Nói đến Việt Tú là nói đến những sự kiện “triệu đô” đầy tính thương mại – một hiện tượng có vẻ khác với trước đây, khi cái tên này luôn gắn với sự “điên rồ”, “quái tính” trong nghệ thuật. Có vẻ như sự khó nắm bắt và các triết lý mâu thuẫn được hòa hợp nhịp nhàng trong cùng một con người.

Live show “Nhật thực 1” năm 2002 gây tiếng vang lớn, là cú hích đưa anh thành đạo diễn “bom tấn” như hôm nay, đưa Hà Trần thành diva nhạc nhẹ. Anh đã có thêm chương trình nào mang tính bước ngoặt như vậy?
Nhật Thực 1 là một dấu ấn lớn. Sau gần 20 năm, mọi người vẫn nói đến chương trình này. May mắn của tôi là không như nhiều trường hợp “One hit Wonder” (người chỉ có duy nhất một tác phẩm được biết đến), tôi đã tận dụng được “quả tên lửa” ấy để có được sự nghiệp như hôm nay. Mỗi chương trình sau này đều mang lại cho tôi giá trị, sự tự hào riêng, khó mà so sánh được. Tuy nhiên, có thể nói, “Tứ phủ” (lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ 4 mẫu – Mẹ thần linh: mẫu trời, mẫu rừng núi, mẫu sông nước và mẫu đất) là dấu ấn khá đặc biệt của tôi.

Số người “tồn tại” từ thời hoàng kim nhạc Việt cuối thập niên 90-đầu 2000 sang thời công nghiệp âm nhạc 4.0 như anh không nhiều, có người đã dừng lại, có người chỉ sống trong hoài niệm. Bí quyết của anh là gì?
Cứ mỗi khi thấy một điều gì đó mới lạ mà mình không hiểu, định phê phán hoặc thấy khó chịu là tôi tự “tuýt còi” bản thân. Tôi tập cho mình thói quen không áp đặt những gì mình không nắm rõ, và tôn trọng những gì khác biệt. Với tôi, quan trọng nhất là im lặng sống và làm việc. Mỗi người, mỗi thời điểm đều có giá trị riêng. Từ các thể nghiệm đương đại thời 2002 – 2010, sau đó tên tuổi anh gắn liền với chương trình của những ngôi sao hạng A và các sự kiện đại chúng ăn khách… Dân trong nghề tâm phục khẩu phục Việt Tú vì toàn làm show “bom tấn”, nhưng cũng nhiều người lắc đầu “Việt Tú giờ chỉ làm thương mại, không còn nghệ thuật nữa rồi…”

Tôi chỉ có thể phát biểu ngắn gọn rằng: “Nếu làm nghệ thuật không cần đến thương mại, thì không nên nhận thù lao của khách hàng”. Thương mại song hành cùng nghệ thuật thì có gì sai? Bấy lâu chúng ta ở trong “vùng trũng” của nghệ thuật nên cứ tự định kiến vậy thôi. Vậy những Picasso, Steven Spielberg, Adele, Steve Jobs… là thương mại hay nghệ thuật, khi họ vừa có những tác phẩm lớn không phải bàn cãi về tính nghệ thuật, vừa rất thành công về thương mại?!

Một “đạo diễn triệu đô” sẽ ăn mặc như thế nào? Cách đây hơn 10 năm, anh nổi tiếng là “dân chơi sành điệu” diện toàn hàng hiệu. Bây giờ hẳn còn hơn thế?
Tôi thích ăn ngon, mặc đẹp chứ không cần phải mặc đồ hiệu. Tuy nhiên, tôi tin rằng ít ai đủ kiên nhẫn để đi mua sắm với mình, tôi có thể đi “window shopping” cả tuần, chỉ xem mà chẳng mua gì. Điều tệ nhất với một người yêu thời trang không phải là không mua gì mà là mua nhiều nhưng không mặc được, mặc không đẹp, mua hớ. Đúng là tôi có rất nhiều quần áo, nhưng có khi 2 – 3 ngày tôi chỉ mặc đúng một bộ, xỏ một đôi giày mình thích.

Anh yêu thích những thương hiệu thời trang nào? Ở độ tuổi U50, anh thấy mình phù với hợp phong cách gì?
Tôi thích những thương hiệu high-fashion, mix local brand hoặc những thương hiệu lớn mà mặc vào không ai biết là hãng gì. Dân chơi hay đùa gọi là “đừng để bị bóc mác”. Tôi cũng thích đủ thứ phụ kiện, trừ nước hoa. Phong cách của tôi không có gì cố định, cái gì thấy hợp là mặc, tôi thậm chí còn lấy cả đồ của vợ, và con gái để mặc (nói nghiêm túc chứ không đùa).

Nghe nói anh rất quan tâm đến việc bếp núc và sưu tập tranh đương đại…
Chính xác là tôi chỉ thích đi mua đồ bếp như bát đĩa, dao nĩa… Tranh cũng vậy, tôi không sưu tập, có vài tác phẩm thôi, thấy gì đẹp, hợp “gout” và hợp túi tiền thì mua. Cùng tiêu chí với việc mua quần áo, không nhất thiết phải đồ hiệu, đắt tiền, mà là hợp với những gì mình có.

Anh có thể chia sẻ về những thú vui giải trí của mình trong đời thường, sau khoảng thời gian áp lực vì những chương trình giải trí cho người khác?
Những thú vui giải trí chính nằm trong câu trả lời vừa xong của tôi, và đi du lịch với gia đình. Cuộc sống của tôi không giống như những gì mọi người nghĩ, nó khá êm đềm và nhẹ nhàng. Là kiểu người làm gì cũng quá đà, tôi đã có khoảng thời gian sống khá “điên loạn” và gặp phải những biến cố, từ đó đến giờ tôi tránh tất cả những gì mình thấy không an toàn với gia đình, cứ thế mọi thứ dần tĩnh xuống như bây giờ.

Xin cảm ơn anh!


Đôi nét về Đạo diễn Việt Tú

Nguyễn Việt Tú (sinh ngày 17.2.1977 tại Hà Nội) là đạo diễn, biên kịch, và nhà tổ chức sự kiện. Anh nổi tiếng từ trẻ với vai trò đạo diễn cho nhiều chương trình âm nhạc lớn, đáng kể nhất là liveshow “Nhật thực 1” vào năm 2002 của ca sĩ Hà Trần & nhạc sĩ Ngọc Đại, cùng loạt video âm nhạc trong chương trình VTV Bài hát tôi yêu.

Ở tuổi 26, anh đã trở thành tổng đạo diễn hình ảnh cho lễ khai mạc và bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam được truyền hình trực tiếp tới các quốc gia trong khu vực.

Việt Tú là đạo diễn thành công nhất tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến với 5 lần đoạt giải và 8 lần đề cử.

Chương trình biểu diễn hàng tuần “Tứ Phủ” (từ 2015-nay) sân khấu hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam do Việt Tú và công ty Viet Theater của anh thực hiện được đánh giá cao khi luôn nằm trong top 3 những điểm đến văn hóa hàng đầu cho du khách quốc tế tại Thủ đô, là nơi tổ chức Lễ chào mừng Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại Tín ngưỡng thờ Mẫu từ UNESCO vào năm 2016. Không những vậy, «Tứ Phủ» còn được đưa đi lưu diễn tại TP.HCM và Anh quốc.