Thời trang cao cấp không còn là “sân chơi” riêng của các thương hiệu đến từ châu Âu và châu Mỹ.

Các thương hiệu thời trang Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thời trang thế giới và trở thành đối thủ đáng gờm cho những tên tuổi lâu đời của phương Tây. Nhân tố chính dẫn đến sự thay đổi này nằm ở việc người tiêu dùng châu Á đang dần trở nên tự tin với phong cách của mình và có xu hướng ưa chuộng các nhãn hiệu trong nước hơn.
Châu Á vẫn được coi là thị trường tiêu thụ thời trang cao cấp hàng đầu thế giới, chiếm khoảng một nửa thị phần. Hầu hết người tiêu dùng đều dưới 35 tuổi, thành thạo Internet và thích tìm kiếm các thương hiệu nhỏ, có tính sáng tạo cao nhằm giúp họ trở nên độc đáo, khác biệt so với thế hệ trước và cả những người xung quanh.
Theo nhận định từ các chuyên gia thời trang, chất lượng cao không còn là đặc trưng riêng của thời trang cao cấp phương Tây; thời trang châu Á dần nhận được nhiều sự chú ý bởi họ không ngại thử nghiệm nhiều loại chất liệu, công nghệ mới dựa trên chính cơ sở sản xuất tại địa phương.

Những mẫu thiết kế của Ms Min

Không còn là nguy cơ, các thương hiệu thời trang phương Đông đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đến nhiều “ông lớn” trong ngành thời trang cao cấp trên thế giới. Doanh thu của Prada, Bottega Venena và Tod gần đây đều không đạt mức tăng trưởng như mong đợi, trong đó một phần nguyên nhân đến từ mức giá sản phẩm tăng quá cao và việc mở cửa hàng ồ ạt tại một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản.
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc như Ms Min và Comme moi (do siêu mẫu quốc tế Lu Yan sáng lập) giờ đây chiếm vị trí trung tâm trong các cửa hàng của Lane Crawford – hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất Hồng Kông và trải rộng khắp Trung Quốc. Lane Crawford cũng đang bày bán sản phẩm của các thương hiệu thời trang nam cao cấp đến từ Hàn Quốc như Woo Young Mi. Sắp tới, một số thương hiệu thời trang nữ đến từ “xứ sở kim chi” cũng sẽ bắt đầu xuất hiện trong Lane Crawford.
“Mọi người cảm thấy tự hào khi châu Á phát triển một cộng đồng sáng tạo của riêng mình và nổi lên thành một lực lượng sáng tạo mới có thể thách thức phương Tây”, Andrew Keith, Chủ tịch của Lane Crawford, chia sẻ.
Trong bốn năm qua, số lượng thương hiệu Trung Quốc được bày bán tại các cửa hàng của Lane Crawford đã tăng lên hơn 30. Ước tính có khoảng 20% lượng quần áo mua trực tuyến từ trang web của hãng này được chuyển đến các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, chủ yếu giao cho khách hàng Hoa Kiều trên khắp thế giới. Theo thống kê của Crawford, độ tuổi trung bình của khách hàng Trung Quốc đại lục là 25, trong khi ở Hồng Kông là 35-40.

Thiết kế độc đáo của Roggykei – thương hiệu thời trang trẻ đến từ Nhật Bản

Các nhãn hiệu thời trang đến từ Nhật Bản như Sacai và Tsumori Chisato… cũng được người tiêu dùng châu Á yêu thích. Rất nhiều trong số này hoạt động lâu năm hơn so với các nhãn hiệu của Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngôi sao nhạc Pop Lady Gaga còn thường xuyên diện đồ của Roggykei, một thương hiệu Nhật Bản được thành lập vào năm 2006 bởi hai sinh viên Đại học Thiết kế Osaka.

Phong cách độc nhất vô nhị
Seoul, Tokyo và Thượng Hải đều đang tổ chức những tuần lễ thời trang với quy mô ngày càng lớn. Đây được xem là bệ phóng giúp các thương hiệu trẻ tiềm năng bước chân vào thị trường thời trang cao cấp. Một vài trong số đó thậm chí đã “Tây tiến” và xuất hiện trên sàn diễn tại các tuần lễ thời trang lâu đời của Milan hay Paris.
Guo Pei, một nhà thiết kế đến từ Bắc Kinh, chủ nhân của chiếc váy dài màu vàng ấn tượng mà Rihanna mặc tại Met Gala năm 2015, đã ra mắt bộ sưu tập mới của mình tại Paris Haute Couture Week 2016. Trong khi đó, thương hiệu giày Trung Quốc Stella Luna với các đôi giày có giá trung bình từ 565 USD cũng đã mở ba cửa hàng tại kinh đô thời trang Paris.

