Nếu như trước đây, du khách mơ ước được dừng chân trong những khách sạn sang trọng với lịch sử lâu đời thì ngày nay, boutique hotel lại trở thành lựa chọn ưu tiên trên hành trình khám phá thế giới.
Biên niên sử boutique hotel
Boutique hotel là một khái niệm có xuất xứ từ hoa Kỳ và Anh, được dùng để chỉ một loại khách sạn quy mô nhỏ trong khoảng 10-100 phòng, được bài trí theo một phong cách đặc biệt với các tiện ích cao cấp. Thuật ngữ này lần đầu tiên được Steve Rubell đưa ra vào năm 1984 khi gọi khách sạn Morgans do ông và Ian Schrager sở hữu là “boutique”.
Các khách sạn boutique này bắt đầu xuất hiện vào những năm 1980 tại nhiều thành phố lớn như Paris, Luân Đôn, New York và San Francisco. Đa số các khách sạn boutique đều mang phong cách trang trí độc đáo, đậm tính nghệ thuật và tinh tế. Hơn nữa, mỗi phòng trong khách sạn boutique có thể được thiết kế theo chủ đề, phong cách hoặc cảm hứng chứ không đồng nhất như các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng thông thường. Chính vì thế, đối với phần lớn du khách, khách sạn boutique luôn mang lại cảm giác ấm cúng, bình yên như ở nhà chứ không phải là cảm giác xa lạ như những khách sạn sang chảnh mang lại. Bên cạnh việc chú trọng đến cách tạo ra trải nghiệm cá nhân, các khách sạn boutique độc lập cũng linh hoạt hơn để đáp ứng nhanh chóng với sự thay đổi của động lực thị trường so với các chuỗi khách sạn truyền thống quy mô.

Boutique hotel chú trọng trải nghiệm cá nhân và linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng

Làn sóng đầu tư vào khách sạn boutique bắt đầu lan mạnh trong những năm gần đây, khi công nghệ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống lớp khách hàng thế hệ Millennial cho thấy sự ưu tiên của họ đối với các giá trị trải nghiệm. Theo hãng nghiên cứu IBISWorld, với chỉ khoảng 5% thị phần, ngành công nghiệp khách sạn boutique đã tăng trưởng 6.1% mỗi năm kể từ năm 2009 và dự kiến ​​ sẽ tăng tốc vào năm 2019.
Tại Hoa Kỳ, New York được xem là một trung tâm quan trọng cho phân khúc khách sạn boutique, đặc biệt là Manhattan. Nhiều thành viên của ngành công nghiệp khách sạn theo đuổi xu thế “no-frill chic” của người tiêu dùng, một khái niệm nói về các sản phẩm/dịch vụ giá thấp nhưng được thiết kế và bổ sung các chi tiết độc đáo với chất lượng cao để tạo ra trải nghiệm thú vị cho người mua. Và theo đó, xu hướng này lan rộng đến nhiều thành phố lớn trên thế giới như Luân Đôn, Miami, Los Angeles và gần đây là Hồng Kông, Singapore… Tại Singapore, các khách sạn boutique đang có xu hướng “nẫng” khách hàng từ các chuỗi khách sạn quốc tế do họ biết cách chú trọng vào các dịch vụ tùy biến, kiến ​​trúc độc đáo, thiết kế và bài trí ấn tượng nhằm thu hút khách du lịch thế hệ Millenial – những người muốn tìm kiếm trải nghiệm văn hoá đích thực. Chẳng hạn, khách sạn boutique Naumi được thiết kế như một ngôi nhà riêng vô cùng thân thiện và ấm cúng, nhưng các tiện ích thì vô cùng độc đáo, từ hồ bơi vô cực và AirPlay, phương thức truyền tải không dây của Apple TV, cho đến một căn phòng chuyên biệt cho phép du khách thưởng thức những món đồ trong thế giới cổ điển của Coco Chanel. Một thống kê mới đây cho thấy, ba trong số năm khách sạn hàng đầu của Singapore được liệt kê trên TripAdvisor là các khách sạn boutique.

Khách sạn boutique tuy nhỏ nhưng sức hút không hề thua kém các “ông lớn” trong ngành

