Đó là chia sẻ của người nghệ sĩ trumpet từng 2 lần đoạt giải Grammy cùng Pat Metheny Group, hiện là giáo sư ngành Nghiên cứu nhạc Jazz tại Đại học Washington – với Robb Report nhân dịp về nước biểu diễn vừa qua.
Vì sao một nghệ sĩ nổi danh như anh đến bây giờ mới tổ chức concert đầu tiên ở Việt Nam sau bao năm xa xứ?
Tôi nghĩ là điều gì cũng cần có thiên thời địa lợi nhân hòa. Tôi rất muốn về nước biểu diễn nhưng không có ai mời tôi cả. Trước kia, trong một sự kiện âm nhạc tại Đức, có một người phụ nữ Việt tổ chức show nói muốn mời tôi biểu diễn ở Việt Nam, tuy nhiên, sau khi nghe tôi chơi xong một phần chương trình thì cô ấy bỏ đi luôn (cười to).
Trở về Việt Nam trình diễn đang là xu thế “về với cội nguồn” của nhiều nghệ sĩ quốc tế gốc Việt như Nguyên Lê, Hương Thanh, Vân Ánh Võ… Hẳn anh cũng không là ngoại lệ khi nhận lời tham gia dự án Soul Live Project của Soul Academy?
Tôi thấy đây là cơ hội tuyệt vời để trở lại nơi mình đã sinh ra và quan sát sự đổi thay của đất nước. Dù lớn lên trong một nền văn hóa của một vùng đất hoàn toàn khác, nhưng tôi vẫn luôn khao khát truyền tải cảm xúc và kết nối với quê hương bằng âm nhạc.
Anh rời Việt Nam từ khi mới 5 tuổi, vậy có bao nhiêu phần trăm chất Việt còn sót lại trong anh?
Tôi không biết phải đong đếm như thế nào đây. Có ba mẹ là người Việt, nhưng tôi không nói được tiếng Việt nhiều vì phải sống xa nhà từ những năm trung học. Tuy nhiên, chất Á Đông vẫn luôn tiềm ẩn bên trong tôi, từ lối hành xử, kiểu nói chuyện, cách tôn trọng người lớn tuổi…
Hầu hết các nghệ sĩ quốc tế gốc Việt đều theo đuổi dòng nhạc world music. Vậy đâu là lý do để anh kiên định theo đuổi dòng nhạc jazz?
Hầu hết những nghệ sĩ mà bạn nhắc đến đều áp dụng các yếu tố, chất liệu từ nguồn cội của họ vào âm nhạc theo phong cách world music, khiến âm nhạc của họ trở nên độc đáo, nổi bật và phảng phất bản sắc, tính dân tộc. Còn tôi, cơ duyên với trumpet bắt đầu từ năm 11 tuổi, khi được mẹ tặng quà là món nhạc cụ này.
Tôi từng chơi nhạc pop Việt khi mới lớn, từng theo đuổi jazz và rock, từng theo học nhạc cổ điển ở trường nhạc. Còn bây giờ, jazz là cuộc sống và sự nghiệp của tôi. Hầu như tôi không đưa bất kỳ chất liệu âm nhạc Việt hay địa phương nào trên thế giới vào jazz. Với tôi, âm nhạc là nơi để tôi tìm hiểu và bộc lộ cảm xúc của bản thân, cũng như bày tỏ cảm nhận của mình về cuộc sống, một cách tự nhiên.
Cơ hội nào đưa anh trở thành một thành viên của Pat Metheny Group huyền thoại?
Tôi chơi trumpet chuyên nghiệp đã lâu, có một ban nhạc riêng và cũng được biết đến trong giới nhạc jazz. Một ngày đẹp trời nọ, khi tôi đang tập kèn như thường lệ thì có 3 cuộc điện thoại gọi đến. Hai cuộc đầu có nội dung kiểu “xin chào, tôi biết về anh rất nhiều và muốn được chơi nhạc trong nhóm của anh…” trong khi tôi không có nhu cầu đó.
