Với gu thời trang cá tính, “Cô Em Trendy” Khánh Linh là một trong những cái tên được nhiều thương hiệu xa xỉ săn đón.

Việc chị trở thành fashionista là do định hướng hay cơ duyên?

Tôi cho rằng đây là cơ duyên. Sau quãng thời gian làm người mẫu và sáng tạo nội dung, tôi mới quyết định thử sức với vai trò mới này.

Thương hiệu thời trang chị yêu thích nhất là…?

Tôi yêu vẻ cá tính mạnh mẽ của Louis Vuitton và nét nữ tính, thanh lịch của Dior.

Chị muốn công chúng nhìn nhận mình là một fashionista, doanh nhân hay influencer?

Tôi không bó buộc bản thân trong phạm vi nào cả. Dù hoạt động với vai trò là fashionista hay influencer, chúng ta đều nên giữ “bộ óc” của một nhà kinh doanh: nghiêm túc, xây dựng lâu dài và luôn đổi mới.

Các nhà sáng tạo nội dung số đã đương đầu với những thay đổi của đại dịch ra sao?

Bài toán khó nhất vào thời điểm đó là làm sao để “lướt” cùng cơn sóng đại dịch, thích nghi theo nhu cầu người xem nhưng vẫn thể hiện chất riêng thật tốt. Khoảng thời gian giãn cách tại thành phố là lúc tôi thấy mình bước ra khỏi vùng an toàn và sáng tạo ra nhiều sản phẩm.

So với đồng nghiệp quốc tế, các fashionista Việt thường gặp những khó khăn gì?

Là một trong những người tiên phong theo đuổi lĩnh vực này một cách nghiêm túc, tôi luôn phải tự tìm tòi hướng đi, mà không có bất kỳ chỉ dẫn nào. Thời trang Việt nói chung còn khá non trẻ, do đó, các influencer sẽ không có nhiều lựa chọn và ít có cơ hội được các nhãn hàng hỗ trợ.

Chị có nhận xét gì về thị trường thời trang cao cấp ở Việt Nam?

Thị trường thời trang cao cấp tại Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Ở Thái Lan, mỗi thương hiệu lớn thường có đến 10 cửa hàng, trong khi ở nước ta, con số này chỉ dừng ở mức từ 1-2, thậm chí chưa có chi nhánh chính thức ở Việt Nam. Thực tế, doanh thu của các thương hiệu xa xỉ đến từ khách du lịch, thế nhưng tại Việt Nam, nó chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu.

Hiện nay, người tiêu dùng xa xỉ tại Việt Nam đang ở mức độ nào theo nhận định của chị?

Gần đây, thời trang nước nhà phát triển nhanh với nhóm khách hàng trẻ sẵn sàng chi trả cho các món đồ hàng hiệu. Bên cạnh đó, họ còn xem việc mua đi bán lại là khoản đầu tư sinh lãi nhiều hơn cả chứng khoán.

Xu hướng mua hàng của thế hệ Gen Z hiện tại là…?

Thói quen mua hàng của Gen Z đã thay đổi. Thế hệ đi trước không thể sử dụng Internet nhiều để tham khảo sản phẩm trước khi mua như thế hệ ngày nay. Tuy nhiên, trước lượng thông tin quá lớn, Gen Z cần phải tỉnh táo để trở thành người tiêu dùng thông minh.

Các tiêu chí nào để chị lựa chọn món hàng cao cấp?

Không phải món đồ đắt tiền nào cũng sẽ phù hợp với nhu cầu thực tế. Vì thế, tôi luôn cẩn thận xem xét đến tần suất diện một bộ trang phục, khả năng phối được nhiều kiểu và chất liệu xứng đáng với giá tiền.

Lời khuyên cho Khánh Linh của 10 năm trước là…?

“Đừng ngần ngại khi nhờ ai giúp đỡ”. Khi đồng hành cùng một ekip, tôi mới nhận ra rằng: làm việc nhóm chính là kết nối, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Tôi học được cách tiếp thu, chia sẻ và cảm thông để cùng đội ngũ tạo ra những thành quả tốt đẹp nhất.

Dự định của chị trong tương lai là gì?

Tôi sẽ xây dựng một agency sáng tạo hình ảnh và tranh thủ đi du lịch thật nhiều.


(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 4 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Beyond Generations”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)