Khi du khách muốn tìm về bản ngã và sẻ chia mối quan tâm đối với các vấn đề tương lai. 

Nếu đã từng xem bộ phim “Thảm họa sóng thần” (The Impossible) của đạo diễn Antonio Bayona dựa trên câu chuyện có thật của María Belón và gia đình cô qua chuyến du lịch nhân dịp Giáng sinh 2004 ở Khao Lak, Thái Lan để rồi phải ly tán trong trận động đất khủng khiếp, có thể bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, du ngoạn giờ đây không chỉ là trải nghiệm thăm thú đó đây, mà còn là dịp để mỗi chúng ta bồi bổ thêm kiến thức, thay đổi và hoàn thiện bản thân, nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình cũng như thế hệ kế tiếp.
Trải nghiệm để chuyển đổi
Du khách ngày nay đang ngày càng có xu hướng coi du lịch như một hình thức tự khẳng định và thay đổi bản thân. Điều họ mong muốn không chỉ là một chuyến du ngoạn đơn thuần để tham quan một địa danh mới, mà thay vào đó, họ có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm và khám phá thế giới theo một cách sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn.

Theo báo cáo Personal Fulllment Is the New Ultimate Luxury của Skift, ngày nay, trong lĩnh vực xa xỉ, mặc dù từ “độc quyền” không còn quá hấp dẫn và các mô hình mới được lấy cảm hứng từ các nguyên tắc như tính bền vững đang nổi lên, nhưng lớp người tiêu dùng khó tính nhất vẫn không ngừng muốn trải nghiệm những điều đặc biệt. Mặc dù các trải nghiệm đáng nhớ và tùy biến vẫn đóng vai trò quan trọng đối với lớp du khách này, nhưng giờ đây, sự thay đổi và hoàn thiện bản thân có được từ những trải nghiệm du ngoạn là điều được họ ưu tiên hơn cả.
Xu hướng này bắt đầu trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm và từ đó lan tỏa sang phân khúc cao cấp. Thuật ngữ này được phổ biến bởi Transformational Travel Council, một tổ chức do Jake Haupert và Michael Bennett lập ra vào năm 2016 với mục đích giúp người khác thay đổi cuộc sống của họ thông qua du lịch. Đó có thể là một chuyến leo núi, chuyến trải nghiệm homestay, khóa thiền định, một khóa học với nghệ nhân địa phương, hay công việc tình nguyện để hỗ trợ cộng đồng.

Điều này phản ánh một trào lưu rộng lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, Apple không bán phần cứng, mà cho thấy cam kết về một cách sống được tối ưu hóa hướng đến tương lai. Patagonia là một ví dụ khác của sự thay đổi này – hãng không bán quần áo, mà bán một đặc tính thể hiện niềm đam mê và trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường.
(Đọc phần 2 tại đây)