Với nhiều người Việt, nghỉ Tết, chơi Tết cũng đồng nghĩa với ăn Tết, nên ăn thả ga, ăn cho vui cửa vui nhà. Trong trường hợp này, ăn (thực/ẩm thực) đâu phải là vì mục đích để “vực được đạo”. 

 

Với câu thành ngữ “Có thực mới vực được đạo”, đa số hiểu lầm “thực” ở đây là ăn (thực/ẩm thực), nên thường gộp chung ngữ nghĩa với thành ngữ “Dĩ thực vi tiên” (Ăn là ưu tiên) của Trung Quốc. Trong khi “thực” (實) ở đây là sự thật, thực tiễn, thành thật, thực hành..., chứ không phải là chữ “thực” trong ẩm thực. Chính sự thực, thực tế, hoặc quá trình thực hành, luyện tập sẽ giúp chúng ta có trình độ, tạo ra lối đi, hoặc đạt được đạo. “Thực” ở đây gần với chữ “hành” trong tu hành, trong “học đi đôi với hành” nhiều hơn. 

 

Trong các đại từ điển tiếng Việt, chữ “ăn” thường có rất nhiều cấp độ nghĩa, trong đó có những nghĩa ngoài ẩm thực như ăn ảnh, ăn ý, ăn mòn kim loại, ăn lương tháng, ăn bám xã hội, ăn hối lộ... Nhưng không có nghĩa nào liên quan đến việc ăn là sẽ vực dậy được chân lý, đạo lý cả. Chưa nói, có hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ... về chuyện ăn, thậm chí phê phán/châm biếm cả chuyện ăn, nhưng gần như không có câu nào nói rằng ăn để đạt đến đạo lý. Vì người Việt xưa ý thức rất rõ về việc thực hành, luyện tập trong mọi việc, nên mới có những câu như “Trăm hay không bằng tay quen”. Mà ngay cả trong việc học tập, cũng không quá ưu tiên cái thực dụng (văn), mà ưu tiên cái trừu tượng, đạo lý (lễ), nên mới dùng câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trong cấu trúc tín lý như vậy, làm sao “Có thực mới vực được đạo” lại trở nên phổ biến ở khía cạnh ăn cho được. 

 

Có nhiều cách cắt nghĩa về sự hiểu lầm này, trong đó có giả thiết cho rằng sau chiến tranh, thiên tai, mất mùa, dịch bệnh... thì đúng là cần “Dĩ thực vi tiên” trong một thời đoạn ngắn. Nhưng nếu cứ cố hiểu lầm “Có thực mới vực được đạo” theo nghĩa ẩm thực thì đúng là khá bất lợi cho việc giáo dục, rèn luyện, tu hành, công phu, triết lý... 

 

Việc hiểu lầm hoặc hiểu sai này vốn không hiếm gặp. Đôi khi hiểu sai chỉ vì phát âm, hoặc do lỗi “đánh máy”. Ví dụ câu “Quân sử thần tử...”, chữ “sử” bị phát âm sai thành “xử”, nên mới có câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Trong khi sử ở đây là sai biểu, chứ không phải xử trong nghĩa xét xử. Vua sai thần dân đi vào chỗ chết, mà không đi, thì không trung thành, tội này chưa chắc phải chết. Còn vua mà đã ra lệnh xét xử phải chết, thì ắt chết, chứ còn trung thành gì nữa. 

 

Trở lại với câu “Có thực mới vực được đạo”, trong vài cuốn thành ngữ Việt-Anh, thấy dùng một câu tương tự, đó là “Fine words butter no parsnips” (tạm hiểu: Lời đẹp đẽ chẳng có xơ múi gì). Nếu “thực” mà đúng là ăn, thì hai câu này thật chuẩn chỉnh, nhưng rất tiếc, không phải vậy. Cho nên, nếu không am tường thành ngữ tiếng Việt, chỉ bám vào nghĩa tiếng Anh, thì sai lại càng sai mà thôi.