Một trong những đặc sản lừng danh của đô thị, đó là công chức. Bởi đơn giản, ở những nơi mà làng chưa lên phố, hầu như cái gọi “công chức” là vô cùng thưa vắng. Theo cách hiểu khá thoáng nôm na của vỉa hè, khái niệm công chức không hẳn mặc định cho những người đều đặn mưu sinh trong công sở nhà nước. Nó còn nhằm chỉ hầu hết đám nhân viên trong các công ty bây giờ đang nhan nhản được thời thượng kêu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi bọn họ mang phong độ nhang nhác giống nhau, kể cả cách yêu cách ăn cách uống. Đại loại đa phần đều sâu sắc nhàn nhạt, đều chỉn chu sạch sẽ. Có lẽ do chỗ làm của họ thường cùng một kiểu, ngăn nắp vệ sinh. Môi cảnh như thế thì tâm tính sẽ như thế. Mùa đông complê cà vạt, mùa hè sơ mi đóng thùng. Buổi sáng tranh thủ vào toa lét buôn chuyện facebook, buổi chiều dối vợ dối chồng dẫn bồ đi ăn hoa quả dầm. Bố mẹ bên vợ hay bên chồng của họ cũng thường là đồng nghiệp, vì họ hay loay hoay yêu rồi cam chịu lấy bạn cùng phòng. Hôn nhân đa phần phẳng phiu, danh lợi tuy có quấy rầy nhưng không đến mức sát phạt ám ảnh. Nói chung, đường đời ở họ tương đối bằng phẳng, thảng thốt có đôi chút gập ghềnh thì phần lớn cũng chỉ là chuyện lặt vặt.
Công chức vốn là mẫu nhân vật được văn xuôi ở ta yêu thích. Hình hài và tâm hồn của họ đã để một dấu ấn rất đậm trong giai đoạn văn học rực rỡ 30-45. Trước đó một chút, khi thực dân Pháp manh nha đô thị hóa thì lớp công chức Việt đầu tiên mang hơi hướng Tây xuất hiện rồi hình thành. Họ được dân gian nửa xuồng xã nửa trân trọng gọi là ông thông, ông phán hay ông ký. Ở mức độ nào đó, người Pháp muốn thay thế lớp thư lại Nho giáo cũ đang bải hoải mục nát ở các công đường thuộc huyện hoặc phủ. Nhà thơ thị dân ở phố Hàng Nâu (Nam Định) là Trần Tế Xương đã mô tả những người “quẳng bút lông đi viết bút chì” ấy một cách chua xót bỡn cợt “chi bằng đi học làm ông Phán. Sáng rượu sâm banh tối sữa bò”.
Thế rồi dư trăm năm sau hình ảnh những ông phán đại loại vẫn phẳng phiu như vậy. Bọn họ thường bị hiểu là ngay ngắn, là một thứ “ba ri e” dập từ một khuôn chềnh ềnh cản trở những bay bổng của sáng tạo. Nhưng có một thực tế là khá đông công chức làm thơ, viết văn, loay hoay ca khúc, tô vẽ hội họa và mọi người cũng thấy là được. Họ thường yêu mến hâm mộ nghệ thuật một cách vô tư, vô lợi. Sau điện ảnh, âm nhạc (đa phần được thưởng thức qua truyền hình) thì thơ vĩnh viễn là đặc sản nghệ thuật vô cùng gần gũi với công chức. Đại loại cũng yêu cũng ghét, cũng hoành tráng và đời thường, thơ tình có những câu khoát đạt. “Anh yêu em như trưởng phòng yêu họp. Tuần ba lần vẫn chưa thỏa em ơi”.
Công chức là điển hình cho những thói quen thị dân nên họ không phải toàn hay mà đôi lúc cũng cái dở. Họ giống những cành hồng không nụ hiếm hoa, thỉnh thoảng chỉ còn lặt vạt gai với những chồi chưa già đã úa. Xa tít hơn hai nghìn năm trước Khổng phu tử đã vẽ mặt mũi của những con người sền sệt giống nhau ấy trong Luận ngữ. “Ở quây quần với nhau trọn cả ngày, nói chuyện không đả động đến việc nghĩa lại hay ham làm việc khôn vặt”.
Một nhận xét tuy hơi đanh đá nhưng tinh tế. Thảo nào rất nhiều công chức có chữ, luôn tôn xưng Khổng Tử là Vạn Thế Sư Biểu.