Một trong những vật dụng đầu tiên của nền văn minh cơ khí phương Tây được người Việt làm quen chính là cái đồng hồ. Khoảng cuối thế kỷ 16, khi bắt buộc phải ra mắt các quan trấn thủ ở các thương cảng lớn như Hội An hay Phố Hiến, thì trong mấy hộp quà nửa biếu nửa hối lộ của các thương gia Hà Lan hay giáo sĩ người Bồ bao giờ cũng có một chiếc Sa lậu hoặc Tự minh chung (đồng hồ cát và đồng hồ chạy cót). Ngoài công năng đo đếm thời gian, mỗi chiếc đồng hồ đó, hoặc vỏ bọc bạc ròng hoặc bằng gỗ quý được chạm khắc tỉ mỉ, xứng đáng là những kiệt tác trang sức. Nó hoàn toàn được chế tác thủ công, vừa tinh tế mỹ thuật, vừa độc đáo cầu kỳ.
Cho tới khi người Pháp đô hộ xong nước ta (chừng đầu thế kỷ 20) thì thói quen dùng đồng hồ đếm theo hệ dương lịch đã hẳn hoi trở thành nếp văn hóa sinh hoạt của nhiều thị dân có tiền. Thậm chí có những thời, đồng hồ còn là tiêu chí để định giá trị chính người đeo nó. Thời Hà Nội bao cấp, đang sắp sửa loạng choạng đổi mới, trong đám thiếu nữ trung lưu loay hoay kén chồng có truyền khẩu một bài đồng dao mà mở đầu là “Một yêu anh có Sen-kô. Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng”. Peugeot “cá vàng” là cái xe máy, còn Seiko là đồng hồ Nhật. Đại loại, đây là hai thứ hàng hiệu tối tân của thời trong trắng vất vả, có sứ mệnh tiên phong đi chinh phục trái tim hôn nhân của vô số người đẹp.
Thực ra trước thời “xài” đồng hồ Nhật, ở các đô thị lớn vẫn lác đác có những thương hiệu “khủng”, cỡ như Rolex, Omega hay Longines. Tất nhiên, đây là những thứ trang sức tuyệt phẩm xa xỉ, thường chỉ thấy ở đám tư sản cũ còn giấu được một ít của chìm. Hoặc ở những cán bộ nhà nước mới phất kiểu như thủ kho hay cửa hàng trưởng cửa hàng quốc doanh mậu dịch. Còn lại phần đông những người tàm tạm có tiền đều dùng đồng hồ Nga. Quý ông đeo Poljot, quý bà đeo Slava. Một phần là bởi tâm lý mà như nhà thơ Việt Phương rưng rưng mô tả “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy sĩ. Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”. Một phần là hầu hết đông hồ Nga đều nặng nề mạ một một lớp vàng thật.
Đám “phe phẩy” chuyên nghiệp ở chợ trời, ở Cửa Nam đều thành thạo phân kim (thuật ngữ trong nghề gọi là ăn vỏ). Lấy lớp vàng dầy ra, sau đấy mạ lại bằng một lớp mỏng hơn, rồi bán nguyên giá cho những tay đàn ông hãnh tiến mới kiếm được tiền. Và không hiểu sao, phần lớn đám đàn ông đeo đồng hồ “ăn vỏ” này luôn thích bọc răng vàng. Khi ở chỗ đông người, đặc biệt có sự hiện diện của phụ nữ, bọn họ thường vô cớ cười tươi. Kha khá nhiều quý cô con nhà tử tế đã xao lòng trước những nụ cười lấp lánh một mầu vàng quyến rũ ấy. Ngày nay mốt trang sức bịt răng vàng bị coi là kệch cỡm khoe của nên thất truyền. Hà Nội giờ đây bỗng dưng như vô cảm, ra ngoài đường chỉ thấy nhan nhản đàn ông làm vẻ cao đạo sành điệu ngậm miệng.
Đồng hồ bây giờ mênh mông đủ loại, đám trẻ “tin tin” ưa nhất là loại điện tử hiện số. Nó rẻ, nó tiện, nó là thứ phù phiếm trang trí. Mong manh chỉ còn vài người đứng tuổi biết dùng đồng hồ như một trang sức tinh tế, họ trân trọng nuối tiếc thời gian. Có phải vậy chăng mà người Việt hôm nay dù đã dư dật tiền, nhưng vẫn vắng hẳn một giới thượng lưu quý tộc.