Tất nhiên, những thị dân quen sống ở phố mà biết đọc sách thì đã có từ rất lâu, kể cả lúc tuyệt chưa có cái kiểu “ngày văn hóa đọc” ồn ào như bây giờ. Để giải trí tinh thần thì ở hồi bao cấp, chẳng có gì vừa rẻ tiền vừa cao nhã bằng đọc sách.
Cũng thời trong trắng ấy, đi đến phố nào cũng dễ dàng thấy cái cảnh một lũ trẻ con xúm xít bên nhau tranh giành đọc một quyển sách nào đó. Bọn trẻ mắt hau háu, và giữa những cái đầu căng thẳng húi cua con trai, luôn nổi lên một mái tóc “hỉ nhi” của con bé chủ cuốn truyện. Thường đó là một con bé mặt bầu bĩnh bướng bỉnh. Nó ích kỷ ghì hai tay giữ trang sách không cho bọn xem cùng được lật. Rồi nó dở trò “nhem, nhem” lúc đọc nhanh lúc đọc chậm, làm cho bọn đọc ké xót xa vô cùng, cho dù tất tật chúng nó đều đã đọc đi đọc lại cuốn đó không dưới trăm lần. Để đỡ thèm, bọn trẻ bắt một thằng có vẻ đọc nhiều, ngồi quanh cột đèn kể chuyện. Thằng này gầy gò học giỏi, nổi tiếng “mọt sách”. Thằng này sẽ kể lại tiểu thuyết Tàu qua những lần đọc trộm nhẩy cóc từ tủ sách của bố nó mà ông ấy cẩn thận giữ hơn giữ vàng. Có buổi những buổi tối mất điện, hứng lên, thằng này còn liều lĩnh bịa ra những đoạn truyện của Nga của Pháp mà nó hóng hớt lại từ anh từ chị. Chính vì thế khi đã từng trải thăng trầm có tuổi, cái thằng đấy sẽ loay hoay lớn thành nhà văn nhà báo hay đạo diễn phim truyện. Chúa ôi, không biết bao lần cái thói quen lê la đọc sách ở vỉa hè đã âm thầm nuôi dưỡng cho văn nghệ Thủ Đô những khuôn mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Cố nhiên, đô thị luôn đủ mọi hạng người, nên độc giả ở phố cũng muôn màu muôn vẻ. Họ có thể là thầy giáo đang phải dạy học, lại có thể là sinh viên năm cuối đang bị vào mùa thi cử. Hoặc có thể là nghiên cứu viên của một viện khoa học đang “trúng mánh” làm công trình tổng tập hoành tráng. Nhìn cách họ đọc là biết ngay, nôn nóng ngấu nghiến nuốt chữ. Họ muốn trong một thời gian ngắn nhất làm chủ một khối lượng kiến thức đồ sộ nhất. Nhìn họ “nhai” sách bỗng rờn rợn, bởi đơn giản đọc sách nhiều khi chỉ là một cái thú, nó lâng lâng nhè nhẹ đem lại một viên mãn vô tư khoái cảm. Thậm chí ở những người tinh tế và tử tế, đọc sách là một thao tác tao nhã để sâu xa nghĩ rồi thưởng thức những trải nghiệm sống. Nó vĩnh viễn tuyệt không là một sự chiếm hữu. Đọc sách chưa bao giờ là trực diện mưu sinh hay khua múa khoe khôn.
Hình như vì thế mà cái cảnh cảm động nhất vẫn là được thấy thị dân đọc kiếm hiệp. Sau khi Sài Gòn giải phóng, chuyện “chưởng” đủ loại vũ bão tràn ra Bắc. Khắp các vỉa hè Hà Nội nhan nhản nam phụ lão ấu, tóc tai bơ phờ mắt mọng đỏ vì mất ngủ, đang vùi đầu nốt vào cuốn sách có bìa sặc sỡ vẽ một cặp nam nữ múa kiếm. Bọn họ vừa đọc vừa thỉnh thoảng lấy tay nhấp nhấp những tờ còn lại. Quái quỉ, sao mà nó hết nhanh thế. Thật khác xa cái kiểu đọc bây giờ, người ta chỉ nhanh nhanh chóng chóng sốt ruột muốn đọc cho xong.
Mươi năm gần đây, vô số học giả có vẻ tài lẫn lộn đức, tâm huyết lo lắng về văn hóa đọc. Thật là một nỗi lo “hơi bị” sang trọng. Thao tác đọc sách giống như mọi thao tác của tình yêu, nó trong veo thong thả thầm thì, nồng nàn mà không ồn ào. Vượt qua phù phiếm thăng trầm đám đông, những thị dân biết đọc chẳng bao giờ là hết.