Dòng máu của cướp biển vẫn chảy trong huyết mạch của vùng đất Gotland, Thụy Điển. Từ những ngôi mộ của thủy thủ nằm sâu dưới những con phố ở Visby cho tới tàn dư của xưởng tàu Norse, nơi những con tàu thân dài được đóng cách đây cả ngàn năm, dường như dấu tích của ngành hàng hải xa xưa vẫn còn in dấu. Cư dân nơi đây từng có một đời sống thịnh vượng nhờ nghề buôn sáp ong và lông sóc, rồi dần chuyển sang nghề đánh cá với những con thuyền ngang dọc qua các hòn đảo nhỏ rồi trở về đất liền trên một hành trình kéo dài chừng 56 hải lý.


“Cư dân Gotland luôn sống nhờ biển cả” - Johan Hallén - người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này - cho hay. 15 tuổi, chàng thanh niên đã biết sửa tàu đánh cá rồi gia nhập lực lượng hải quân chỉ một thời gian sau đó. Johan trải qua 3 năm quân ngũ trong vai trò chỉ huy lực lượng quản lý tàu chiến. Ngày nay, Johan là trưởng bộ phận kỹ thuật, đồng thời là nhân viên kỳ cựu bậc nhất tại J Craft - một hãng tàu lâu năm với dòng Torpedo dài 12m thường xuyên hiện diện ở vùng French Riviera.


Björn Jansson lập nên J Craft vào năm 1999 với mục tiêu tạo nên một du thuyền ấn tượng lấy cảm hứng từ dòng Riva Aquarama từng rất thịnh hành vào những năm 60 của Thế kỷ 20. Ông muốn tạo ra các dòng sản phẩm dùng gỗ dái ngựa cho phần thân trên cùng phần thân bằng sợi thuỷ tinh với khả năng vượt qua những vùng biển Ban tích khắc nghiệt. Vào năm 2000, Jansson cùng Johan và một nhóm nghệ nhân cùng các thợ mộc trong vùng đã ra mắt chiếc J Craft đầu tay mang tên Polaris dành cho Vua Carl XVI Gustaf của Thuỵ Điển. Tính từ đó đến nay, hãng chỉ cho ra mắt 29 du thuyền theo đúng tiêu chí “chọn mặt gửi vàng”. Một số mẫu đáng chú ý gồm có Bourik, Dilbar, Tonic Express, Pink Gin....Tuy nhiên, phần lớn trong số 29 chiếc nói trên là dòng du thuyền cỡ nhỏ dùng để vi vu cuối tuần. Mỗi dự án đều đòi hỏi 9000 giờ làm việc với 20 lớp sơn trên lớp gỗ dái ngựa từ miền Tây của Phi châu. Để hoàn thành du thuyền, phải có sự chung tay của 12 nghệ nhân với tổng cộng 223 năm kinh nghiệm.



Những tấm gỗ cắt dở được xếp đầy trong một nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông - nơi có cả xưởng sơn và xưởng chế tác du thuyền.


Nhìn từ đường phố, xưởng chế tác thân du thuyền.tàu ủa J Craft có hình thù như một gara xe hơi khép kín. Bên trong xưởng, mùi sơn mới hoà cùng mùi gỗ quý lan toả khắp mọi nơi. Tuy nhiên, không có quá nhiều tiếng ồn của máy móc cơ khí. Chiếc Torpedo số 22 dành cho thị trường Mỹ đang nằm trong xưởng với rất nhiều dây rợ đang chạy dở dang. Chung quanh con tàu đóng dở, một nhóm thợ đang đánh bóng lớp gỗ bằng giấy nhám. Bên cạnh đó, một chiếc Zens đã được hoàn thiện để phục vụ cho việc cho thuê trú ẩn qua mùa Đông băng giá. Những tấm gỗ cắt dở được xếp đầy trong một nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông - nơi có cả xưởng sơn và xưởng chế tác thân du thuyền. Năm 2008, J Craft chính thức ra mắt phương pháp bơm chân không trong chế tác du thuyền nhằm tăng độ chính xác trong quá trình sản xuất và nâng cao khả năng bảo vệ môi trường.


Tuy nhiên, điểm thú vị là cho đến ngày nay, J Craft vẫn sử dụng nhiều kỹ thuật đóng tàu theo kiểu truyền thống. Chẳng hạn, các tấm gỗ dành cho phần mũi đều được uốn bằng kỹ thuật hơi nước, một phương thức đã có từ thời Cướp biển.


Cho đến ngày nay, J Craft vẫn sử dụng nhiều kỹ thuật đóng tàu theo kiểu truyền thống.


Ngay từ những ngày sơ khai, mọi kỹ thuật chế tạo thủ công của nghệ nhân đều được trọng dụng ở đây. Tuy nhiên, Jansson và Hallén cũng đề cao việc ứng dụng công nghệ vào thiết kế và chế tác du thuyền nhằm tối ưu hóa giá trị của sản phẩm. Chẳng hạn, nhóm chế tạo tại J Craft từng hợp tác với các kỹ sư hàng hải của thương hiệu Volvo nhằm thiết kế lại phần thân của chiếc Torpedo để cải thiện tầm hoạt động và khả năng đi biển. Với hệ thống đẩy hoàn toàn mới, tốc độ tối đa của Torpedo được tăng thêm 20%, lên mức 87 km/giờ trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu được giảm tới 30%. Nhờ thế, ở tốc độ trung bình 55 km/giờ, mẫu tàu này có tầm hoạt động tối đa lên tới 280 hải lý.