Theo báo cáo mới nhất của ITB Berlin & IPK International về lĩnh vực du lịch xa xỉ 2015, thị trường này đang tăng trưởng mạnh trên toàn cầu, bất chấp những khó khăn từ sự suy thoái kinh tế. Trong 5 năm qua, thị trường này đã tăng trưởng 48% với thị phần tăng từ 3,9% vào năm 2009 lên mức 4,6% vào năm 2014.

Thế nào là du lịch xa xỉ?

Thế giới xa xỉ bao gồm không gian sinh sống xa xỉ (home luxury), những tiện ích đi cùng (personal luxury) và dịch vụ xa xỉ (luxury of service). Và du lịch xa xỉ (Luxury travel) chính là một phần nằm trong phần dịch vụ xa xỉ mà khi nói đến, chúng ta luôn hình dung về những tiện nghi cao cấp cùng dịch vụ hoàn hảo.

Tuy nhiên, giờ đây, du lịch xa xỉ không còn là một khái niệm bó hẹp trong khuôn khổ các tiện ích cao cấp như khách sạn 5 sao ở khu nghỉ dưỡng Côte d’Azur trứ danh, nhà hàng Michelin giữa kinh đô ánh sáng với thực đơn sang trọng hay các dịch vụ đẳng cấp ở khu mua sắm nổi tiếng Ginza của xứ hoa anh đào, mà là sự trải nghiệm thú vị từ những chuyến du ngoạn đó, cho bạn cơ hội khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa khác nhau theo một cách thức rất riêng, rất đáng nhớ.

EC-02

Khác với khách du lịch đại trà thích đi theo đoàn, khách du lịch cao cấp thường đi riêng với nhau theo nhóm nhỏ với những yêu cầu và đòi hỏi cao như tính riêng tư, những trải nghiệm riêng biệt, độc, lạ, tốt nhất của điểm đến. Đối tượng của phân khúc này có thể được chia thành năm nhóm: Nhóm sang chảnh, thích thể hiện hình ảnh, thích những trải nghiệm điên, độc, lạ khiến người khác phải ngước nhìn và đây là nhóm truyền thống; nhóm khát khao muốn tận hưởng sự sang trọng khi có điều kiện; nhóm chuyên tìm kiếm những trải nghiệm mới khi có tiền, và phân khúc này đang tăng cao; nhóm lần đầu trải nghiệm tuần trăng mật; và nhóm khách lớn tuổi, sang trọng nhưng tiết kiệm, thích đi du lịch cùng gia đình.

Du lịch xa xỉ cho 1% người siêu giàu

Vài năm trước, Veryfirstto (www.veryfirstto.com), một trang web du lịch cao cấp ở Anh đã tung gói hành trình độc nhất vô nhị trị giá 275 ngàn đô-la dành cho một cặp đôi với chương trình khám phá ẩm thực trong sáu tháng tại 109 nhà hàng ba sao Michelin trên toàn thế giới. Cặp đôi có cơ hội thưởng thức những món ăn cao cấp nhất tại 12 quốc gia, bao gồm Lung King Heen ở Hồng Kông, Sushi Yoshitake ở Tokyo, Per Se ở New York và Le Meurice ở Paris, được lưu trú tại các khách sạn 5 sao nổi tiếng như Trump International (New York), Conrad (Tokyo), Hotel de Paris (Monte Carlo) và Claridge’s (Luân Đôn). Hợp tác cùng Hurlingham Travel, đơn vị này cũng đã bán gói nghỉ dưỡng trị giá 1,5 triệu đô-la cho một doanh nhân giàu có người Trung Quốc để đưa người này chu du tới 962 kỳ quan thế giới ở 157 quốc gia trong 2 năm với đặc quyền lưu trú tại những khách sạn hạng sang như Sandy Lane, Hotel George V , The Plaza New York, the Cipriani Venice, The Ritz-Carlton Moscow và Taj Mahal Palace Mumbai.

Các chuyến du ngoạn bằng phi cơ riêng đến những khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới như Porto Cervo – nơi giá phòng có thể lên tới mức 20.000 euro/đêm – cũng không còn là hiện tượng lạ trong giới siêu giàu. Ngay cả những hãng hàng không thương mại cũng khai thác phân khúc khách hàng cao cấp bằng cách tạo ra những trải nghiệm độc đáo, chẳng hạn như dịch vụ Emirates Executive của hãng hàng không Emirates với chiếc Airbus A319 dành để chuyên chở 19 khách VIP. Chiếc máy bay này được thiết kế tùy biến với hai khu vực nghỉ ngơi và ăn uống, mười phòng ngủ mini hạng nhất, spa cao cấp dành riêng cho hành khách siêu giàu… Tháng tư năm ngoái, Four Seasons tung ra gói dịch vụ bay vòng quanh thế giới bằng phi cơ riêng, theo đó, với chi phí 140 ngàn đô-la, du khách có cơ hội trải nghiệm hành trình độc đáo này qua 9 địa điểm trong 24 ngày từ Los Angeles, dừng chân ở nhiều địa danh và quốc gia nổi tiếng về du lịch như Bora Bora, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và điểm cuối cùng là Taj Mahal ở Ấn Độ.

