Hành trình từ một nhà báo, nhà phê bình điện ảnh sắc sảo, gai góc đến vị trí đạo diễn, nhà sản xuất của những tác phẩm “công phá” phòng vé Việt đương thời.

Con đường đến với điện ảnh của anh bắt đầu như thế nào?
Từ những tháng năm thơ ấu xem phim tập thể ở sân sau Fafilm Việt Nam – cơ quan của mẹ tôi. Rồi trở thành người viết về phim trên mạng, trên báo, cho đến khi được học bổng của quỹ Ford để theo học tại trường điện ảnh Đại học Nam California.

Ba tính từ miêu tả về phong cách nghệ thuật của anh, đó sẽ là…?
Cá nhân, Cảm động, Trào phúng.

Có kinh nghiệm ở cả 3 vai trò: đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, anh nhìn nhận như thế nào về mình ở mỗi vai trò?
Tôi là một đạo diễn khó chịu, một biên kịch nặng về cấu trúc và là một nhà sản xuất luôn lo lắng.

Các tác phẩm điện ảnh của anh đạt giá trị thương mại rất cao, vậy đâu là yếu tố làm nên sự thành công này, thưa anh?
Sự tận tâm đem đến may mắn. Là đạo diễn, tôi đặt cảm xúc lên trước tính thương mại của bộ phim mình làm.

Trên con đường đến với thành công ngày hôm nay, có những bài học sâu sắc nào anh đã trải qua?
Không buông xuôi và thỏa hiệp. Làm đạo diễn ở Việt Nam rất khó nhưng nếu cứ thỏa hiệp, bạn sẽ đánh mất chính mình.

Có áp lực không khi luôn phải làm mới chính mình qua từng dự án?
Tôi có áp lực khi tìm cộng sự trên hành trình dài – không chỉ làm mới mình, mà còn phải “chơi lớn” hơn sau mỗi dự án.

Theo anh, điện ảnh hay cách con người cảm thụ nghệ thuật sau cơn đại dịch này liệu có khác đi và sẽ theo hướng ra sao?
Khán giả chỉ thay đổi thói quen tiếp nhận, từ việc ra rạp sang xem phim trực tuyến tại nhà. Riêng đối với người kinh doanh điện ảnh, việc kiên định với phương thức cũ hay chạy theo xu hướng mới sẽ định đoạt sự sống còn của hãng phim.

Anh đối diện với những lời chỉ trích từ người khác như thế nào?
Lời chỉ trích nặng nề nhất và sớm nhất luôn đến từ chính tôi. Tôi vẫn đọc những chỉ trích từ cộng đồng mạng như một thú vui. Khi không vui nữa thì mình nhắm mắt bịt tai rời màn hình.

Nếu không là đạo diễn, Phan Gia Nhật Linh sẽ là…?
Nhà báo. Đó là việc tôi thấy mình làm giỏi trước khi trở thành đạo diễn. Năm 2002, ở độ tuổi 23, tôi đã là thư ký tòa soạn của tạp chí Điện ảnh Kịch Trường số đặc biệt cuối tháng.

Gần đây, có điều gì anh mới thử làm lần đầu trong đời không?
Mặc vest trên trường quay. Lâu nay tôi ít để ý chuyện ăn mặc nhưng với dự án mới Em và Trịnh, tôi muốn thay đổi hình ảnh bản thân vì rất đề cao tính duy mỹ cho tác phẩm này.

Cơ duyên nào đưa anh đến với dự án mới nhất “Em và Trịnh”?
Galaxy muốn tôi làm một phim nhạc kịch kiểu Mamma Mia, sử dụng toàn nhạc của Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ rằng, câu chuyện phù hợp nhất để kể bằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn chính là những chuyện tình lãng mạn của ông.

Đâu là tác phẩm anh vẫn mơ ước có thể hiện thực hóa?
Trận Bạch Đằng Giang và chuyện tình Trọng Thủy – Mỵ Châu.


Đôi nét về đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

Phan Gia Nhật Linh được biết đến với bút danh Phan Xi Nê qua những bài phê bình phim sắc sảo trên báo chí và các diễn đàn suốt gần 2 thập kỷ. Anh sinh năm 1979 tại Phan Thiết (Bình Thuận), sau đó theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Tuổi thơ của anh gắn liền với Công ty Fafilm Việt Nam – nơi mẹ anh công tác và cũng là nơi đã chắp cánh cho đam mê điện ảnh của anh.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, Phan Gia Nhật Linh nhận học bổng của Quỹ Ford để theo học ngành Sản xuất phim tại Đại học Nam California (USC) – một đại học hàng đầu của Mỹ về điện ảnh. Các tác phẩm “công phá” phòng vé do anh đạo diễn gồm bộ phim đầu tay Em là bà nội của anh (thu về 100 tỷ đồng năm 2016), Cô gái đến từ hôm qua (65 tỷ đồng năm 2017), hay gần đây là Tiệc trăng máu do anh sản xuất đã cán mức 175 tỷ đồng. Trạng Tí là bộ phim thứ 3 do anh đạo diễn dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian sắp tới.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Một + Hai mang chủ đề “The Ultimate Gift Guide”)