Bằng những thiết kế sáng tạo của mình, Dapper Dan đã giúp định hình và nâng tầm thời trang đường phố.

Rất lâu trước khi bắt tay hợp tác với Gucci, Dapper Dan (tên thật là Daniel Day) được biết đến với tư cách là nhà thiết kế thời trang đường phố mang phong cách hip-hop dành cho cộng đồng người da màu tại Harlem, New York. Trong thập niên 80-90, Dan thường “cover” lại các món đồ hiệu của một số thương hiệu tên tuổi và biến chúng thành những kiểu trang phục đường phố ấn tượng bằng kỹ thuật chắp ghép sáng tạo.

Cuốn hồi ký Dapper Dan: Made in Harlem

Trong cuốn hồi ký mới của mình, Dapper Dan: Made in Harlem, nhà thiết kế 74 tuổi giải thích rằng các khách hàng đầu tiên của ông – những kẻ chuyên hành nghề cờ bạc hoặc buôn bán ma túy tại Harlem – luôn cảm thấy bị phân biệt đối xử tại các trung tâm mua sắm cao cấp nhất Manhattan dù họ có dư khả năng chi trả.

Khi Dan ra mắt cửa hiệu đầu tiên, phong cách thời trang đường phố cùng lớp khách hàng da màu giàu có vẫn chưa được công nhận bởi ngành công nghiệp xa xỉ này.

Ban đầu, Dan bán lông thú, nhưng sau đó trở nên nổi tiếng với những món trang phục tùy biến cùng một không gian độc đáo, nơi gặp gỡ của những khách hàng giàu có da đen – những người có tiền nhưng thường bị các thương hiệu lớn kỳ thị. Trong không gian đó, họ có thể đặt may những bộ cánh đáng mơ ước cho mình mà không hề bị kỳ thị.

“Mặc dù một số thành viên trong cộng đồng than phiền về các khách hàng của tôi, rằng họ là những tay buôn ma túy. Tuy nhiên, với tôi, họ là ân nhân bởi bất kỳ thành công nào mà tôi có được trong sân chơi thời trang này đều có sự đóng góp của họ. Và tôi nợ họ vì điều này. Tôi thấy hạnh phúc khi phục vụ họ, vì họ là những người có tiền và mong muốn được trả tiền cho những sản phẩm họ khao khát. Họ không muốn đến một nơi sang trọng với mặc cảm khi phải rút một khoản tiền thu được từ trò đỏ đen để mua sắm hàng hiệu.” – Dan viết trong cuốn hồi ký của mình.

Dapper Dan đã biến cửa hiệu nhỏ mang tên mình trên đại lộ số 125 ở Harlem (New York) thành một danh xưng nổi tiếng thế giới

Và mặc dù việc phục vụ lớp khách hàng này cũng đồng nghĩa với rủi ro (nhà thiết kế sẽ bị những khách hàng da đen giàu có khác tẩy chay, kể cả một số người trong giới truyền thông), Dan vẫn thấy được giá trị trong việc thúc đẩy mối quan hệ với lớp người này. Dan đã tạo ra những món trang phục có chức năng như một tấm khiên bằng cách hợp nhất áo khoác chống đạn với logo thương hiệu xa xỉ như Gucci, MCM và Fendi – những món đồ nhấn mạnh tình trạng của lớp khách hàng “đặc biệt” này.

Bằng cách ảnh hưởng đến thời trang xa xỉ ở Harlem, Dan đã xác định được thị trường – dù phân khúc có ảnh hưởng nhất của ngành thời trang hiện nay này vẫn đang còn gây tranh cãi.

Thời trang đường phố là một mảng kinh doanh đầy sức hút – phong cách được hình thành bởi những gì mà lớp khách hàng da màu đã và đang ăn vận trên đường phố Harlem – và cửa hiệu của Dan đã chứng minh sức mua của các khách hàng da màu cùng khả năng tiếp thị toàn cầu từ phong cách đặc trưng của họ. Sức mua đó tồn tại từ lâu trước khi bất kỳ khách hàng sang trọng nào nhận ra điều này.

Các mẫu thiết kế của Dan được nhiều ngôi sao nhạc rap lựa chọn

Thông qua cách tiếp thị truyền miệng, các mẫu thiết kế tùy chỉnh độc đáo của Dan ngày càng lan rộng, từ những nhà buôn trên phố Harlem cho đến các ngôi sao nhạc rap. Và kể cả khi Dan không cần có mặt tại Gucci Atelier 24/7, thì ảnh hưởng của người đàn ông này đối với thời trang đường phố trên thế giới vẫn tiếp tục hiện diện trước thách thức của thời gian.