Nếu MTM chỉ dừng lại ở tùy chỉnh kích cỡ thông thường, thì trang phục bespoke giúp bạn tương tác với nghệ nhân may đo và tìm hiểu về thế giới vải vóc!

Với những ai am hiểu thời trang, thế giới của những bộ trang phục hoàn hảo có thể được khái quát bằng mô hình kim tự tháp. Theo đó, nếu đế của kim tự tháp là Ready-To-Wear (RTW), các tầng tiếp theo là Made To Measure (MTM), Made To Order (MTO) thì đỉnh kim tự tháp chính là Bespoke với giá trị cao nhất. Vì ranh giới giữa Bespoke và MTM có một số điểm dễ gây nhầm lẫn nên không phải ai cũng hiểu rõ hai khái niệm này.

Trang phục MTM

Với thời trang may đo MTM, các nhà may thường tạo ra một khung kích cỡ (size set) với sự khác biệt nhỏ giữa các kích cỡ nhằm đạt được con số gần nhất với số đo cơ thể khách hàng, và nghệ nhân sẽ ướm chỉ số cơ thể bạn dựa trên khung kích cỡ có sẵn. Bộ trang phục sau đó được tùy chỉnh bởi một nhóm thợ may chuyên trách các công đoạn và cuối cùng giao cho khách hàng trong vòng sáu đến tám tuần, và bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng được thực hiện bởi thợ may tại cửa hàng.

Trang phục Bespoke – đỉnh cao may đo

Được cho là gắn liền với ngành làm giày trong những năm 1800, “Bespoke” là dạng quá khứ phân từ của động từ “Bespeak”, tạm hiểu là nói để đưa ra yêu cầu. Sau đó, khái niệm này được sử dụng rộng rãi trong ngành may đo và được lớp khách hàng thượng lưu lựa chọn khi đặt may trang phục. Một nhà may bespoke đích thực phải có ít nhất một thợ cắt chính – người thực hiện các công đoạn từ lấy số đo, cắt may và tinh chỉnh trong các lần thử đồ cho đến khâu hoàn thiện sản phẩm; phải luôn có ít nhất một thợ học việc; các công đoạn may đo phải đạt một tỷ lệ thực hiện thủ công nhất định; sở hữu danh sách mẫu vải phong phú để khách lựa chọn; không giới hạn về mặt chi tiết trên trang phục; quá trình hoàn thiện một bộ trang phục bespoke phải trải qua tối thiểu từ hai đến ba lần thử (fitting).

Theo Jonathan Loe, chuyên gia điều phối tùy biến tại Oliver Brown ở Chelsea, điều quan trọng trong may đo bespoke chính là mẫu rập chuẩn (pattern) về kích thước số đo. Đây là mẫu rập được vẽ trên vải bằng phấn, từ đó các bộ phận của trang phục sẽ được cắt và lắp ráp, và mỗi khách hàng đều có một mẫu rập riêng. Một bộ trang phục bespoke đích thực được thực hiện thủ công bởi một nghệ nhân may đo bằng cách sử dụng các phép đo và các mẫu rập chuẩn từ số đo vật lý của khách hàng. Thông thường, nghệ nhân may đo sẽ thân chinh vi hành đến nhà hoặc văn phòng của khách hàng nếu cần thiết. Sau các phép đo ban đầu, sẽ mất sáu đến tám tuần cho một nguyên mẫu và lần thử số đo đầu tiên, và sáu tháng nữa để nhận được bộ đồ thành phẩm. “Các số đo, phác thảo và khâu thử số đo được thực hiện bởi cùng một nghệ nhân, người sẽ chịu trách nhiệm tạo ra mẫu rập chuẩn. Mỗi khách hàng phải được phục vụ bởi duy nhất một nghệ nhân để đảm bảo sự thống nhất giữa các lần may đo khác trong tương lai.

Trong khi đó, với may đo MTM, khách hàng sẽ được phục vụ bởi nhiều nghệ nhân và máy móc khác nhau”, Loe cho biết. “Trang phục MTM có không ít hạn chế vì chỉ có một số thay đổi nhất định mới có thể được thực hiện đối với một mẫu rập chuẩn hiện hữu. Điều này có thể giúp tiết kiệm chi phí, nhưng lại làm giảm chất lượng của thành phẩm và đánh mất trải nghiệm tương tác trong khâu thử số đo”, Loe tiếp lời.

Fred Astaire, một biên đạo múa, ca sĩ và diễn viên từng giành giải Oscar, khi đến Luân Đôn luôn ghé thăm Anderson & Sheppard và Kilgour để đặt may trang phục. Đối với Fred, phom dáng tổng thể và sự vừa vặn được tinh chỉnh qua mỗi lần thử đồ và sự tương tác với nghệ nhân trong mỗi lần thử cũng như trải nghiệm với chất liệu vải để tìm hiểu về đặc điểm vải và quy trình may đo đóng vai trò quan trọng, làm nên giá trị cho một bộ trang phục bespoke.


Một số thông tin thú vị cần biết

• Đừng đặt nặng vấn đề giá cả khi lựa chọn giữa trang phục bespoke và MTM vì chi phí thường tương đương nhau, tùy thuộc vào nhà sản xuất. Ví dụ, một bộ đồ may đo MTM điển hình của Kiton ngốn 50 giờ làm việc của nghệ nhân có giá khoảng 5.000 USD, trong khi một bộ đồ bespoke từ Leonard Logsdail ở New York ngốn chừng 48 giờ có mức giá khoảng 5.500 USD. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sở hữu một bộ trang phục MTM từ Ravazzolo với giá chỉ 2.000 USD.

• Không phải tất cả các nghệ nhân may đo bespoke đều giống nhau. Một nghệ nhân may đo ở quê nhà của bạn có thể tạo ra những món trang phục cùng dịch vụ hoàn hảo không kém các thương hiệu may đo trứ danh ở Savile Row. Bộ trang phục của bạn có thể được thực hiện kỳ công nhưng vô cùng xấu xí bởi người tạo nên nó không hề có phong cách hay cảm nhận được tỷ lệ may đo.

• Với một bộ trang phục bespoke, các tùy chọn vải và kiểu dáng là vô hạn, trong khi với những bộ đồ may đo MTM, số loại vải sẽ bị giới hạn. Với trang phục bespoke, bạn có thể yêu cầu bất kỳ chi tiết xa hoa nào mình muốn, từ chất liệu cashmere dưới cổ áo và lớp lót tùy biến cho cúc áo xà cừ và những kiểu túi không giới hạn bên trong và bên ngoài trang phục. Bạn thậm chí có thể thay đổi hình dạng của vai và kiểu dáng cánh tay theo ý thích.

• Trang phục may đo MTM thường đi kèm với một danh sách các tùy chọn. Một số hiệu may đo MTM sẽ thực hiện thân áo dài hơn, tay áo ngắn hơn và vòng eo được thu hẹp. Những hiệu may khác thì thực hiện chi tiết hơn với các phép đo bổ sung để tạo ra những bộ trang phục có khả năng che khuyết điểm về thể chất như vai thấp, vòng eo lớn. Một số hiệu may MTM chỉ có 5% công đoạn được thực hiện thủ công; trong khi tỷ lệ này ở một số nhà may MTM khác là 60%.