Diễn ra từ nay đến ngày 21.7, sự kiện là cơ hội hiếm có để sở hữu những tạo tác lịch sử ấn tượng do thương hiệu Pháp chế tác.

Từ rất lâu trước khi giới thiệu đến công chúng mẫu đồng hồ đeo tay Santos huyền thoại vào năm 1904, cũng như trở thành một biểu tượng kim hoàn được nữ công tước xứ Windsor đặc biệt sủng ái, Cartier đã nổi tiếng là bậc thầy của những chiếc đồng hồ để bàn tuyệt đẹp với dấu ấn thẩm mỹ đặc sắc được tạo ra từ nghệ thuật khảm, tráng men, chạm khắc, đính đá quý tinh xảo. Mê đắm những dấu ấn của thời gian này, một nhà sưu tầm đến từ châu Âu đã dành hơn 20 năm qua để săn tìm và tạo nên một bộ sưu tập cá nhân độc đáo, vừa được Christie’s tinh tuyển và giới thiệu đến công chúng 101 đại diện tiêu biểu trong phiên đấu giá trực tuyến diễn ra vào tháng 7 này.

Bộ sưu tập 101 chiếc đồng hồ để bàn Cartier đang được nhà Christie’s đấu giá trong tháng 7

Hầu hết đồng hồ thuộc bộ sưu tập đều đi kèm hộp đựng nguyên bản và có “tuổi đời” trên dưới 80 năm, được sản xuất trong khoảng thời gian trải dài từ thời hoàng kim của nghệ thuật Art Deco phát triển rực rỡ cho đến Belle Époque – một “giai đoạn tươi đẹp” diễn ra trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ I bùng nổ. Marie-Cecile Cisamolo, chuyên gia về trang sức của Christie’s, chia sẻ: “Tôi đã ‘choáng váng’ khi lần đầu tiên tận mục sở thị bộ sưu tập này. Đây không phải là những chiếc đồng hồ mà bạn có thể nhìn thấy hàng ngày.”

Trong số các đại diện đáng chú ý của bộ sưu tập phải kể đến những chiếc đồng hồ “bí ẩn” (mystery clock) nổi tiếng nhờ thiết kế kim đồng hồ độc đáo, có khả năng “đánh lừa thị giác” khi mang đến cảm như đang treo lơ lửng nhờ một loại ma thuật nào đó (thiết kế này về sau tiếp tục được sử dụng trên các mẫu đồng hồ đeo tay). Một chiếc đồng hồ “mystery” thu hút sự quan tâm đặc biệt là mẫu ra mắt năm 1913, được khắc dòng chữ Latin “Horas Non Noto Nisi Luciors” ở trung tâm, có mặt hiển thị giờ chiếm nửa hình tròn cùng 2 “kim” hình mặt trời và mặt trăng tượng trưng cho ban ngày và ban đêm. Phút được thể hiện qua một kim hình mũi tên đính kim cương đặt ở vành ngoài. Mặt số trung tâm được tráng men màu lam trang trí họa tiết guilloché với các sọc tráng men màu trắng và lam nhạt, đính kim cương cắt giác rose-cut xen kẽ các chi tiết bằng vàng.

Một dấu ấn đáng chú ý khác là chiếc đồng hồ ra đời năm 1926 được trang trí theo phong cách Art Deco, do Maurice Coüet – một nghệ nhân tài hoa và có mối thân tình lâu năm với Cartier – chế tạo. Sự xuất sắc của cỗ máy thời gian này nằm ở khả năng kết hợp nhiều kỹ thuật chế tác đòi hỏi chất khéo léo cao độ, chẳng hạn kỹ thuật sơn mài “burgauté” – trang trí đồ tráng men bằng những mảnh dát được đánh bóng, làm từ lớp vỏ ngoài có màu xanh lục – lam của một số sinh vật biển nhất định, kết hợp các chất liệu đắt giá khác như đá mặt trăng mài tròn, xà cừ, ngọc lam, kim cương cắt giác rose-cut và vàng.

Chiếc đồng hồ để bàn có tính năng điểm chuông do Maurice Coüet chế tạo, ra mắt năm 1912

Bên cạnh đó, bộ sưu tập cũng bao gồm những mẫu đồng hồ có chức năng phụ như điểm chuông và lịch thường niên. Đáng chú ý là chiếc đồng hồ điểm chuông của Maurice Coüet được sản xuất năm 1912 với mặt tráng men màu lam trang trí họa tiết guilloché, kim cương cắt giác rose-cut, viền tráng men màu đen, đá mặt trăng mài tròn, khảm xà cừ và các chi tiết bằng vàng và bạc.

Dưới đây là một số đồng hồ đặc biệt khác tại phiên đấu giá mà các quý ông yêu thích thương hiệu Cartier không thể bỏ qua trong chuyến “đi săn” của mình: