Thiết kế sáng tạo góp phần thay đổi bộ mặt của ngành du thuyền.

Không giống những mẫu concept trong ngành chế tạo ô-tô vốn được sử dụng để báo hiệu hướng phát triển trong tương lai, các concept du thuyền mang sứ mệnh truyền cảm hứng cho các vị chủ nhân trong quá trình tùy biến con tàu của mình để tạo nên sản phẩm ưng ý nhất. Các mẫu concept thường “bay bổng” và luôn hướng đến mục tiêu vượt ra khỏi khuôn khổ của trí tưởng tượng. Có thể thấy các mẫu concept được giới thiệu gần đây đều hướng đến 3 tiêu chí được nhiều người mua tiềm năng đánh giá cao: khả năng thực hiện những chuyến viễn du, công nghệ xanh và tiện nghi nâng cao trải nghiệm xa hoa trên tàu.

Không gian sáng tạo mang tên “phòng Aqua” ở mũi tàu concept Aqua

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những hình vẽ ảo đẹp mê hồn, các concept còn được sử dụng để xác định các khu vực có tiềm năng trang bị cho chiếc du thuyền tương lai. Có không ít các tiện ích hấp dẫn như beach club, ban-công gấp, cập cảng điều khiển từ xa và thậm chí tàu ngầm, đã được “thai nghén” từ các mẫu concept có tính cách tân cao độ.

Tương tự những cỗ xe trên đường phố, các chủ nhân du thuyền đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về khả năng ứng dụng công nghệ xanh trên “dinh thự” của mình. Aqua, mẫu concept siêu du thuyền dài 111,86 m của Sinot Yacht Architecture & Design hợp tác thiết kế cùng Lateral Naval Architects, là đại diện đầu tiên có ý tưởng vận hành bằng hydro lỏng và công nghệ pin nhiên liệu. Ngoài ra, thiết kế này còn phác thảo một không gian sáng tạo mang tên “phòng Aqua” ở mũi tàu với mục đích tối đa hóa các khung cửa kính trên các mẫu du thuyền mới.

Concept giúp chủ du thuyền tìm được phong cách và hướng thiết kế mong muốn

Một thiết kế sẽ có nhiều khả năng trở thành một con tàu thực thụ nếu được phát triển cùng với một hãng đóng tàu. Điều này không chỉ đảm bảo tính hoàn mỹ về kiến trúc, mà còn kết nối các thiết kế với những ông chủ muốn đóng tàu. Rob Armstrong, giám đốc sáng tạo của studio thiết kế ThirtyC chia sẻ: “Việc giới thiệu nhiều concept sẽ giúp chủ du thuyền tìm được phong cách và hướng thiết kế mong muốn”. Armstrong luôn cố gắng cân bằng concept với tính khả thi, trong khi vẫn đáp ứng được các tiêu chí mà ngành du thuyền và khách hàng tiềm năng tìm kiếm.

Du thuyền Lotus với hệ thống cột buồm DynaRig và tàu hộ tống phía sau

Dự án Lotus của ThirtyC – chiếc du thuyền dài 88m với hệ thống cột buồm DynaRig và tàu hộ tống dài 70m kèm theo – có đủ “đồ chơi” như mô-tô nước, tàu tiếp vận, trực thăng, thậm chỉ là cả tàu ngầm để tăng cường trải nghiệm trên du thuyền. Chiếc tàu hộ tống có thể đóng vai trò “tàu mẹ” khi thuyền buồm tranh tài tại các giải đua, hay trung tâm điều hành và lưu trú cho các thuyền viên và nhân viên phục vụ.