Ra đời gần 40 năm trước, dòng máy cơ biểu tượng của Leica lại đang được nhóm khách trẻ săn đón.

Ngày nay, thông số độ phân giải (megapixel) và các tính năng hiện đại đang là những yếu tố tiên quyết giúp các hãng sản xuất máy ảnh tranh giành vị trí đầu bảng trong cuộc đua công nghệ. Tuy nhiên, Leica – một tượng đài trong làng nhiếp ảnh – lại đi ngược với xu hướng số hóa để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong mảng máy phim cổ điển.

Hãng sản xuất máy ảnh danh tiếng đến từ Đức đã hồi sinh dòng máy M6 vốn được ra mắt vào năm 1984 và ngừng sản xuất từ năm 2002. Không có màn hình để xem lại ảnh, cũng không thể bắt sóng wifi để chia sẻ hình, M6 còn không hỗ trợ lấy nét tự động. Vậy tại sao Leica lại quyết định cho M6 tái xuất?

Stefan Daniel, Phó chủ tịch điều hành công nghệ và vận hành của Leica, giải thích: “Giá M6 trên thị trường đồ cũ liên tục tăng và phần lớn những người muốn mua nó là những người trẻ tuổi”. Thật vậy, nhóm khách hàng trẻ tuổi ngày nay đã và đang dành sự quan tâm không nhỏ với những món đồ vintage như máy ảnh cơ học, đĩa than vinyl,… và M6 chính là quân bài tẩy của Leica nhằm đón đầu thời kỳ “phục hưng” này. Trong hơn 18 năm, gần 175.000 chiếc đã được bán ra, khiến M6 trở thành mẫu máy ảnh phổ biến nhất của hãng. Leica tin rằng chính sự đơn giản trong phương thức hoạt động đã khiến chiếc máy ảnh được săn đón trở lại. Daniel nhấn mạnh: “Mọi tính năng trên M6 đều phục vụ cho việc nhiếp ảnh, không thừa cũng không thiếu”.

Vừa qua, Robb Report đã có dịp ghé thăm trụ sở chính của Leica nằm tại Wetzlar, Đức, để tận mục sở thị quá trình sản xuất phiên bản mới của chiếc máy ảnh cổ điển này diễn ra như thế nào.

1. Nơi hành trình bắt đầu

Leica M6
Ảnh: Mark Mann

Những bộ phận của các máy M6 cũ được nhập từ nhà máy của Leica ở Bồ Đào Nha. Các kỹ thuật viên tại đây phải dành hơn 16 giờ để kiểm tra và lắp ráp hơn 1.100 chi tiết trước khi chuyển chúng đến cơ sở tại Wetzlar.

2. Trái tim của vũ trụ

Ảnh: Mark Mann

Bộ quang trắc (rangefinder) là chi tiết phức tạp nhất trên M6. Nhóm kỹ sư tại Bồ Đào Nha thực hiện công đoạn chế tạo bộ phận này và nhóm ở Đức lo phần hiệu chỉnh. Đây là bước quan trọng nhất trong khâu sản xuất.

3. Đan dệt công phu

Ảnh: Mark Mann

Chiếc máy ảnh sẽ sử dụng màn trập do chính Leica thiết kế từ Thế kỷ 20 và vỏ bọc cao su đến từ nhà cung cấp uy tín. Tại Bồ Đào Nha, màn trập được khâu thủ công vào máy. Ở Đức, tốc độ màn trập được kiểm tra ở nhiều mức, từ 1 đến 1/1.000 giây.

4. Vỏ bọc kiên cố

Ảnh: Mark Mann

Phần thân chính của M6 được làm từ hợp kim ma-giê và phần vỏ trên cùng – nơi che chắn rangefinder và các thiết bị điện tử của máy ảnh, được làm từ đồng thau. Cả hai đều được chà nhám và đánh bóng bằng tay để loại bỏ các cạnh thô, sau đó được phủ một lớp sơn đen.

5. Hợp nhất sức mạnh

Ảnh: Mark Mann

Tiếp theo, nút chụp, cần đẩy phim, vòng quay tốc độ màn trập và tay quay tua lại lần lượt được cố định vào đỉnh của máy. Bộ đếm khung hình cũng được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo người chụp có thể xác định đúng số phim còn lại.

6. Dấu ấn chủ quyền

Ảnh: Mark Mann

Dòng chữ Made in Germany sẽ được ép trực tiếp lên vỏ bọc giả da của máy. Chất lượng luôn là chìa khóa tạo nên danh tiếng cho Leica và cũng là lý do tại sao nhiều nhiếp ảnh gia không ngại đầu tư vào thiết bị của hãng nhiếp ảnh Đức hơn so với các thương hiệu khác.

7. Nâng cấp ngoại hình

Ảnh: Mark Mann

Một số bộ phận, chẳng hạn như ngàm ống kính, sẽ được tạm thời tháo ra khỏi thân máy để dán lớp da giả. Lớp da này sẽ bao trọn một vòng thân máy, từ trước ra sau.

8. Bảo chứng thời đại

Ảnh: Mark Mann

Ernst Leitz thành lập công ty mang tên mình vào năm 1869 để sản xuất kính hiển vi – mãi đến năm 1986, cái tên này mới được đổi thành Leica (“Lei” trong tên ông và “ca” trong camera). Logo màu đỏ nổi bật với chữ “Leitz” ở giữa trở thành đặc điểm nhận dạng của dòng máy M6.

9. Bài kiểm tra cuối cùng

Ảnh: Mark Mann

Cuối cùng, máy ảnh được gắn một cuộn phim giả 35mm và kiểm tra tổng thể để đảm bảo tất cả bộ phận và chức năng đều hoạt động bình thường.

10. Lưu giữ mọi khoảnh khắc

Ảnh: Mark Mann

Phiên bản M6 2022 vẫn thể hiện trọn vẹn khí chất của mẫu M6 nguyên bản lừng lẫy một thời. Andrea Pacella, Giám đốc tiếp thị và truyền thông toàn cầu của Leica, chia sẻ: “Một vị trụ trì người Mỹ tại một tu viện Phật giáo Tây Tạng ở phía bắc Ấn Độ từng bỏ lại tất cả để đi theo Đức Đạt Lai Lạt Ma. Hiện vật trần thế duy nhất mà ông ấy còn giữ lại là chiếc máy ảnh Leica, thứ được ông dùng để ghi lại cuộc đời mình. Theo ông, tự tay chúng ta điều chỉnh ống kính để lấy nét của chủ thể cũng là một trong những phương pháp thực hành chánh niệm và thư giãn tâm hồn.