cùng thứ âm thanh khá kì quặc giống tiếng máy hút bụi do sự kết hợp của động cơ điện và bánh xe có rãnh, các tín đồ tốc độ sẽ khó mà “phê” được nếu so với cảm giác phấn khích bùng lên trong từng lằn da, thớ thịt được kích thích bởi thứ âm thanh gầm rú đặc trưng của những chiến xa Formula 1.

Tuy nhiên, xu hướng của thời thế đã tạo nên số phận cho Formula E, đúng như những gì cha ông vẫn thường nói “Tốt số hơn bố giàu”. “Kẻ đợi vận may chẳng bao giờ chắc chắn về bữa tối”, Benjamin Franklin đã từng nói như vậy. Nhưng có vẻ như một bữa tối thịnh soạn đang được dọn ra cho “chú nhóc” Formula E khi ý thức bảo vệ mội trường trước nguy cơ biến đổi khí hậu của nhân loại đang ngày càng được nâng cao, thúc đẩy con người phải thay đổi thói quen và hành vi nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Ngạc nhiên thay khi báo cáo của Ernst & Young cho thấy, giải đua Formula E có thể giúp bán thêm 77 triệu xe điện, giúp giảm được 900 triệu tấn CO2 và 4 tỷ thùng dầu, giảm 30 tỷ USD do tác động của sự ô nhiễm không khí.
Richard Branson, ông chủ của đế chế Virgin, cũng cho rằng: “Tôi nghĩ trong vòng 3 hay 4 năm nữa, Formula E sẽ vượt qua Formula 1 về số lượng người xem, bởi xu hướng sử dụng động cơ sạch không chỉ ở thể thao mà còn ở các lĩnh vực khác. Vẫn còn sự phát triển cho Formula 1 trong vài năm nữa nhưng sẽ đến lúc Formula E vượt qua Formula 1.”

Dù Richard Branson đã nhìn thấy cơ hội hiếm có để giải trí với một môn thể thao có khả năng thay đổi thế giới trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhưng thật khó để chấp nhận một sự thật phũ phàng rằng Formula 1 – giải đua đẳng cấp ra đời vào những năm 1920-1930, thu hút hàng chục triệu người theo dõi mỗi cuộc đua trên khắp thế giới – sẽ phải chịu thế “chiếu dưới” so với “chú nhóc” Formula E mới chỉ tròn 5 tuổi, và việc các động cơ đốt trong sẽ bị loại bỏ khỏi cung đường đua là một dự đoán táo bạo, ngay cả đối với một người đàn ông hoàn hảo như Branson.

Hẳn nhiên, cơ sở cho những dự đoán táo bạo như vậy luôn là các luận cứ vững chắc được thể hiện và minh chứng qua những xu hướng mới trong một thế giới không ngừng biển đổi, mà sự chi phối của lớp người tiêu dùng thế hệ Y và Z là một hiện tượng không thể chối cãi. So với cộng đồng người hâm mộ có phần bảo thủ của Formula 1, người hâm mộ của Formula E thuộc thế hệ Y và Z có nhiều lợi thế hơn. Họ trẻ tuổi hơn, am tường công nghệ hơn và có ý thức với môi trường sống hơn. Trang fanpage của Formula E đang cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của 2 nhóm khán giả này, đặc biệt là nhóm khán giả thế hệ Z với mức tăng trưởng 347% kể từ khi kết thúc mùa giải trước. Lớp người trẻ tuổi này được xem là lực lượng lao động chính đồng thời là đối tượng tiêu dùng nòng cốt của thị trường toàn cầu với quyền lực mua sắm và nhu cầu giải trí chi phối cùng mối quan tâm đến chất lượng môi trường sống. Chỉ với chừng ấy tiêu chí, có vẻ như Formula E đang bắt đầu ung dung tận hưởng bữa tối thịnh soạn của mình…