Trong năm 2017, thị trường xa xỉ phẩm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới trước sự thay đổi nhanh chóng trong thị hiếu của người tiêu dùng. Các thương hiệu buộc phải tìm ra giải pháp để cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân của công nghệ với yếu tố truyền thống; giữa việc thấu hiểu hành vi khách hàng và tận dụng điều đó một cách hợp lý; giữa kỳ vọng của các nhóm khách hàng khác nhau không chỉ trên phạm vi địa lý, mà còn thuộc về thế hệ.
Nếu không làm được, nhiều khả năng họ phải nếm trải thất bại – chưa hẳn vì tình trạng bất ổn trong môi trường kinh tế vĩ mô và địa chính trị, dù đây là yếu tố không thể xem nhẹ, mà vì không bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thế giới. “Làm một cái gì đó mới mẻ” không còn là điều kiện tiên quyết để thành công, thay vào đó là “làm được gì với những thành tựu đã có”, bởi việc tiếp cận và nắm bắt khách hàng mới đem lại cơ hội lớn nhất.
Đó là kết luận từ nhóm lãnh đạo cấp cao của các thương hiệu cao cấp danh tiếng như Giám đốc điều hành Ralph Lauren, Calvin Klein, Gucci, Carolina Herrera, Oscar de la Renta, Chloe và Jimmy Choo,… tại hội thảo về thị trường xa xỉ phẩm trong năm 2017 được tổ chức bởi tờ The New York Times. Buổi nói chuyện còn có sự xuất hiện của Denis McDonough, chánh văn phòng Nhà Trắng; Penny Pritzker, bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ; Meridith Valiando Rojas, người sáng lập của DigiFest; và Al Gore, cựu phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Các cuộc thảo luận nêu ra những thách thức nội tại của ngành công nghiệp, khi nghiên cứu thường niên của Bain & Company dự đoán tốc độ tăng trưởng của thị trường xa xỉ toàn cầu chỉ từ 3-4% trong năm 2017, thấp hơn nhiều mức tăng trên hai con số hồi đầu những năm 2010.
Dù chính sách hạn chế quà tặng nhằm kiềm hãm tham nhũng của Trung Quốc đi vào hoạt động vào năm 2014 và sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng châu Á được xem như nguyên nhân chính khiến thị trường khựng lại; nhưng bảng báo cáo này xác định, sự bùng nổ của kỹ thuật số dẫn đến nhịp độ biến đổi quá nhanh cộng với sự cần thiết phải điều chỉnh lại mối quan hệ giữa công nghệ và xa xỉ mới là các vấn đề quan trọng nhất trong năm tới, chứ không liên quan đến yếu tố địa lý và sản phẩm.
Các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng người tiêu dùng, từ đó tác động đến sản xuất và chuỗi cung ứng; ngược lại cũng đặt ra thách thức về an ninh mạng và thu thập dữ liệu. “Facebook không phải là mặt trận duy nhất, đặc biệt khi muốn tiếp cận với đối tượng người tiêu dùng mới, nhóm khách hàng trẻ hơn, những người ‘thống trị Internet’, thị hiếu thay đổi liên tục và khá ác cảm với hình thức tiếp thị truyền thống”, bà Valiando Rojas, sáng lập viên Digital Tour Group, tập đoàn dẫn đầu về mảng tổ chức sự kiện trực tiếp cho giới trẻ, nhận định.

Thị trường xa xỉ toàn cầu ngày càng gắn liền với yếu tố “kết nối”

Trong khi đó, phương pháp thu thập dữ liệu vốn đang được các thương hiệu cao cấp tán dương, đang tập trung vào việc kết nối thông minh với chuỗi bán lẻ để phục vụ cho nhóm khách hàng thường xuyên đi du lịch tốt hơn, cũng ẩn chứa mối đe dọa nếu không được giám sát cẩn thận: Mọi người muốn được nhận ra, nhưng không phải theo kiểu theo dõi một cách máy móc. Chính vì thế, làm thế nào để thêm “linh hồn” vào thế giới ảo là câu hỏi hóc búa cho tất cả các nhãn hàng xa xỉ.
Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp phải xác định và đáp ứng thị hiếu của từng khách hàng dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà không khiến họ cảm thấy bị làm phiền dai dẳng. Tuy bất cứ ai cũng có thể kết nối xuyên biên giới thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng rất khó để kiểm soát tất cả. Do đó, việc tạo ra và duy trì những cộng đồng dựa trên nền tảng thương hiệu là vô cùng cần thiết để giữ chân khách hàng thân thiết.
Ngày nay, công nghệ phải ngày càng phát triển để “cải thiện hiệu quả và giảm đi độ phức tạp”, nhưng nó còn cần kết nối dễ dàng hơn với con người, giúp họ định hình tương lai của ngành công nghiệp. Bởi, “hợp tác” và “sáng tạo” không chưa đủ, nếu thiếu “kết nối”, mọi sự cố gắng đều vô nghĩa.