Các mẫu thiết kế của Yiqing Yin được bán tại cả Trung Quốc, New York và Paris

Nhà thiết kế người Pháp gốc Hoa Yiqing Yin được đánh giá là một trong những gương mặt trẻ có triển vọng nhất của ngành công nghiệp thời trang hiện nay. Cô từng giành nhiều giải thưởng thiết kế thời trang tại châu Âu và sở hữu thương hiệu riêng với các sản phẩm được bán tại cả Trung Quốc, New York và Paris. Tất nhiên, mức giá của những món đồ này không hề thua kém các sản phẩm đến từ những thương hiệu cao cấp phương Tây.
Thương hiệu thời trang nổi tiếng Hàn Quốc SJYP, do bộ đôi Steve Jung và Yoni Pai sáng lập, đang mở rộng phạm vi kinh doanh ra cả châu Âu lẫn châu Mỹ. Sản phẩm của SJYP xuất hiện tại những trung tâm thương mại cao cấp hàng đầu như Selfridges (London) và Opening Ceremony (New York và Los Angeles).
“Trước đây, hầu hết người châu Á nghĩ rằng, xa xỉ phẩm đều có nguồn gốc từ phương Tây. Nhưng ngày càng có nhiều người quan tâm đến các thương hiệu quốc nội với phong cách và tầm nhìn độc đáo”, Lee Seo-hyun, Chủ tịch của công ty thời trang Samsung C&T, chia sẻ.
Samsung C&T là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong ngành công nghiệp thời trang đang lên của Hàn Quốc. Mỗi năm, doanh nghiệp này tài trợ khoản tiền lên tới 100.000 USD cho hai hoặc ba nhà thiết kế phát triển sự nghiệp. Từ năm 2005, Samsung C&T đã đầu tư hơn 2,7 triệu USD vào 19 nhóm thiết kế thông qua Samsung Fashion & Design.
Đế chế thời trang “dưới tay” Samsung bao gồm một loạt các thương hiệu có mức tăng trưởng ổn định, từ thương hiệu Hàn Quốc Beanpole cho đến thương hiệu thời trang Bỉ Ann Demeulemeester.
Erwan Rambourg, tác giả cuốn sách “Triều đại lấp lánh”, đồng thời là chuyên gia phân tích mảng hàng hóa xa xỉ tại HSBC cho biết, các thương hiệu châu Á, mặc dù còn ở quy mô nhỏ và chưa được phân phối rộng rãi, nhưng đang dần trở thành những đối thủ đáng gờm cho các thương hiệu phương Tây.

Làn sóng Hallyu đã giúp thời trang Hàn Quốc “cất cánh”

Thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc từ lâu đã phổ biến với khách hàng Trung Quốc nhờ làn sóng K-pop. Các bộ phim truyền hình nổi tiếng như “Vì sao đưa anh tới” hay “Hậu duệ Mặt trời” cùng nhiều ngôi sao đình đám như Big Bang và Girls’ Generation… đã giúp xây dựng hình ảnh của Hàn Quốc như một quốc gia tạo nên xu hướng trên khắp châu Á.
“Lòng tự trọng và sự tự tin của người dân Hàn Quốc đã được củng cố nhờ sức mạnh của K-Culture, đây cũng là lý do các thương hiệu Hàn Quốc cũng như châu Á khác bắt đầu trở nên phổ biến hơn”, Sung-Joo Kim, nữ doanh nhân Hàn Quốc đang sở hữu nhãn hiệu đồ da cao cấp từ Đức MCM, nhận định. Đồng thời, bà cũng chỉ ra rằng, so với phương Tây, các thương hiệu Á Đông chú trọng hơn đến khách hàng mặc size nhỏ.
“Chúng ta có thể khiến việc sản xuất và thiết kế tại châu Á trở thành một trào lưu mới,” Joowon Park, giám đốc Simone Fashion, một công ty có trụ sở tại Seoul, đang sản xuất gia công cho các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Coach, Michael Kors và Kate Spade, cho biết. “Ranh giới giữa thương hiệu châu Á và phương Tây ngày càng mờ nhạt, trong khi chúng ta lại có đầy đủ nguyên liệu và cơ sở sản xuất”.