Khi các CEO công nghệ ở Thung lũng Silicon quan tâm đến thời trang.

Nếu tình cờ gặp Jeff Bezos trong thời gian gần đây, có lẽ bạn cũng nhận thấy sự thay đổi 180 độ trong trang phục thường nhật của ông. Từng gắn với trang phục quen thuộc như quần chino, giờ đây, Bezos đang cho thấy một hình ảnh hoàn toàn mới với kính mát Garrett Leight, áo Polo hay ghi-lê Barbour và tuxedo hiệu Tom Ford trong dạ tiệc Met Gala.
Sự thay đổi này của Bezos là một ví dụ cho thấy diện mạo mới của giới doanh nhân công nghệ ở Thung lũng Silicon. Vốn gắn với các trang phục năng động như áo khoác nỉ trùm đầu, áo phông và quần jean, giờ đây, các chuyên gia công nghệ đang trở nên sành điệu hơn với trang phục tùy biến từ các loại vải thượng hạng cùng phom dáng sắc nét.

Nếu Bozoma Saint John, CEO của Uber, chuộng các mẫu trang phục sang trọng nhưng táo bạo của các thương hiệu nổi tiếng; Satya Nadella của Microsoft được nhà thiết kế Masaba Mantena nhận xét là người có phong cách ăn mặc xuất sắc; Brian Chesky, CEO của Airbnb, thường xuyên gắn với trang phục sang trọng của Gucci; thì Evan Spiegel, CEO của Snap, lại xuất hiện trong một bài viết của tạp chí thời trang nổi tiếng Vogue phiên bản tiếng Ý.
Chiến lược săn mồi
Điều gì đã thúc đẩy họ thay đổi phong cách ăn mặc của mình? Có thể, theo thời gian, họ trưởng thành hơn và biết cách nhìn nhận, đánh giá chất lượng của trang phục cao cấp. Hoặc cũng có thể bởi các thương hiệu xa xỉ như Brunello Cucinelli và Kiton đã nhận ra rằng mình cần phải nhắm đến những chàng trai Silicon thông minh đó và điều chỉnh các dịch vụ của mình một cách phù hợp hơn.
Kiton đã giới thiệu đến lớp khách hàng trẻ tuổi này những chiếc áo khoác len cashmere mềm mại và siêu nhẹ với độ co giãn tự nhiên. “Họ là những chàng trai biết chính xác những gì mình muốn. Dù muốn sở hữu những chiếc áo khoác và quần tây không quá cổ điển hoặc một chiếc quần jean yêu thích, nhưng họ vẫn chuộng những chiếc áo sơ mi trắng cổ điển lịch lãm hay những chiếc cà-vạt may thủ công.” – Antonio De Matteis, CEO của Kiton, giải thích.

Thật thú vị, niềm đam mê công nghệ cùng thời trang xa xỉ đã biến Brunello Cucinelli trở thành một quý ông thành thị ở Thung lũng Silicon. Ông là nhân vật quyền lực đằng sau một số trang phục mang tính biểu tượng nhất trong quá khứ: mẫu áo cổ lọ màu đen đặc trưng mà Steve Jobs thường mặc, hay mẫu áo phông xám tùy biến cho Mark Zuckerberg. Diện mạo mới của Bezos với áo khoác len cashmere siêu mềm và da cao cấp phần lớn gắn với công lao của nhà thiết kế nổi tiếng này.
Nhận thấy tiềm năng của lớp khách hàng này, nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đã bắt đầu lên kế hoạch “tấn công” bài bản. Hermès đã khai trương cửa hàng thứ 34 tại Mỹ của mình ở Palo Alto, trung tâm của những gã khổng lồ công nghệ thế giới.

Và trong ngành công nghiệp này, khi được những gã khổng lồ chăm sóc, bạn sẽ nhanh chóng có được thần thái của một ngôi sao nhạc rock: Cucinelli đã được mời diễn thuyết tại Dreamforce, hội nghị công nghệ thường niên của Salesforce, nơi nhà sáng lập Marc Benioff bảnh bao trong bộ suit sọc màu xanh hải quân được may bằng len vicuña quý hiếm của Cucinelli. Nên nhớ, len vicuña được tạo ra từ lông của loài lạc đà không bướu sống ở độ cao 3.200-4.800 m trên dãy Andes thuộc Nam Mỹ và là loại lông siêu mềm mại cùng độ đàn hồi cao.

Theo Bob Mitchell, nhà sáng lập Mitchells, đơn vị sở hữu Wilkes Bashford ở San Francisco và Palo Alto, diện mạo mới của Thung lũng Silicon được coi là phiên bản rút gọn của phong cách Phố Wall cũ. Những chiếc cà-vạt mang thương hiệu Zegna và những bộ suit tối màu phổ biến ở Bờ Đông được coi là quá nghiêm trang cho lớp chuyên gia công nghệ ở Thung lũng Silicon, và điều này khiến các thương hiệu thời trang phải tìm cách dung hòa để đáp ứng thị hiếu mới.

Theo bước Cucinelli, Kiton và Loro Piana đã ra mắt những mẫu áo gió và áo len mang phong cách thể thao nhưng không kém phần tinh tế. Một loại phụ kiện khác mà bạn sẽ dễ dàng nhận thấy ở Thung lũng Silicon là những đôi giày cao cấp của Lanvin, Cucinelli và Loro Piana.
Khả năng gặt hái từ phân khúc khách hàng mới này ở Thung lũng Silicon có thể bị đánh giá thấp bởi ai cũng nghĩ lớp doanh nhân này là những người chỉ đặc biệt đam mê công nghệ chứ không mấy mặn mà với thời trang. Mitchell cho biết thị trường tăng trưởng mạnh nhất của ông là ở Seattle và Palo Alto. Và trớ trêu thay, 97% doanh số của ông đến từ các cửa hàng ngoại tuyến thay vì trực tuyến. “Dân công nghệ không thích mua trực tuyến, mà thực sự đánh giá cao dịch vụ cá nhân hóa tại các cửa hàng ngoại tuyến”, ông nói.

Vậy, liệu phong cách ăn mặc thoải mái và có phần hơi cẩu thả của lớp chuyên gia công nghệ có biến mất khỏi nơi này? Không hẳn. Mặc dù không muốn bị bắt gặp trong một chiếc áo khoác nỉ trùm đầu, nhưng nhà đầu tư Jason Mendelson, cựu kỹ sư phần mềm và đồng sáng lập Tập đoàn Foundry, cũng không quá chú trọng vào những món đồ xa xỉ. Ông vẫn chuộng bộ sưu tập sơ-mi Eton tiện lợi với ba kích cỡ. “Tôi không thấy thoải mái với những chiếc áo không phù hợp”, ông nói.