Có thể chắc chắn khẳng định rằng, cái tốt đẹp nhất trong mọi cái tốt đẹp (best of the best) của con người, thì đó chính là ngôn ngữ. Kinh Thánh vinh danh nó khi nói, “khởi thủy là lời”. Có điều, nếu chỉ là “lời” thôi thì văn minh nhân loại sẽ không có được như ngày hôm nay. Bởi đơn giản, lời nói sẽ theo gió bay. Cho nên, thật may mắn, khi các kinh nghiệm cay đắng khôn và ngoan của loài người đã được đọng lại vào đá, vào đồng, vào giấy trắng. Những cái đọng tinh hoa đấy, nôm na được gọi là chữ viết.
Có lẽ người biết đọc đầu tiên của nhân loại là người đã nghĩ ra chữ. Ở phương Tây, danh tính người đó hơi lờ mờ. Còn ở phương Đông, theo các học giả Dịch phái của thời Chiến Quốc, thì người nghĩ ra chữ tượng hình tối cổ là Thương Hiệt. Vào cái ngày Thương Hiệt vạch những ký tự đầu tiên, cả trời và đất đều rúng động. Kể từ đây, con người tự tin sáng tạo rồi sở hữu khoa học và nghệ thuật.
Hơn thế nữa, khi chữ xuất hiện nó đã mang một sứ mệnh cứu chuộc sự trong sạch cho lời. Bởi như triết gia người Hà Lan yêu thiên nhiên Spinoza (1632-1677) đã từng buồn rầu bảo “sở dĩ có lời nói là do nhu cầu muốn dối trá”. Chính vì thế mà chữ khao khát muốn làm trung thực lại lời. Nó đương nhiên trở thành một giá trị đạo đức của tiếng nói. Có phải vậy chăng mà con người có truyền thống trọng chữ.
Khi chữ được tôn trọng thì những người đọc nhiều chữ thường cũng được tôn trọng. Điều tưởng như là đương nhiên này không phải lúc nào cũng đúng. Đã có lúc, người chỉ biết đọc chữ (kẻ sỹ) bị coi là vớ vẩn. Bạo chúa Tần Thủy Hoàng từng chôn không biết bao nhiêu học trò và đốt vô số những cuốn sách. Vì vậy, khá đông người đích thực sáng tạo chữ ngại đi “làm” chữ. Tất nhiên, đó không phải là thảm họa như sóng thần như núi lửa, bởi chữ cũng chỉ là một phần trong rất nhiều phần mênh mông của cuộc sống. Có điều, khi thiếu chữ thì cuộc đời này bỗng trở nên gờn gợn phù phiếm và chun chút vô cảm bạc bẽo. So với “đọc” chữ, những thao tác như “xem”, “nghe”, “nhìn” có vẻ tiện lợi hơn nhưng chắc chắn nông nổi hơn. Khi đọc, người ta thường phải nghĩ, một quyền năng đặc biệt ưu tú chỉ có ở những sinh vật cao cấp. Khi được nghĩ, con người luôn có ý thức phản tỉnh để mình thanh tẩy khỏi đám bụi dung tục đời thường. Đàn ông dễ dàng trở nên cao thượng can đảm. Đàn bà dễ dàng trở nên ôn nhu thủy chung. Và hơn hết, họ sâu sắc biết yêu thương đất nước dân tộc, nơi có những người cao quý như thầy dạy học của họ, bố mẹ của họ và đặc biệt là người tình của họ. Vì vậy, biết đọc chữ là một hạnh phúc sâu sắc giản dị, nó hao hao gần với khái niệm tu thân.
Thời của chúng ta đang sống, “chữ” qua văn hóa đọc đang nghiêm trọng tha hóa. Chưa bao giờ thói quen “nghe” rồi “nhìn”, cụ thể ở đây là cái tivi, trở nên hợm hĩnh ngông cuồng một cách thời thượng đến thế. Những bộ phim truyền hình trường thiên long lanh sướt mướt, những trò chơi giông giống văn hóa được dẫn dắt bởi các “em xi” ồn ào đang nhan nhản chiếm tâm lực, trí lực của đám đông. Ngay cả sinh viên, lớp tín đồ trung thành và cuồng nhiệt của văn hóa đọc cũng đang trượt dần từ địa vị một tử tế độc giả sang thành những hóng hớt thính giả. Chữ phai nhạt thì sự tinh tế và trong trắng cũng phai nhạt.
Có phải vậy chăng mà cách đây gần hai trăm năm, những kẻ sĩ Việt mà đại diện là danh nhân Nguyễn Văn Siêu, đã cho dựng ở giữa linh địa Hồ Gươm một sừng sững Tháp Bút để nhung nhớ và tôn vinh chữ.