Gắn liền với nhiều nền văn hóa và ngành nghề, chiếc mũ luôn “tiến hóa” để vượt ra khỏi giới hạn của một món đồ tiện dụng. Không như những món phụ kiện khác, chiếc mũ được đặt ở một vị trí khá trang trọng, chỉ cách “cửa sổ tâm hồn” từ 5 đến 7 cm. Đó là lý do vì sao chiếc mũ còn là vật biểu trưng cho địa vị xã hội, thứ bậc và nghề nghiệp của chủ nhân. Màu sắc, hình dáng và phụ kiện gắn kèm thể hiện một phần nào đó nói lên tính cách của người đội. Huy hiệu bằng vải trên mũ sĩ quan sẽ khác chiếc huy hiệu bằng kim loại, hay chiếc mũ galero đỏ rực của Đức Hồng Y; một nhà quý tộc sẽ đội chiếc mũ chóp cao khi đi săn, còn người canh rừng sẽ đội chiếc mũ quả dưa để tránh các cành cây khi cưỡi ngựa.

Không chỉ là phụ kiện, chiếc mũ còn đại diện cho địa vị xã hội, thứ bậc và nghề nghiệp

Mặc cho nét văn hóa đậm màu sắc riêng biệt, Nick Fouquet luôn mong muốn mỗi chiếc mũ đều được tạo ra theo cách tỉ mỉ ngang nhau. Đều bắt đầu từ một miếng vải trắng, nhưng mũ được thiết kế để trở thành sản phẩm độc nhất và đi ngược lại xu hướng thời trang đại chúng. Mỗi chiếc mũ sẽ có một ADN riêng và sức hấp dẫn riêng, dần trở thành những tác phẩm nghệ thuật có khả năng xóa mờ mọi ranh giới xã hội. Khi được một khách hàng yêu cầu thiết kế theo chủ đề “Montana gặp Luân Đôn”, Nick chia sẻ: “Tôi thực sự phấn khích khi nghe thấy hai địa danh này. Hàng triệu ý tưởng vụt lên ngay lập tức. Tôi nghĩ ngay đến những bộ phim cũ mình đã xem, như The Outlaw Josey Wales, và cả những cuốn sách cũ nữa. Và bởi vì cũng mới ghé thăm cả hai thành phố này, tôi vẫn còn lưu giữ khá nhiều điều ấn tượng và muốn dung hòa chúng trong một tác phẩm.”

Mỗi chiếc mũ sẽ có một ADN riêng và sức hấp dẫn riêng

Đắn đo giữa hai phom dáng là mũ quả dưa (bowler) và mũ fedora giọt nước (teardrop fedora), anh lựa chọn phương án thứ hai bởi niềm tin rằng “Winston Churchill sẽ đội một thứ như thế này, và fedora sẽ là phom dáng để biểu trưng cho cả hai thành phố.” Chất liệu anh sử dụng cho đơn hàng đặc biệt này là da hải ly bởi độ bền và khả năng dễ biến hóa. Những chiếc mũ của Nick đa dạng về màu sắc, từ ánh cam, đỏ máu, vàng, be hay xanh biển, tất cả đều được thổi vào một linh hồn riêng. Cả những chi tiết trang trí với dây đan cũng rất phong phú với băng lụa truyền thống, denim, da cá sấu, những miếng da bọc sách, những nút kim loại, que diêm hay lông vũ. Đó là còn chưa kể đến những kỹ thuật tác động lên chất liệu theo cách rất riêng của Nick, chẳng hạn như đốt cháy bề mặt với chiếc mũ “Montana gặp Luân Đôn”.

Qua tay Nick Fouquet, mỗi chiếc mũ đều trở thành tác phẩm nghệ thuật

Sẽ không có giấy mực nào đủ để liệt kê hết những điểm đặc biệt của một chiếc mũ mang mác Nick Fouquet, thế nhưng cho dù mang màu sắc chất liệu gì, dưới bàn tay ma thuật của cựu người mẫu đến từ Mỹ này, mọi chiếc mũ đều toát lên nét phiêu lưu nhưng cũng không kém phần lịch lãm.