“Trong khi thị trường luôn là nơi phản ánh sự biến động tiền tệ, chính trị và tất cả những gì liên quan đến đời sống của con người thì điều khiến tôi ngạc nhiên là thị trường nhiếp ảnh lại phục hồi mạnh mẽ suốt một thập niên qua”, Michael Hoppen, người sáng lập phòng tranh mang tên mình tại Luân Đôn, cho biết.
Ông là một trong 160 đại diện tham dự triển lãm Paris Photo lần thứ 21 diễn ra vào đầu tháng 11 năm ngoái tại Grand Palais, Paris (Pháp). Theo Roman Kraussl, chuyên gia về Alternative Investment (đầu tư dựa trên nhiều loại tài sản khác nhau bên cạnh những loại đầu tư thông thường như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt) tại University of Luxemburg School of Finance, nhận định của Hoppen được bảo chứng bởi một công trình phân tích về thị trường ngách này. “Là chuẩn đối sánh cho nhiều hạng mục tài sản khác, các tác phẩm nhiếp ảnh đang trở thành hình thức đầu tư thông minh”, Kraussl nhận xét.

‘Pantheon, Rome’ – một tác phẩm nổi tiếng của Thomas Struth

Bất kể sự suy giảm của thị trường nghệ thuật nói chung, doanh thu từ mảng nhiếp ảnh tại các phiên đấu giá đã cán mốc 72 tỷ USD trong năm 2016, trong đó, 31.6 tỷ thuộc về tam đại gia là Phillips, Christie’s và Sotheby’s. Theo hãng phân tích nghệ thuật ArtTactic có trụ sở tại Luân Đôn, năm 2016, doanh số của mỗi một hãng đấu giá trong tam đại gia này lần lượt là 12.78, 10.67 và 8.17 triệu USD. Mức doanh thu này được “gia cố” bởi sự gia tăng nguồn cầu đối với các tác phẩm nhiếp ảnh đương đại và đây cũng là lần đầu tiên nhu cầu về loại hình nhiếp ảnh này áp đảo nhu cầu đối với các tác phẩm nhiếp ảnh hiện đại nếu tính về doanh số.
Trong số các tác phẩm đắt giá nhất có thể kể đến các bức ảnh của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới như Thomas Struth, Andreas Gursky, Gilbert & George, Helmut Newton, Robert Mapplethorpe và Cindy Sherman.
Nhà sáng lập ArtTactic, Anders Petterson, dự báo thị trường nhiếp ảnh sẽ tăng trưởng tốt vì nguồn cầu đối với các tác phẩm nhiếp ảnh tiếp tục lan rộng sang các cửa hàng trực tuyến cũng như hệ thống cửa hàng kinh doanh.
Theo Anders, ba hãng đấu giá tên tuổi nói trên đã tận hưởng mức tăng trưởng 21.9% so với cùng kỳ cuối năm 2016, và Philipps vẫn duy trì được vị thế dẫn đầu của mình trong nửa đầu năm 2017.Trong khi doanh số của các tác phẩm nhiếp ảnh “blue chip” gây ấn tượng với thị trường thì phần lớn các tác phẩm nhiếp ảnh tại nhiều hãng đấu giá chỉ có mức giá dưới 50.000 USD. Ví dụ, tại Philipps, 45.6% các tác phẩm nhiếp ảnh được bán trong năm 2016 đều có giá bán dưới 10.000 USD, biến hãng đấu giá này thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sưu tập – những người đang bắt đầu gia nhập thị trường với mong muốn giảm thiểu rủi ro nhưng vẫn có thể sở hữu những tác phẩm chất lượng.