Cuộc gọi thứ ba đến từ Pat, nhưng tôi đã… không thèm nghe máy vì cho rằng lại ai đó gọi vớ vẩn như hai cuộc kia. Hơn một tuần sau, bạn gái tôi lúc ấy (là vợ tôi bây giờ) tình cờ nghe lại ghi âm cuộc gọi và nói rằng “Có người xưng tên là Pat Metheny muốn gặp anh”. Tôi chỉ biết thốt lên “ôi trời ơi” và ngay lập tức gọi lại. Pat mời tôi ngày hôm sau gặp để thử chơi nhạc cùng nhau.
Sau buổi gặp gỡ và hòa tấu, Pat thông báo rằng nhóm sắp có thêm thành viên mới. Mọi chuyện đã bắt đầu như thế.
Vì đâu Pat Metheny biết đến anh, khi hai người đang gần như ở hai thế giới, một đã là cái tên quá lớn, và một thì đang theo xu hướng jazz độc lập?
Pat kể rằng tình cờ nghe nhạc tôi trên Internet radio và đã tìm mua hết tất cả những bài nhạc của tôi. Anh ấy nghe suốt hàng tháng trời rồi mới liên hệ với tôi. Trước khi gặp Pat, quả thật tôi chẳng có tiếng tăm gì trong dòng nhạc jazz dù đã đi tour biểu diễn ở châu Âu cùng nhóm riêng và cũng được nhiều người trong giới nhạc jazz, các nhà phê bình biết đến.
Từ khi gia nhập nhóm Pat Metheny Group, quả thật tên tuổi tôi đã được khán giả Mỹ cũng như trên toàn thế giới nhớ tới, đó là điều tôi chẳng thể nào tưởng tượng nổi trước đây. Tất cả đều nhờ Pat cả (cười).
Anh đã cộng tác với Pat Metheny trong bao lâu?
Sáu năm, với thành quả là hai album đoạt giải Grammy và hai tour lưu diễn toàn cầu, mỗi tour kéo dài 9 tháng.
Vì sao anh lại ngưng hợp tác với Pat Metheny khi đang thành công rực rỡ?
Quãng thời gian 2007-2008 là giai đoạn cực kỳ tồi tệ đối với ngành công nghiệp âm nhạc thế giới. Đĩa nhạc không còn được bán tốt như trước bởi công chúng, đặc biệt ở Mỹ, chạy theo xu hướng nghe nhạc mp3 trên Internet. Họ không quan tâm, thậm chí quay lưng với nghệ thuật, và chỉ thích nghe những gì khiến bản thân thấy vui vẻ, thoải mái. Âm nhạc trở thành một món đồ để giải trí, tương tự thức ăn ngon, chiếc xe đẹp… chứ không còn là âm nhạc đích thực.
Ngay cả Pat Metheny Group cũng phải chịu thua làn sóng giải trí đó khi phải đối mặt với rất nhiều khoản chi phí nếu ra album hoặc đi tour biểu diễn, trong khi thu nhập quá ít ỏi so với trước. Vậy nên chúng tôi ngừng lại. Hiện tại, tôi có một nhóm nhạc riêng, Cuong Vu Trio, ghi âm và biểu diễn theo từng dự án riêng có sức nặng hoặc khi được mời, như dịp này.
Được vinh danh là nghệ sĩ bậc thầy của thế hệ mới, một trong 50 nghệ sĩ jazz xuất sắc nhất thế giới, điều đó có ý nghĩa gì đối với anh?
Mới nghe thì “phê” lắm, tuy nhiên, tôi không quá xem trọng các danh hiệu dù rất vui khi được gọi như thế, và có cả chút ngại ngùng. Trên tất cả, tôi luôn coi mình như một cậu học sinh, luôn muốn học hỏi tìm hiểu thế giới.
Anh kỳ vọng điều gì trong chuyến về nước biểu diễn này?
Tôi không mong chờ điều gì quá lớn lao, mà chỉ hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, gặp những người bạn mới thú vị, nếm những món ăn ngon. Tôi cũng mong công chúng Việt sẽ đón nhận âm nhạc của tôi, để tôi có thể trở về và đóng góp cho cộng đồng bằng khả năng của mình. Tôi không quan tâm đến cát-xê vì thu nhập của tôi ở Mỹ rất tốt. Hiện tại tôi chỉ muốn được cống hiến!
Cảm ơn anh và mong có dịp gặp lại anh ở Việt Nam!