EC-03

Theo báo cáo của ITB Berlin & IPK International, những chuyến du ngoạn xa xỉ là những chuyến đi có mức chi phí hơn 750 euro/đêm đối với kỳ nghỉ ngắn ngày và 500 euro/đêm đối với kỳ nghỉ dài ngày. Năm 2014, lĩnh vực này chứng kiến sự hiện diện của 46 triệu chuyến du ngoạn xa xỉ trên toàn cầu trị giá 172 tỉ euro. Nguồn khách cao cấp lớn nhất đối với thị trường này vẫn là Hoa Kỳ với 9,2 triệu chuyến du ngoạn xa xỉ, Trung Quốc với 6,9 triệu, theo sau là Nhật Bản, Canada và Úc. Ở châu Âu, khách Anh chiếm số lượng lớn trong phân khúc du lịch xa xỉ với 1,5 triệu chuyến, theo sau là khách Đức và Pháp.
Thị trường du lịch xa xỉ Nga, Nhật Bản và Mê-hi-cô cũng tăng trưởng mạnh trước năm 2013, nhưng trong năm 2014 lại suy giảm mạnh.

Theo Chỉ số Du lịch xa xỉ 2015 (The 2015 Luxury Travel Index) do Switchfly, Inc. công bố mới đây, châu Âu hiện vẫn là thị trường sôi động nhất thế giới với các điểm đến nổi tiếng như Milan, Athens, Frankfurt, Sao Paulo, Lisbon, Miami… Tuy nhiên, lần đầu tiên Seoul (Hàn Quốc) chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách những điểm đến lý tưởng dành cho du khách siêu giàu bên cạnh một số thành phố khác của châu Á như Tokyo, Singapore, Hồng Kông, và Bali. Trong khi đó, Việt Nam được nhiều tổ chức uy tín quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến mới nổi mà du khách không nên bỏ qua trong năm 2015.

Du lịch sang trọng ở Việt Nam

Trong khi du lịch xa xỉ trên thế giới đang cho thấy mức tăng trưởng ngoạn mục thì ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn, và theo ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel, một trong những công ty du lịch tên tuổi, lĩnh vực du lịch xa xỉ ở Việt Nam chỉ nên được gọi là du lịch sang trọng.

Gần như các công ty lữ hành lớn như Saigontourist, Fiditour, Bến Thành Tourist, Hòa Bình Tourist… đều có mảng du lịch sang trọng nhưng vẫn coi thị trường du lịch dành cho số đông là mảng kinh doanh chủ đạo và chỉ cung cấp dịch vụ cho mảng du lịch sang trọng khi có nhu cầu từ khách hàng. Có vẻ như du lịch Việt vẫn lấy số đông làm trọng chứ chưa thực sự quan tâm tới chất lượng dịch vụ, trong khi theo thống kê của ILTM, 3% khách du lịch hạng sang sẽ giúp mang về 20% tổng doanh thu du lịch, còn theo ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel, mức chi tiêu của một du khách sang trọng cao gấp 5 lần mức chi của khách bình thường, và dù quy mô của phân khúc du lịch sang trọng chỉ chiếm khoảng 3-10% lượng khách du lịch đến Việt Nam, nhưng lớp du khách này là những người có khả năng chi trả cao. Theo ông Hà, nếu trung bình một du khách bình thường chi 75-120 đô-la/ngày thì khách sang trọng chi tới 350-500 đô-la/ngày, trong một số ít trường hợp khách có thể chi tới 1000 đô-la/ngày.

EC-04

Luxury Travel có lẽ là một trong những công ty tiên phong hàng đầu Việt Nam khi dám tập trung nguồn lực để khai thác phân khúc rất hẹp này trong suốt 10 năm nay, kéo theo sự gia nhập của nhiều tên tuổi khác như Exotravel, Pheonix, Exotic Voyages…. Và để có được những thành quả như hiện nay, các đơn vị này đã không ngừng học hỏi đồng thời mạnh dạn tìm kiếm thị trường ngách mới bên cạnh các thị trường truyền thống của Việt Nam. Cùng với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn như Park Hyatt, Amanơi, Six Senses, Banyan Trees, The Nam Hai, nhiều thương hiệu du lịch tên tuổi khác như Alma, Abercrombie & Kent cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường Việt Nam. Và cuộc đua của những tay chơi trong lĩnh vực này dường như chỉ mới bắt đầu…

Khách du lịch cao cấp thường đi riêng theo nhóm nhỏ với những yêu cầu và đòi hỏi cao như tính riêng tư, những trải nghiệm độc, lạ, tốt nhất của điểm đến.