Tác phẩm ‘Tatjana Patitz for Jil Sander’ trúng lớn với giá 304.204 USD

“40% người mua ảnh tại New York là các tân binh trên thị trường nhiếp ảnh, và đây là tín hiệu đáng mừng”, Vanessa Hallett, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ và toàn cầu của Phillips, chia sẻ. Bà cho biết thêm rằng hãng này cũng đang ăn nên làm ra tại khu vực châu Á, một thị trường khá tiềm năng. Tháng 11.2016, Phillips Hồng Kông đã “trúng đậm” với bức ảnh Tatjana Patiz for Jil Sander (1992) của nhiếp ảnh gia thời trang người Anh Nick Knight – có giá bán 304.204 USD so với mức dự đoán 53.800 – 79.500 USD.
Vanessa Hallett gắn sự thành công của Philipps trong việc thu hút các khách hàng mới với danh tiếng không ngừng tăng cao của hãng trên thị trường, bởi mức giá vừa phải. Chẳng hạn, bức ảnh Girl with a Bamboo Earings (2009) của Awol Erizku được bán giá 52.500 USD so với mức kỳ vọng 12.000 – 18.000 USD. Hallett cho rằng, thương vụ này không chỉ đánh dấu màn ra mắt ấn tượng của nghệ sĩ trẻ 29 tuổi người Mỹ gốc Ethiopia, mà còn cho thấy sự gia tăng số lượng các tác phẩm có giá bán kỷ lục tại hãng đấu giá kể từ 2015 trong hạng mục Tác phẩm nhiếp ảnh, và cho đến cuối năm 2017, con số này là 40.
“Vẻ đẹp của nhiếp ảnh không chỉ nằm ở tính hấp dẫn của nó”, Emily Bierman, trưởng bộ phận các tác phẩm nhiếp ảnh tại Sotheby’s, nói. “Tuy nhiên, thực tế rằng bạn có thể mua một tuyệt tác nhiếp ảnh theo cách đặc biệt so với khi mua một bức tranh đã và đang khiến cho nhiếp ảnh trở thành một đối tượng hoàn hảo cho các nhà sưu tập”. Bierman lưu ý rằng mặc dù các mức giá giữa hai loại hình nghệ thuật này có thể có sự khác biệt đáng kể, nhưng khoảng cách này đang bắt đầu bị thu hẹp.

Mức độ quan tâm đối với các tác phẩm nhiếp ảnh đương đại ngày càng tăng

Theo Bierman, trong vài năm qua, Sotheby’s đã chứng kiến mức độ quan tâm ngày càng tăng đối với các tác phẩm nhiếp ảnh đương đại. Sự gia tăng rõ rệt về nhu cầu này đã khích lệ Sotheby’s mạnh dạn tổ chức phiên đấu giá các tác phẩm nhiếp ảnh thời hậu chiến và đương đại vào mùa thu 2016. “Mùa thu 2017, chúng tôi cảm thấy mình đã định vị rất tốt để tiếp tục các chương trình như thế này với những bức ảnh cực kỳ ấn tượng, bao gồm 49 bộ ảnh từ Steven và Ann Ames Collection”, Bierman nói khi đề cập đến phiên đấu giá của hãng vào ngày 28 tháng 9, mang lại 2.486.125 USD so với mức kỳ vọng từ 2.099.00 – 3.162.000 USD cho 93 lô tác phẩm. Từ ngày 5 đến ngày 18 tháng 12.2017, Sotheby’s đã chào bán 5 bức ảnh từ bộ sưu tập Ames Collection, trong số đó có bức Todai-Ji, Daibutsu-Den-Nara (1996) của Thomas Struth, ước tính có giá bán khoảng 30.000 đến 50.000 USD.
Darius Himes, Trưởng bộ phận các tác phẩm nhiếp ảnh quốc tế tại Christie’s New York, cho rằng thị trường nghệ thuật đang chứng kiến sự gia tăng về mối quan tâm đối với các tác phẩm nhiếp ảnh thời hậu chiến và đương đại. Sự xuất hiện của những bộ sưu tập các tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc trên thị trường tất nhiên tạo nên xung lực mới. “Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta có thể kể câu chuyện thú vị đằng sau bộ sưu tập cũng như người sưu tập”, Himes nói và dẫn chứng về nhiều lô hàng mới tại Christie’s, trong đó có hai bộ sưu tập của một chủ sở hữu và một bộ sưu tập khủng gồm 400 tác phẩm hiện đại đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York (MoMA).
Bộ sưu tập khủng này được bố trí trong 7 kỳ giới thiệu, phiên cuối cùng được tổ chức vào tháng 4 vừa qua. MoMA cũng trưng bày tác phẩm của những người nổi tiếng như Henri Cartier-Bresson, Ansel Adams và Man Ray – nhiếp ảnh gia vĩ đại người Mỹ với kỷ lục đấu giá cho bức Portrait of a Tearful Woman (1936) vào tháng 5.2017 tại Christie’s ở mức 2.167.500 USD so với kỳ vọng 400.000 – 600.000 USD.

Triển lãm Paris Photo lần thứ 21 diễn ra vào đầu tháng 11/2017 tại Grand Palais, Paris (Pháp)

“Đối với tôi, điều làm nên giá trị cho các tác phẩm nhiếp ảnh chính là khả năng phản ánh cuộc sống của loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật số” Hoppen nói. Tuy nhiên, theo ông, chúng ta hãy thử tắt màn hình máy tính hay điện thoại thông minh và chiêm bái chúng một cách trực tiếp tại các triển lãm ảnh danh tiếng như Paris Photo để hiểu thêm về thế giới của các tác phẩm nhiếp ảnh.