Đứng trước nguy cơ mất thị phần vào tay các khách sạn boutique “nhỏ nhưng có võ”, nhiều tập đoàn khách sạn tên tuổi trên thế giới đã buộc phải đầu tư cho các thương vụ M&A để thâu tóm các đối thủ đồng thời mở rộng địa hạt của mình. Đầu năm 2015, InterContinental Hotels Group (IHG), thương hiệu khách sạn lớn nhất thế giới, đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Kimpton, chuỗi khách sạn boutique được nhiều khách du lịch yêu thích. Vào tháng 5/2016, Tập đoàn SBE đã mua lại khách sạn boutique Morgan Hotel với giá 794 triệu USD. Cuối năm, Tập đoàn khách sạn AccorHotels mua lại 30% cổ phần từ chuỗi khách sạn boutique 25hours Hotels của Đức với giá 39 triệu USD.
Khách sạn boutique tại Việt Nam: trào lưu mới
Có lẽ, khái niệm boutique hotel ở Việt Nam không quá mới đối với những người làm việc trong ngành khách sạn bởi trên thực tế, mô hình này đã xuất hiện rải rác và chủ yếu nhắm vào nhóm du khách nước ngoài. Theo quan sát của Robb Report, với quy mô nhỏ và tính linh hoạt cao cũng như việc chú trọng vào chất lượng dịch vụ để mang đến trải nghiệm đáng nhớ cho du khách, khách sạn boutique hoạt động khá hiệu quả nếu so với các khách sạn quy mô lớn. Tại TP.HCM, những khách sạn boutique như Villa Song Saigon (quy mô 23 phòng), Ma Maison Boutique Hotel (8 phòng), An Lam Saigon River (19 phòng), The Alcove Library Hotel (26 phòng), Little Saigon Boutique hotel (18 phòng)… luôn kín khách.

An Lam Saigon River là một trong các khách sạn boutique hoạt động hiệu quả

Trước xu thế khách du lịch gia tăng mạnh cũng như tác động từ công nghệ số như các platform chia sẻ nhà ở Airnbnb, các trang đặt phòng trực tuyến như Agoda.com, Booking.com… dịch vụ lưu trú tại Việt Nam cũng đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong năm 2016, Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó, có hàng triệu khách du lịch trong nước đến nghỉ dưỡng tại các địa điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước. Việt Nam cũng là nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế, nhu cầu về cơ sở lưu trú ngày một gia tăng, đặc biệt là đối với lớp khách hàng trẻ tuổi không cần phải chi một khoản tiền quá lớn cho dịch vụ lưu trú nhưng vẫn có được những trải nghiệm đáng nhớ.
Theo quan sát của Robb Report, bên cạnh mô hình condotel (căn hộ khách sạn), trên thị trường mới xuất hiện mô hình boutique hotel. Nếu xét về hình thức, khái niệm các boutique hotel ở Việt Nam có nét tương đồng với mini hotel, và đôi khi còn được so sánh với homestay – những loại hình khách sạn tư nhân mọc lên như nấm trên khắp cả nước. Tuy nhiên, xét về quy mô và chất lượng dịch vụ, các boutique hotel cho thấy sự khác biệt lớn. Và có thể nói, gần như các khách sạn boutique này đều là điểm đến của du khách Tây, trong khi phần lớn du khách Việt vẫn có thói quen đặt phòng tại các khách sạn mini hoặc các khu nghỉ dưỡng.
Nếu tìm kiếm trên Tripadvisor, bạn có thể lọc được một danh sách dài các khách sạn boutique trải khắp cả nước, chủ yếu ở các địa điểm du lịch nổi tiếng được khách nước ngoài ưa thích như Sapa, Hội An, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM và Hà Nội.

Phú Quốc Waterfront lấy cảm hứng từ thủ đô Paris hoa lệ

Mới đây, mô hình boutique hotel trong dự án Cocobay đã được Empire – chủ đầu tư của hai khu nghỉ dưỡng 5 sao Naman Retreat và Naman Residences – giới thiệu ra thị trường như một kênh đầu tư hiệu quả. Theo cam kết của chủ đầu tư, khi mua sản phẩm của dự án đình đám này, khách hàng được cam kết cho thuê lại với chính sách chia sẻ với lợi nhuận hấp dẫn 80:20 trong 50 năm, trong đó tỷ suất sinh lợi cam kết tối thiểu 12,5%/năm trong 8 năm đầu cùng 80% lợi nhuận từ việc cho thuê khách sạn boutique. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được nghỉ tại khách sạn của mình với tiêu chuẩn nghỉ 15 đêm tòa/năm, tương đương 150-300 đêm phòng/năm đồng thời được quy đổi đêm nghỉ tại hệ thống Empire. Ba khách sạn boutique trong chuỗi Boutique Hotels của Cocobay bao gồm Muze Cocobay Đà Nẵng, Bisou Cocobay Đà Nẵng và Latido Cocobay Đà Nẵng đang sẵn sàng để mở cửa đón khách vào tháng 7 và tháng 8 năm nay.
Tại Phú Quốc, dự án Phú Quốc Waterfront cũng thu hút sự quan tâm của thị trường khi tung ra 142 căn khách sạn boutique có diện tích từ 70m2 – 145m2, mặt tiền từ 5m – 6m, bàn giao hoàn thiện “chìa khóa trao tay” từ mặt ngoài, nội thất cơ bản đến hạ tầng hoàn chỉnh. Mỗi căn Boutique Hotel đều có hai mặt tiền, phía trước mỗi căn nhà có lối kiến trúc thống nhất, tạo nên một nét đẹp tổng hòa, lãng mạn như các căn nhà tại thành phố Paris hoa lệ.