Trong nhiều năm qua, tôi đã có vô số bài viết về xa xỉ phẩm – quần áo, giày dép và túi xách. Tôi đã đến thăm nhiều nhà máy và công xưởng chế tác trên khắp châu Âu để quan sát các nghệ nhân làm túi Hermès, suit Kiton, quần jean Berluti, giày da Tod, túi Mulberry, áo khoác Private White VC, giày Oxford John Lobb, áo len Brunello Cucinelli, và còn rất nhiều nữa. Tôi thích xem các thợ thủ công lành nghề làm việc bằng cả tâm huyết, tự bản thân mỗi thành phẩm họ tạo ra đều toát lên sức hút mạnh mẽ mà không cần đến sự thổi phồng từ quảng cáo.

Thế nhưng, mua chúng? Mặc dù có “đặc quyền” tiếp cận thế giới xa xỉ phẩm và tình yêu mãnh liệt đối với những thứ đẹp đẽ, nhưng bảo tôi bỏ ra 750 USD cho một đôi giày, mua áo khoác với giá 1000 USD hay 3000 USD mua đồng hồ. Ôi không!
Tôi tự nhủ rằng, sự do dự của bản thân đến từ suy nghĩ khôn ngoan: Tôi có con phải nuôi, và gần nhất là chuyến du lịch Paris, sau tất cả, tôi có rất nhiều dự định cần tiền mà chưa thực hiện được. Tuy nhiên, khi nói đến một trong những loại hàng hóa thống trị thời kỳ vàng son của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng – công nghệ cá nhân – đó lại là một câu chuyện khác.

Từ lúc còn nhỏ, mỗi khi vuốt ve những đường nhựa màu cam trên chiếc máy “học nói và đánh vần” Texas Instruments Speak & Spell, tôi đã bị thu hút bởi loại màn hình nhấp nháy, chạm tay vào là có thể điều khiển được. Từ chiếc máy tính đầu tiên (CPC464 Amstrad), máy ảnh đầu tiên (Pentax me Super) cho đến chiếc di động đầu tiên (Sony Ericsson), tôi đều có thể nhớ rõ và vạch ra từng giai đoạn của cuộc đời dựa trên những thiết bị đã từng sử dụng. Dù bỏ tiền liên tục để mua sắm đồ công nghệ, tôi lại không hề cảm thấy tiếc nuối. Tại sao vậy? Bởi vì công nghệ cá nhân là công cụ không thể thiếu của thế kỷ 21. Nó trao cho chúng ta quyền lực, giải phóng và cải thiện cuộc sống của chúng ta.
Cho tới tháng trước, một ý nghĩ bất chợt thoáng qua đầu tôi. Khi đang ngồi tại Genius Bar – quầy chăm sóc khách hàng của cửa hàng Apple, tôi cảm thấy thật ngu ngốc khi phải bỏ ra 400 USD để sửa màn hình cho chiếc máy tính xách tay chỉ mới mua chưa được một năm. Một nhân viên tươi cười nói với tôi: “Nếu tôi là anh, tôi sẽ mua một chiếc mới. Tôi luôn muốn mua phiên bản mới nhất”. Với những người yêu thích công nghệ mới, chẳng có gì ngạc nhiên khi họ sẵn sàng yêu cầu “đưa tôi phiên bản mới nhất, đắt nhất” như một phản xạ vô điều kiện. Đúng, công nghệ mới rất tuyệt, nhưng lúc này tôi lại chẳng có hứng thú gì.
Càng tìm hiểu, tôi càng thấy rõ sự khác biệt trong chiến lược tiếp thị của các công ty công nghệ với các nhãn hàng xa xỉ phẩm. Họ không tập trung vào di sản hoặc xu hướng, thay vào đó nhấn mạnh vào việc nâng cấp nhằm gia tăng tốc độ xử lý, khả năng ngoại vi và khả năng tương thích phần mềm. Ngày qua ngày, họ không ngừng đưa vào đầu chúng ta ý nghĩ rằng sở hữu những món đồ công nghệ mới nhất được xem như lời tuyên ngôn về bản sắc cá nhân. Nhưng hãy nhớ lại đi, thông điệp đó cứ lặp đi lặp lại mỗi khi có sản phẩm mới ra đời, và chu kỳ tân tiến-lỗi thời cứ rút ngắn một cách nhanh hơn.

Tôi đã dành ngày cuối tuần để chọn lọc những món đồ được cho là đã lỗi thời trong kho lưu trữ. Từ những sợi cáp rối rắm, viên pin điện thoại như “cục gạch”, cho đến BlackBerry, Nokia, ThinkPad, iMac, Google Glass, Coolpix và nhiều hơn nữa. Tất nhiên, chẳng có bất cứ thứ gì trong đó phù hợp với mục đích sử dụng hiện tại, trừ khi bạn đến một bữa tiệc “tôn vinh quá khứ” nào đó.
Đồng thời, tôi cũng kéo vài chiếc túi chứa quần áo đã bị quên lãng từ lâu và vứt lên tầng áp mái: một chiếc áo Giorgio Armani màu xám mua cách đây 21 năm, giày brogue da Cordovan của Church mua hồi năm 2005 khi có chương trình khuyến mãi, hay như chiếc áo khoác Bailey Glastonbury mua trên eBay năm ngoái nhưng chỉ mặc vài lần rồi bỏ quên mất trong tủ. Nhìn lại mỗi món đồ, tôi dễ dàng tưởng tượng bản thân sẽ như thế nào khi mặc tiếp chúng trong nhiều năm tới.
Mặc dù ngành kinh doanh thời trang thường dựa trên xu hướng nhất thời để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, nhưng các sản phẩm chủ lực của rất nhiều thương hiệu cao cấp vẫn hướng tới giá trị truyền thống, gắn liền với di sản và trường tồn với thời gian, thậm chí còn gia tăng giá trị sau nhiều năm. Ngược lại, mỗi ngày trôi qua, công nghệ hiện tại sẽ càng lỗi thời và nhường chỗ cho những thứ mới lạ hơn. Giá bán lẻ của iPhone 7 phiên bản thấp nhất hiện đang là 645 USD, nhưng vài ba năm nữa, đây chỉ là một chiếc điện thoại đời cũ và rớt giá thảm hại mà thôi.
“Công nghệ sẽ lỗi thời, còn xa xỉ là mãi mãi”