Một chương trình ẩm thực quốc tế đã phỏng vấn người con của công dân Mỹ gốc Việt, với câu hỏi có ăn được mắm tôm không? Bạn ấy trả lời rằng chưa có dịp ăn, nhưng đã tình cờ nghe mùi vài lần và thấy khá thân thiện. Hỏi bạn vì sao vậy? Bạn nói có lẽ do cha của mình từng ăn nhiều lần lúc nhỏ chăng. Mà cha của bạn thì đến Mỹ khi mới 10 tuổi, còn bạn thì sinh ra và lớn lên tại Mỹ, gần như không nói được tiếng Việt. Nghĩa là trong sâu thẳm cõi lòng, bạn trẻ này vẫn còn “chất nguyên quán”, “chất quê xưa” của cha ông mình.

 

Các nghiên cứu về ADN gần đây cho thấy có những thứ tưởng chừng không thuộc về gen gốc, vẫn di truyền khá rõ nét. Trong đó, ẩm thực, văn hóa, tôn giáo, tập tính, thẩm mỹ, chất quê... chính là những điều như vậy. Nhiều người Italy đi làm xa xứ, khi được hỏi bạn nhận xét thế nào về pizza ở những đất nước xa lạ mà bạn ghé ăn? Đa số trả lời rằng không mấy chủ ý đến ngon dở, mà quan trọng là ăn cho đỡ nhớ quê nhà, cảm nhận sự gần gũi.

 

Đất nước đang trong làn sóng đô thị hóa nhanh chóng, không gian sống và cộng đồng chuyển đổi mạnh mẽ. Nhiều người như ngủ sau một đêm là dân quê thành dân phố. Trước đây khái niệm “quy cố hương” (về quê cũ) là thường thấy, ngày nay khái niệm “nghịch quy thành” (quay ngược lại phố) thì khá phổ biến. Thế nhưng, dù không gian sống thay đổi nhanh chóng, nhưng chất quê trong mỗi người có cập nhật kịp không? Chắc là khó. Bởi vậy nên mới có chuyện ứng xử hoặc sống theo thói quen ở quê trong các chung cư, khu đô thị hạng sang. Ở đây không nói chuyện hay/dở, xấu/tốt, mà chỉ muốn nói rằng hãy thông hiểu, bao dung lẫn nhau, vì chất quê và chất phố chưa kịp quyện hòa. Chưa nói, cũng trong làn sóng đô thị hóa đôi khi khốc liệt, lạnh lùng ấy, ai còn quê để về, ai còn chất quê để giữ cũng là một điều riêng, nhiều người khác cũng muốn có được, để thêm phong phú cho cuộc đời.

 

Nếu giả thuyết về nguồn gốc loài người bắt nguồn từ châu Phi cổ đại là đúng, thì chất quê xa xưa của những người tưởng chừng khác nhau - ví dụ thích mắm tôm, pizza, sushi, cá hồi, kim chi, hoành thánh, bơ, phô mai, đậu hủ (khuôn)... - đều cùng một chỗ đó thôi. Còn nếu chấp nhận giả thuyết về luân hồi, về tái sinh, thì chất quê xưa càng khó xác định, vì đa số sẽ không còn nhớ gì. Chưa nói, cũng theo thuyết này, có khi từ chất quê mì Quảng tái sinh vào xứ phô mai hoặc ngược lại. Nói như vậy để thấy rằng, nếu nhìn bao dung và tương đối, thì mọi dị biệt hoặc khác biệt về chất quê, chất phố đều có thể chấp nhận, dung nạp, bởi biết đâu rằng, trong vô vàn hành trình, chính ta đã từng đi qua đó, từng sống chết với nó, rồi quên đi.